Đường dẫn truy cập

Tàu TQ làm chảy dầu vào vỉa đá Great Barrier của Australia


Vỉa đá Great Barrier là nơi sinh cư của hàng trăm ngàn loài hải vật, nhiều loại rất hiếm quý
Vỉa đá Great Barrier là nơi sinh cư của hàng trăm ngàn loài hải vật, nhiều loại rất hiếm quý

Các giới chức Úc cảnh báo rằng vỉa đá Great Barrier đang có nguy cơ bị ô nhiễm nghiêm trọng thêm vì dầu sau khi một con tàu của Trung Quốc bị mắc cạn ở ngoài khơi Queensland. Chiếc tàu này bị kẹt vào một dải cát và đã làm loang ít nhất 2 tấn dầu đặc vào nước. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Một công tác làm sạch cấp kỳ đang được tiến hành nơi chiếc tầu chở than đá đăng ký tại Trung Quốc, tàu Thần Năng 1, bị mắc cạn trong một khu vực nơi các tầu bè thương mại bị hạn chế đi lại để bảo vệ vùng đá san hô lớn nhất thế giới này.

Cho đến này, khoảng 2 tấn đầu từ chiếc tầu bị hư hại đã rỉ vào nước, gây ra một vết dầu loang dài 3 kilomet.

Máy bay đã rải hóa chất xuống để tìm cách làm tan ô nhiễm.

Có nhiều quan ngại rằng chiếc tàu bị mắc cạn hôm thứ bẩy vừa rồi có thể bị vỡ và đổ 950 tấn dầu vào biển.

Các chuyên gia cứu hộ đang lên tàu để tìm cách ngăn chặn sự cố đó xảy ra.

Thủ hiến bang Queensland, bà Anna Bligh, nói rằng đội cấp cứu sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại gây ra cho môi trường

Bà Bligh cho biết: “Họ thuộc một toán cứu hộ chính sắp bắt đầu công tác mà tôi cho là sẽ rất phức tạp và tế nhị để bảo đảm đưa chiếc tầu này ra khỏi vỉa đá mà gây thiệt hại càng ít càng tốt ngõ hầu có thể ngăn chặn khả năng xảy ra một vụ loang dầu nghiêm trọng. Đây có thể là một trong các công tác cứu hộ phức tạp và khó khăn nhất từ trước đến nay – chắc chắn là trong lịch sử hàng hải của Queensland, và có thể là cả trong lịch sử Australia.”

Chiếc tàu đang chở than đá đến Trung Quốc khi đâm vào một bờ cát lớn. Các chủ tàu có thể bị phạt nặng bởi vì tàu đi qua vùng hải phận bị hạn chế.

Các tổ chức bảo vệ môi trường lâu nay vẫn lo ngại các tàu hàng đi xuyên qua vùng vỉa đá Great Barrier mà không có sự hỗ trợ của các hướng dẫn viên hàng hải được đào tạo đặc biệt.

Vỉa đá này kéo dài hơn 2,500 kilomét dọc theo duyên hải phía đông bắc Australia. Nó bao phủ một khu vực lớn hơn Vương quốc Anh và là một cấu trúc sinh vật lớn nhất trên quả đất. Nó là nơi sinh cư của hàng trăm ngàn loài hải vật, nhiều loại rất hiếm quý.

Các khoa học gia nói rằng sự lành mạnh của vỉa đá này đang bị đe dọa bởi tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, trong đó có nhiệt độ đại dương ấm hơn, cũng như ô nhiễm phát sinh từ các nông trại.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG