Đường dẫn truy cập

Giám sát bí mật làm lu mờ phiên xử các nghi can khủng bố 11/9


U.S. Secretary of State John Kerry leaves the U.S. embassy ahead of a meeting with Iraqi Prime Minister Nouri al-Maliki at his office in Baghdad, June 23, 2014.
U.S. Secretary of State John Kerry leaves the U.S. embassy ahead of a meeting with Iraqi Prime Minister Nouri al-Maliki at his office in Baghdad, June 23, 2014.
Vị thẩm phán tòa án quân sự trong vụ xử 5 người bị cáo buộc chủ mưu vụ khủng bố 11 tháng 9 đã loại bỏ những nhân viên kiểm duyệt của chính phủ sau khi phát giác có ai đó bên ngoài tòa án đã khống chế việc chuyển các âm thanh của phiên tòa cho các nhà báo và các quan sát viên. Từ Vịnh Guantanamo ở Cuba, thông tín viên đài VOA Luis Ramirez gởi về bài tường thuật sau đây.

Vụ án kéo dài nhiều năm sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 nhằm đưa Khalid Sheik Mohammed và 4 đồng bị cáo ra trước ánh sáng công lý đã có một biến chuyển kỳ quặc.

Các công tố viên đã ra sức thuyết phục mọi người rằng vụ xử này là công bằng và minh bạch, nhưng một số người đã không tin vào điều đó khi vị thẩm phán, Đại tá James Pohl, phát giác là có ai đó trong chính phủ Mỹ đã giám sát phiên tòa hôm thứ ba và - trong hai phút đồng hồ, đã cắt đi phần âm thanh chuyển cho các nhà báo và các quan sát viên. Vụ cắt âm thanh xảy ra trong lúc luật sư bên bị đang nói về những nhà tù bí mật của Mỹ mà các bị cáo nói là nơi họ bị tra tấn. Đường truyền âm thanh trực tiếp này được làm cho trễ 40 giây để đề phòng việc rò rỉ các thông tin mật.

Hơm thứ 5 Thẩm phán Pohl đã ra lệnh tháo bỏ những chiếc công tắc do các nhân viên kiểm duyệt bên ngoài kiểm soát.

Luật sư bên bị, ông David Nevin, hôm thứ năm đã bày tỏ sự lo ngại là bên cạnh vị thẩm phán còn có một người nào đó có quyền định đoạt những âm thanh nào của phiên tòa được tiết lộ cho công chúng.

Luật sư Nevin nói: "Tại sao vụ việc này xảy ra trong lúc vụ xử tiến vào năm thứ 5 mà ngay cả vị thẩm phán cũng không biết ai là người ngồi nghe và là người có quyền và có khả năng cắt đường truyền để quí vị không thể nghe được? Không có một tiếng nào vào lúc này, khi tôi đã quyết định tất cả quí vị đã nghe đủ, không có một tiếng nào có thể nghe được. Đó là cái hệ thống quái quỷ gì vậy?"

Các giới chức không chịu cho biết cơ quan nào của chính phủ đã giám sát những gì xảy ra tại phiên tòa.

Trong số 5 bị cáo có một số người đã bị giam gần 10 năm và chính phủ Mỹ muốn xử họ càng sớm càng tốt.

Việc phân xử đối với một số yêu cầu của các luật sư đã bị hoãn lại, và công tố viên trưởng, Chuẩn tướng Lục quân Mark Martins, cho biết có những vấn đề khó khăn hơn và phức tạp hơn cần phải giải quyết trước khi có thể ấn định ngày xử.

Ông Martins nói: "Tuy việc này làm cho nhiều người cảm thấy sốt ruột, nhưng đây là việc mà chúng tôi cần phải làm. Trong lúc chúng tôi xúc tiến công việc để có được phán quyết của tòa án, chúng tôi phải làm việc với một cách thức phù hợp với các giá trị của mình. Đó là điều mà chúng tôi sẽ làm. Đó là điều mà tất cả chúng tôi đã tuyên thệ để làm và đó là điều chúng tôi sẽ làm."

Vụ việc này đã làm bùng ra trở lại một cuộc tranh cãi giữa một số các thân nhân của những nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố 11 tháng 9 là việc xét xử nên tiếp tục được tiến hành ở Guantanamo hay là nên chuyển tới một tòa án liên bang dân sự ở nước Mỹ. Tuy nhiên, vào lúc này, đề nghị vừa kể khó lòng trởû thành hiện thực vì đã có một đạo luật cấm không được chuyển các tù nhân Guantanamo tới lãnh thổ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG