Hàn Quốc đã đồng ý tăng thêm 13,9% cho khoản đóng góp từ phía họ vào kinh phí duy trì khoảng 28.500 lính Mỹ cho năm 2021, mức tăng hàng năm lớn nhất trong gần hai thập kỷ sau khi Mỹ kêu gọi mức đóng góp lớn hơn.
Với mức tăng này, khoản đóng góp của Hàn Quốc trong năm nay đạt 1,18 nghìn tỷ won (1,03 tỷ USD). Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từng cáo buộc Hàn Quốc "tự do thừa hưởng" sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ và yêu cầu nước này phải trả tới 5 tỷ USD mỗi năm.
Thỏa thuận đặc biệt, có hiệu lực 6 năm với Hoa Kỳ đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài và sẽ tăng mức đóng góp hàng năm của Hàn Quốc cho thời kỳ từ 2022 đến 2025, phù hợp với mức tăng ngân sách quốc phòng hàng năm, ở mức 5,4% trong năm nay, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Thỏa thuận này thay thế một thỏa thuận đã hết hạn vào cuối năm 2019, theo đó Hàn Quốc phải trả khoảng 920 triệu USD mỗi năm. Bộ cho biết cả hai bên đã đồng ý giữ nguyên mức đóng góp của Hàn Quốc vào năm 2020.
Trong lần tăng đóng góp lớn gần đây nhất, Hàn Quốc năm 2003 đã trả nhiều hơn 17% so với năm trước, theo số liệu từ sách trắng của Bộ Quốc phòng.
Về mối liên hệ mới giữa đóng góp vào chi phí duy trì lực lượng Hoa Kỳ và ngân sách quốc phòng, Bộ cho biết việc tăng ngân sách quốc phòng là một "chỉ dấu hợp lý, có thể kiểm chứng", phản ánh khả năng tài chính và an ninh.
Nhưng Shin Beom-chul, một chuyên gia an ninh tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội ở Seoul, cho biết việc liên kết hai vấn đề là một “sai lầm” đối với Hàn Quốc, một trong những quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới và nó có thể gây áp lực về ngân sách.
Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc để giúp bảo vệ nước này trước Triều Tiên theo hiệp ước phòng thủ chung được ký kết sau khi Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải bằng một hiệp ước hòa bình.
Hiệp ước đã tạo cơ sở cho việc đồn trú các lực lượng Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, nước vốn bắt đầu chi trả cho chi phí vào đầu những năm 1990 sau khi xây dựng lại nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh.