Đường dẫn truy cập

Hội nghị Vladivostok: Cơ hội cho Nga tranh thủ châu Á?


Các nhà lãnh đạo Mông Cổ, Ấn Độ, Nga và Nhật xem một trận đấu judo bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok
Các nhà lãnh đạo Mông Cổ, Ấn Độ, Nga và Nhật xem một trận đấu judo bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại Vladivostok

Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) diễn ra từ 4/9 đến 6/9 tại Vladivostok, thành phố Viễn Đông của Nga, là cơ hội để nước này tìm kiếm đối tác châu Á trong bối cảnh Moscow bị phương Tây cô lập. Trong khi đó, các nước lớn ở châu Á cũng nhân cơ hội này tìm cách tách Nga ra khỏi Trung Quốc, theo nhận định của các nhà phân tích với truyền thông quốc tế.

Hướng về châu Á

Trên Arab News hôm 4/9, ông Andrew Hammond, phó giáo sư tại Trường Kinh tế London, nhận định rằng Diễn đàn kinh tế phương Đông tại Vladivostok là ‘nỗ lực mới nhất của Nga nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Viễn Đông’.

“Nhưng khu vực này còn lâu mới là trọng tâm duy nhất trong đại chiến lược của Putin nhằm khôi phục sự vai trò địa chính trị của Nga từ châu Á-Thái Bình Dương cho đến Mỹ Latin,” ông viết.

Gần hai thập kỷ sau khi lên nắm quyền, ông Putin đã sáp nhập Crimea ở châu Âu và can thiệp vào Syria ở Trung Đông. Nói chung điều này cho đến nay đã giúp ích cho ông ở trong nước, giúp ông giành được thêm một nhiệm kỳ sáu năm vào năm 2018, vẫn theo bài báo.

Tại Vladivostok trong tuần này, Nga sẽ tiếp tục đặt cược vào thúc đẩy mối quan hệ với bốn quốc gia cụ thể là Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ. Tất cả lãnh đạo của các nước này đều tham dự, bao gồm Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong số này, có lẽ Trung Quốc mới là quốc gia đang có mối quan hệ mạnh mẽ nhất với Nga ngay bây giờ. Lĩnh vực được nhắc đến nhiều nhất trong mối quan hệ nồng ấm này là chính trị và an ninh, nhưng Nga và Trung cũng có cuộc đối thoại kinh tế sâu rộng, theo ông Hammond.

Trong vòng vài ngày, Tổng thống Nga Putin sẽ gặp ba nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ lạnh lẽo của Nga với nhiều quốc gia quan trọng, đặc biệt là ở phương Tây.

“Một câu hỏi quan trọng là ông Putin xem việc xây dựng lại mối quan hệ với các cường quốc chính từ Mỹ đến Pháp, Đức và Anh có ý nghĩa đến đâu,” bài báo viết. Theo tác giả, vấn đề này trở nên đặc biệt cấp bách sau nhiều năm Nga bị phương Tây trừng phạt do can thiệp ở Ukraine và Crimea; quan ngại về cáo buộc Moscow can thiệp rộng rãi vào một loạt các cuộc bầu cử ở phương Tây; các âm mưu giết người nhắm vào cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái ông ở Anh mà nước Nga bị cáo buộc là thủ phạm.

Bầu không khí giữa Nga và châu Âu vẫn còn căng thẳng, như thể hiện tại cuộc họp G7 tháng trước, khi mà Paris, London và Berlin hoài nghi trước đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump là cho Moscow gia nhập lại vào nhóm mà nước này từng là thành viên từ năm 1997 cho đến 2014.

“Điều này nhấn mạnh rằng khi mà ông Trump vẫn là Tổng thống Mỹ, có lẽ lĩnh vực bất định lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Nga là quan hệ với Mỹ,” ông Hammond nhận định và cho rằng cả ông Putin và ông Trump đều hy vọng xích lại gần nhau, nhưng những diễn biến trong năm 2017 và 2018, bao gồm áp lực Nhà Trắng phải đối mặt trong cuộc điều tra của Quốc hội và FBI về cáo buộc thông đồng với Moscow trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016, đã đóng băng cơ hội tiềm năng đó.

Không chỉ áp lực nội bộ nước Mỹ đang làm phức tạp mối quan hệ song phương Mỹ-Nga mà cũng có căng thẳng giữa Moscow và Washington ở Trung Đông dưới thời Tổng thống Trump, bao gồm việc Mỹ bắn tên lửa vào Syria để đáp trả vụ tấn công bằng khí độc mà chế độ Damascus, vốn được Moscow chống lưng, bị cáo buộc là thủ phạm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là James Mattis và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ lúc đó là Rex Tillerson đặc biệt lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích Moscow. Ông Tillerson đã nói rằng ‘Nga hoặc là đồng lõa hoặc đơn giản là bất lực ở Syria’.

Tác giả bài báo phân tích rằng sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Moscow thậm chí còn đến mức khiến Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nói rằng hai nước ‘chỉ còn một bước nữa là tiến đến chiến tranh’ và mối quan hệ ‘đã bị hủy hoại hoàn toàn’.

“Cuộc gặp thượng đỉnh trong tuần này là nỗ lực mới nhất của Nga để khẳng định vị thế quốc tế của mình. Với sự không chắc chắn trong phương hướng quan hệ với phương Tây, Putin đang chú trọng hơn bao giờ hết vào châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ,” vẫn theo bài báo.

Chia rẽ Nga-Trung?

Cảnh giác trước mối quan hệ đối tác ngày càng lớn mạnh giữa Nga với Trung Quốc, các nước láng giềng của Bắc Kinh đang ngày càng tìm cách kéo Nga ra xa Trung Quốc.

Đó chính là điều mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe muốn làm tại Vladivostok trong tuần này, theo nhận định của tờ Wall Street Journal. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ vắng mặt một cách đáng chú ý tại sự kiện này vốn là dịp để Tổng thống Nga Vladimir Putin, giới thiệu về các cơ hội đầu tư ở vùng Viễn Đông của Nga.

“Cả hai nhà lãnh đạo đều quan tâm làm thế sao họ có thể chen vào giữa Putin và Tập,” ông Alexander Gabuev, chuyên gia cấp cao tại viện nghiên cứu Carnegie Moscow Center, được Wall Street Journal dẫn lời nói. “Mỗi vị đều có chương trình nghị sự riêng, nhưng cả hai đều muốn kéo Moscow ra khỏi Bắc Kinh.”

Theo tờ báo này, Nga và Trung Quốc đã ca ngợi mối quan hệ được củng cố của họ; giao thương đã tăng lên và cả hai tính ký một thỏa thuận quân sự mới. Nhưng chiều sâu của mối quan hệ là chưa được thử thách, và các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga là ít hơn rất nhiều so với kỳ vọng khi Moscow tuyên bố xoay trục sang phương Đông vào năm 2014, khi mối quan hệ với phương Tây trở nên tồi tệ. Điều đó đã khiến các cường quốc khu vực khác băn khoăn làm thế nào để khai thác điểm yếu tiềm năng trong mối quan hệ của họ.

Diễn đàn EEF năm nay là lần thứ năm. Trong khi Nga thất bại trong việc thu hút các khoản đầu tư kinh doanh lớn vào vùng Viễn Đông kém phát triển, sự kiện này đã trở thành một diễn đàn cho giới tinh hoa chính trị của Nga để trình bày giới thiệu các kế hoạch phát triển của chính phủ theo hướng từ trên xuống, theo bài viết của Wall Street Journal.

Bài báo cho rằng bên cạnh phát triển quan hệ song phương tốt đẹp hơn vốn sẽ khiến Trung Quốc bị tổn hại, Thủ tướng Ấn có lẽ cũng tìm kiếm từ sự hỗ trợ của ông Putin cho chính sách Kashmir mới của ông Modi là tìm cách sáp nhập Kashmir, nơi mà Pakistan cũng có tuyên bố chủ quyền, vào lãnh thổ liên bang của Ấn Độ. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối động thái của ông Modi, trong khi Moscow không có bất kỳ lời chỉ trích nào.

Nhưng ông Modi có thể cũng quan tâm đến các dự án hạt nhân mới và các vụ giao dịch vũ khí đang tiếp diễn cũng như các cơ hội ở Viễn Đông Nga. Trong thời gian hướng tới diễn đàn, các quan chức và nhà đầu tư từ năm tiểu bang của Ấn Độ đã được dẫn đi khắp vùng Viễn Đông để xem xét các khả năng, bao gồm cả việc khai thác kim cương để cung cấp cho thị trường khổng lồ của Ấn Độ, bài phân tích chỉ rõ.

Mối quan hệ của Ấn Độ với Nga – và với Liên Xô trước kia – đã đi xuống khi mối quan hệ của New Delhi với Mỹ đã được cải thiện trong thập kỷ qua. Nhưng ông Modi đã củng cố mối quan hệ này vào đầu năm nay với một thỏa thuận trị giá 5,4 tỷ đô la để mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Nga cho biết họ sẵn sàng thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để hoàn tất thỏa thuận như dự kiến là vào năm 2023 bất chấp phản đối nghiêm trọng từ Washington.

“Hợp đồng sẽ được thực hiện đầy đủ,” hãng thông tấn nhà nước Nga RIA dẫn lời ông Roman Babushkin, cố vấn ngoại giao của đại sứ quán Nga ở Ấn Độ, cho biết.

Hai nước Nga và Ấn cũng sẽ thảo luận về việc tăng cường hợp tác nguyên tử hiện tại với một lò phản ứng năng lượng hạt nhân mới ở Ấn Độ, cũng theo Wall Street Journal.

Nhật-Nga sẽ giảng hòa?

Còn đối với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, các cuộc đàm phán với ông Putin là một phần trong nỗ lực của Tokyo tiến sâu vào các nước châu Á-Thái Bình Dương trong lúc nước Mỹ dưới chính quyền Trump được coi là ngày càng hướng nội và đo đó được xem là tường thành không đáng tin cậy chống lại Trung Quốc.

“Người Nhật xây dựng kế hoạch dự phòng rất tỉ mỉ chống lại các động thái có thể của Trung Quốc, nhất là vào lúc Mỹ đang trở nên kém tin cậy. Và vì lý do này, họ đang cố gắng xây dựng mạng lưới các mối quan hệ, bao gồm cả với Nga,” ông Vasily Kashin, chuyên gia về Đông Á tại Trường Kinh tế Cấp cao có trụ sở tại Moscow, nhận định với Wall Street Journal.

Còn đối với Nga, họ không mất gì nhiều trong việc theo đuổi các đối thủ của Trung Quốc trong khu vực.

“Có sự mơ hồ trong mối quan hệ của họ mà cả Nga và Trung Quốc đều cảm thấy thoải mái,” ông Kashin nói với Wall Street Journal. “Cả hai đều hiểu các rằng phía bên kia cần thêm các đối tác khác.”

Để đạt được tiến triển trong quan hệ với Nga, ông Abe có thể lùi bước về tranh chấp chủ quyền mà ông đã cam kết sẽ giải quyết đối với một chuỗi đảo bị Liên Xô chiếm đóng từ Nhật Bản hồi năm 1945 mà Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc còn Nga gọi là quần đảo Kuril, Wall Street Journal nhận định.

Chuỗi đảo này đã trở thành biểu tượng chủ quyền quốc gia ở cả hai nước, làm tăng chi phí chính trị của bất kỳ sự nhượng bộ nào. Mặc dù hai nước đã có cuộc nói chuyện một năm trước, nhưng thỏa thuận mới duy nhất mà ông Abe và ông Putin có được từ cuộc họp của họ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka vào tháng 6 là hợp tác xử lý rác trên các hòn đảo tranh chấp.

Vẫn theo Wall Street Journal, trong hơn hai chục lần gặp nhau với ông Putin, ông Abe thường tránh công khai xung đột và cố gắng thể hiện hình ảnh mối quan hệ được cải thiện. Các nhà quan sát Nhật Bản nói rằng điều này có khả năng sẽ tiếp diễn tại cuộc họp ở Vladivostok.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG