Đường dẫn truy cập

Giới hoạt động kỳ vọng gì trong nhiệm kỳ của tân Đại sứ Mỹ Knapper?


Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/2/2022. Photo VPCTN.
Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/2/2022. Photo VPCTN.

Ngay sau khi trình quốc thư và chính thức trở thành Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hôm 11/2, ông Marc Knapper đề cập đến các lĩnh vực hợp tác song phương Mỹ - Việt trong thông điệp đầu tiên gửi đến người dân Việt Nam bao gồm thương mại, hòa bình khu vực, hậu quả chiến tranh, giáo dục, y tế...nhưng dường như ông không nói gì đến nhân quyền.

Giới hoạt động kỳ vọng rằng vấn đề nhân quyền Việt Nam, chủ đề nhạy cảm trong quan hệ giữa Washington và Hà Nội và thường xuyên được các nhà lập pháp Hoa Kỳ bàn thảo với các cơ quan hành pháp, vẫn sẽ được tân đại sứ Hoa Kỳ xem là vấn đề ưu tiên. Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhận định rằng mức độ lên tiếng của chính quyền Tổng thống Joe Biden, dù chính thức hay không chính thức, vẫn còn tùy thuộc vào chính sách chung rộng lớn hơn của Washington.

Tân đại sứ Mỹ tại Việt Nam hứa làm việc ‘có trách nhiệm’
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:04 0:00

Bà Grace Bùi, một nhà hoạt động Mỹ gốc Việt, thường xuyên làm việc ở Thái Lan, nói với VOA:

“Ông Marc Knapper trước đây không được nhiều người biết tới, nhưng tôi nghe nói ông ấy là một người rất tốt.

“Dường như Tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam không được phép nói nhiều về nhân quyền bởi vì tất cả những phát biểu đều phải từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington, DC. Chỉ khi Washington lên tiếng thì Tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam mới lên tiếng được.

“Trong những năm vừa qua vấn đề nhân quyền Việt Nam không được lên tiếng nhiều. Khi xảy ra vụ Đồng Tâm và vụ Phạm Đoan Trang bị bắt, tôi có gọi và hỏi họ sao không lên tiếng nhiều, họ nói rằng những gì họ lên tiếng đều phải từ Washington.

“Do đó, khi có một vị đại sứ tới Việt Nam, ông cũng có quyền hành, nhưng không có nhiều như mọi người nghĩ”, bà Grace Bùi nhận định.

“Nhưng tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn trong những năm tới,” bà nói thêm.

Từ Illinois, ông Vũ Quốc Ngữ, Giám đốc tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, cho VOA biết tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng xấu đi và ngày càng có thêm nhiều tù nhân lương tâm:

“Theo danh sách chúng tôi cập nhật đến ngày 31/12/2021, chính quyền Việt Nam giam giữ ít nhất là 251 tù nhân lương tâm. Có thể có nhiều trường hợp khác mà chúng tôi không có số liệu truyền thông không đề cập tới”.

Từ California, ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với VOA:

“Chúng tôi thấy tình hình nhân quyền Việt Nam ngày càng bi đát, chính quyền không những bắt bớ nhiều người mà bản án họ tuyên càng ngày càng nặng hơn.”

Ông Vũ Quốc Ngữ chia sẻ thêm:

“Tôi hy vọng tình hình sẽ cải thiện, nhưng rất thận trọng liệu chính quyền Hoa Kỳ có mạnh mẽ hơn về vấn đề vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam.

“Các nhân viên của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ cũng như ở Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Tp. Hồ Chí Minh rất nhiệt tình, nhưng họ cũng phải tuân theo chính sách chung của chính phủ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

“Trong khi đó chính phủ Hoa Kỳ hiện nay cũng rất mềm mỏng về vấn đề nhân quyền của Việt Nam.”

“Họ rất e dè trong việc phát biểu về tình hình nhân quyền của Việt Nam. Đặc biệt chính quyền của Tổng thống Joe Biden, tuy rằng ông nói rằng nhân quyền là vấn đề trọng tâm trong chính sách ngoại giao, nhưng với chính quyền Việt Nam dường như ông đang tìm mối quan hệ thắt chặt hơn để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Do vậy mà chính quyền đàn áp một cách tự do chỉ gặp phải vài phản ứng lấy lệ”, ông Ngữ cho biết thêm.

Trong một bức thư gửi cho Đại sứ Knapper hôm 28/01/2022, các dân biểu Hoa Kỳ gồm Zoe Lofgren, Anna Eshoo, và năm dân biểu khác đề nghị ông nêu các trường hợp tù nhân lương tâm với các cấp cao nhất của chính phủ Việt Nam và hối thúc Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho các tù nhân này.

Bức thư của các nghị sĩ Hoa Kỳ gửi Đại sứ Marc Knapper ngày 28/1/2022. Photo Lofgren.House.gov
Bức thư của các nghị sĩ Hoa Kỳ gửi Đại sứ Marc Knapper ngày 28/1/2022. Photo Lofgren.House.gov

Bức thư của các dân biểu Hoa Kỳ nêu một danh sách có 22 tù nhân lương tâm tiêu biểu, trong đó có ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Văn Hóa, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn.

Bức thư của nhóm dân biểu Hoa Kỳ viết: “Chúng tôi hiểu rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đang tìm cách xây dựng một mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn ... Tuy nhiên, một mối quan hệ như vậy không thể đánh đổi bằng nhân quyền và các giá trị mà cộng đồng quốc tế đề cao.”

Bức thư gửi Đại sứ Knapper viết tiếp: “Chúng tôi tin rằng Việt Nam có thể là một đối tác mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn của Hoa Kỳ khi quốc gia này tôn trọng các giá trị dân chủ và các quyền tự do cơ bản của công dân”.

Trước đó, tại một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng 7/2021, ông Knapper cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa để đưa quan hệ Việt - Mỹ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược. Ông đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác an ninh song phương và thúc giục Hà Nội tôn trọng nhân quyền.

VOA Express

XS
SM
MD
LG