Đường dẫn truy cập

Pháp chế XHCN: Trưng bày hàng gian, hàng giả


Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị phạt 4 năm tù. Photo VTV
Cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến bị phạt 4 năm tù. Photo VTV

Vừa có thêm hai chuyện nên gom lại đặt bên cạnh nhau để minh họa thêm cho pháp chế XHCN, con đẻ của dân chủ XHCN. Hai câu chuyện này góp phần chứng minh, nỗ lực chống tham nhũng, tiêu cực, dứt khoát “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” nhằm chỉnh đốn đảng, thực thi pháp chế XHCN, hướng tới một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chẳng khác gì một cuộc trưng bày hàng gian và hàng giả…

***

Chuyện thứ nhất là bản án mà Tòa án của Quân chủng Hải quân vừa tuyên sau phiên xử sơ thẩm ông Nguyễn Văn Hiến, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu đại biểu Quốc hội, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Hải quân. Ông Hiến bị Tòa xác định đã phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”: Đề ra chủ trương và trực tiếp phê duyệt, mở đường cho việc chuyển hóa ba khu đất quốc phòng thành… tài sản của một số doanh nghiệp, khiến công quỹ mất gần… 1.500 tỉ đồng (1).

Vi phạm của ông Hiến xảy ra vào giữa thập niên 2000. Tuy ba khu đất quốc phòng vốn là công thổ kèm theo nhiều công thự trên đó đã bị chuyển hóa quyền sử dụng, tọa lạc giữa… trung tâm TP.HCM nhưng 15 năm sau vụ chuyển hóa ấy mới được xác định là “sai phạm rất nghiêm trọng”. Nơi xác định ông Hiến sai phạm là BCH TƯ đảng CSVN và sau đó hệ thống tư pháp XHCN mới nhập cuộc để áp dụng các qui định pháp luật, thực thi… công lý XHCN.

BCH TƯ đảng CSVN không chịu bất kỳ trách nhiệm nào khi bỏ qua “sai phạm rất nghiêm trọng” của ông Hiến, nâng ông từ Phó Đô đốc lên Đô đốc, ngoài chức vụ Tư lệnh Hải quân còn quy hoạch ông làm Thứ trưởng Quốc phòng, Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, đại biểu Quốc hội và Ủy viên của Ủy ban đặc trách An ninh – Quốc phòng tại Quốc hội. Bây giờ BCH TƯ đảng CSVN nhiệm kỳ này đang qui hoạch và nâng những cá nhân khác lên bằng qui hoạch nhân sự cho nhiệm kỳ tới!

Năm ngoái, sau khi Ủy ban Kiểm tra (UBKT) BCH TƯ đảng công bố kết luận, rằng ông Hiến có “sai phạm đến mức phải kỷ luật” (2), hệ thống tư pháp mới rùng rùng chuyển động theo hướng truy cứu trách nhiệm hình sự của ông Hiến: Khởi tố, tạm giam, truy tố và xét xử ông Hiến. Bởi ông Hiến là Tư lệnh Hải quân, tiến trình xử lý hình sự được giao cho các cơ quan tư pháp thuộc quân chủng Hải quân đảm trách. Điều đó hoàn toàn hợp lý còn các cơ quan này có độc lập khi thực thi chức trách hay không thì là chuyện… khác!

Theo cơ quan điều tra, cơ quan thực thi quyền công tố (Viện Kiểm sát Hải quân) và tòa án cùng của Quân chủng Hải quân thì trong vụ án liên quan đến ông Hiến, Quân chủng Hải quân là “bị hại”. “Bị hại” đã xin và Viện Kiểm sát Hải quân nhất trí nên đề nghị Tòa án Hải quân giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với các bị cáo từng là cán bộ của Quân chủng hải quân, trong đó có ông Nguyễn Văn Hiến” dù… “không có tình tiết giảm nhẹ theo qui định của pháp luật” (3).

Tòa án của Quân chủng Hải quân tất nhiên là nhất trí với “bị hại” và các cơ quan tư pháp trong quân chủng của mình. Theo bản án sơ thẩm mà tòa đã tuyên, dù UBKT của BCH TƯ đảng CSVN từng xác định ông Hiến “phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của quân chủng và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng” nhưng dựa trên đề nghị của bị hại, kết luận của cơ quan điều tra, cơ quan công tố thuộc Hải quân, tòa án cũng thuộc Quân chủng Hải quân phạt ông… bốn năm tù (3)!

Đó chỉ là một trong những biểu hiện về sự… độc lập của hệ thống tư pháp XHCN. Sự… độc lập này còn thể hiện ở hình phạt dành cho những… “cựu cán bộ Hải quân” khác. Bốn cựu sĩ quan Hải quân còn lại trong vụ án chỉ bị phạt từ 4 năm tù đến 9 năm tù. Mức cao nhất (9 năm tù dành cho ông Bùi Như Thiềm – cựu Trưởng phòng Kinh tế của Quân chủng Hải quân) cũng chưa bằng một nửa hình phạt dành cho những bị cáo không phải là… “cựu cán bộ Hải quân”.

Bên cạnh yêu cầu phải… độc lập, về nguyên tắc, hệ thống tư pháp còn phải bảo đảm các yếu tố vô tư, khách quan và hệ thống tư pháp của Quân chủng Hải quân cũng đã thể hiện… rất rõ các yêu cầu đó khi bảo vệ và thực thi công lý XHCN. Ngoài hình phạt tù, chỉ có ba bị cáo không phải… “cựu cán bộ Hải quân” nhận thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền. Ông Hiến và bốn bị cáo là “cựu cán bộ Hải quân” không ai phải nhận hình phạt bổ sung giống như vậy.

Hệ thống tư pháp của Quân chủng Hải quân còn chứng tỏ rất… khách quan khi xác định công quỹ “thất thoát” gần 1.500 tỉ và rất… vô tư khi nhận định, ông Hiến đã “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bốn “cựu cán bộ Hải quân” đã “vi phạm các qui định về quản lý đất đai” nhưng cả năm đều “không có động cơ, mục đích vụ lợi”. Đấy chính là một trong những bằng chứng khác về… độc lập, vô tư, khách quan: Không bận tâm, không bị chi phối bởi chuyện thiên hạ tin hay không!

Đỉnh cao của… độc lập, vô tư, khách quan là Tòa án của Quân chủng Hải quân buộc ba doanh nghiệp đang sử dụng ba khu đất từng được Quân chủng Hải quân chuyển nhượng phải trả chúng lại cho… Quân chủng Hải quân. UBND TP.HCM cũng được Tòa yêu cầu “thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng cho các tổ chức, cá nhân để làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Quân chủng Hải quân”.

Bản án sơ thẩm mà Tòa án của Quân chủng Hải quân vừa tuyên cho thấy, Tòa đã… phát huy tối đa sự… độc lập, vô tư, khách quan nên không thèm bận tâm đến các quyền và nghĩa vụ đã phát sinh, vốn liên quan đến nhiều bên (đối tác, ngân hàng, khách hàng của ba doanh nghiệp này) theo các qui định khác của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh,… và gom, vứt toàn bộ cam kết bảo hộ các quyền cũng như thực thi các nghĩa vụ này, nhằm bảo đảm sự ổn định của môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trật tự xã hội, vào… sọt rác!

***

Chuyện thứ hai là cách xử lý bà Hà Thị Lan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai. Tuy liên tục bị giáo viên, phụ huynh học sinh tố cáo là “chuyên quyền và có nhiều biểu hiện bất minh về tài chính” nhưng bà Lan hoàn toàn vô sự. Vì đơn tố cáo gửi cho nhiều nơi, nhiều cấp vô hiệu, tháng 10 năm ngoái, thay vì tiếp tục gửi đơn cho các cơ quan hữu trách, những người tố cáo đã đem đơn… rải ở… chợ trung tâm của huyện Chư Pứh (4)…

Chưa rõ tại sao các cơ quan hữu trách không tổ chức thanh tra, kết luận đúng – sai mà lại chọn hình thức, tổ chức cho cán bộ, giáo viên của trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân “bỏ phiếu kín về hình thức xử lý những sai phạm của Hiệu trưởng”. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân có 36 cán bộ, giáo viên nhưng chỉ có 34 người tham gia bỏ phiếu. Theo đó, có 23 người đề nghị “cách chức”, ba đề nghị “buộc thôi việc”, ba đề nghị “khiển trách”, một đề nghị “giáng chức”.

Tuần rồi, ông Đậu Sỹ Quốc, Trưởng phòng Gíao dục – Đào tạo (GDĐT) huyện Chư Pứh, loan báo, đại ý: Sau khi tổ chức cho cán bộ, giáo viên của trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân bỏ phiếu để bảo đảm việc xem xét kỷ luật bà Lan “dân chủ, minh bạch”, Phòng GDĐT huyện Chư Pứh đã gửi công văn cho Hội đồng Kỷ luật huyện, đề nghị nơi này… khiển trách bà Lan! Theo ông Quốc, tuy đa số đề nghị “cách chức” nhưng đó chỉ là quan điểm cá nhân, ý chí – nguyện vọng tập thể không phải là yếu tố quyết định!

Hóa ra, dẫu tổ chức lấy ý kiến tập thể đồng sự và thuộc cấp của bà Lan được giới thiệu là một hình thức bảo đảm “dân chủ, minh bạch” nhưng ý chí, nguyện vọng của số đông công chúng không có giá trị. Ông Quốc lưu ý: Ý kiến tập thể của cơ quan quản lý nhà nước và kết luận của thanh tra mới được xem là chính xác và đó cũng là lý do Phòng GDĐT huyện Chư Pứh đề nghị chỉ khiển trách và chờ Hội đồng Kỷ luật của UBND huyện Chư Pứh đưa ra quyết định chính thức (5)!

***

Cho dù vai trò, vị trí của ông Hiến và bà Lan có sự khác biệt rất lớn. Một người là cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu đại biểu Quốc hội, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Hải quân, còn một người chỉ là Hiệu trưởng một trường tiểu học. Hình thức phải xử lý cũng rất khác, ông Hiến phải xử lý hình sự còn bà Lan chỉ cần xử lý hành chính. Song hai câu chuyện cùng cho thấy một điểm tương đồng đã cũng như đang hết sức phổ biến: Từ trên xuống dưới và ngược lại chỉ bày hàng gian, hàng giả!

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/vi-sao-cuu-thu-truong-bo-quoc-phong-nguyen-van-hien-bi-truy-to-20200317081059458.htm

(2) https://tuoitre.vn/do-doc-nguyen-van-hien-vi-pham-trong-quan-ly-dat-quoc-phong-20190505095736723.htm

(3) https://tuoitre.vn/quan-chung-hai-quan-xin-giam-nhe-hinh-phat-cho-cuu-thu-truong-nguyen-van-hien-20200521103712469.htm

(4) https://nongnghiep.vn/don-to-cao-hieu-truong-lam-thu-doc-tai-rai-khap-cho-d245670.html

(5) http://nld.com.vn/thoi-su/tap-the-giao-vien-bo-phieu-kin-de-nghi-cach-chuc-hieu-truong-20200521181738553.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG