Đường dẫn truy cập

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiếp tục tập trận ở Biển Đông


Nhóm tác chiến USS Ronald Reagan và USS Nimitz tiến vào Biển Đông. Ảnh chụp ngày 6/7/2020. (Mass Communication Specialist 3rd Class Jason Tarleton/U.S. Navy via AP)
Nhóm tác chiến USS Ronald Reagan và USS Nimitz tiến vào Biển Đông. Ảnh chụp ngày 6/7/2020. (Mass Communication Specialist 3rd Class Jason Tarleton/U.S. Navy via AP)

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 17/7/2020 nối lại các cuộc tập trận chung hiếm thấy ở Biển Đông, lần thứ hai trong tháng Bảy các siêu chiến hạm Mỹ phối hợp diễn tập trong vùng biển tranh chấp.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagen và USS Nimitz với tổng cộng hơn 12.000 nhân viên quân sự cùng các tuần dương hạm và tàu khu trục hộ tống đã khởi sự hoạt động ở Biển Đông từ hôm nay, 17/7, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết trong một thông báo.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay, cùng hơn 120 máy bay được triển khai, đang tiến hành các cuộc tập trận không quân chiến thuật "nhằm duy trì khả năng sẵn sàng ứng chiến và nhuần nhuyễn trong chiến đấu", thông báo của Hải quân Hoa Kỳ cho biết.

Văn phòng Quan hệ Công chúng của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ hôm 16/7 nói hoạt động của hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Reagan là để “sát cánh với với các đồng minh và đối tác trong khu vực có cùng chí hướng”, và các hoạt động này trực tiếp hỗ trợ quyết tâm của Hoa Kỳ thực thi tự do hàng hải, cho máy bay và tàu thuyền hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, Chỉ huy Hạm đội 7, Phó Đô đốc Bill Merz nói.

“An ninh và ổn định là thiết yếu cho hòa bình và thịnh vượng của mọi quốc gia, đó là lý do tại sao Hải quân Hoa Kỳ có mặt và luôn trong tư thế sẵn sàng ở Thái Bình Dương”.
Tư lệnh Nhóm tác chiến Tàu sân bay Nimitz James Kirk


Chuẩn đô đốc James Kirk, Tư lệnh Nhóm tác chiến Tàu sân bay Nimitz, cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi mà luật pháp quốc tế cho phép “nhằm thực hiện cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc.”

Chuẩn đô đốc Jim Kirk nói sự hiện diện của hai tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông không phải để phản ứng trước bất cứ sự kiện đặc biệt nào mà chỉ là hoạt động thường lệ nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến.

Ông nói:

“An ninh và ổn định là thiết yếu cho hòa bình và thịnh vượng của mọi quốc gia, đó là lý do tại sao Hải quân Hoa Kỳ có mặt và luôn trong tư thế sẵn sàng ở Thái Bình Dương”.

Washington tuần này lần đầu tiên mô tả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là 'bất hợp pháp'. Ngoại trưởng Mike Pompeo nói:

"Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói những cáo buộc của Mỹ là "hoàn toàn phi lý".

Một tuyên bố của tòa đại sứ Trung Quốc nói “Mỹ bóp méo sự thật và luật pháp quốc tế ... phóng đại tình hình trong khu vực và âm mưu gây bất hòa giữa Trung Quốc với các nước ven bờ khác”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG