Đường dẫn truy cập

Giám đốc IAEA: Thỏa thuận tàu ngầm AUKUS ‘rất khó’ cho các thanh sát viên hạt nhân


Giám đốc IAEA Rafael Grossi.
Giám đốc IAEA Rafael Grossi.

Người đứng đầu cơ quan nguyên tử của Liên Hiệp Quốc (IAEA) nói thỏa thuận AUKUS, mà trong đó Úc sẽ có được công nghệ tàu ngầm hạt nhân từ Hoa Kỳ, là một vấn đề “rất khó” cho việc kiểm tra nhưng có thể quản lý được, theo Reuters.

Thỏa thuận tàu ngầm là một phần của thỏa thuận quốc phòng ba bên được Washington, London và Canberra công bố vào tháng trước, khiến cho Pháp tức giận vì Australia tuyên bố hủy đơn đặt hàng mua tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Pháp.

Đây cũng là lần đầu tiên một nước tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) sắm tàu ngầm hạt nhân, ngoài 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân được NPT công nhận là Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh. Ấn Độ, quốc gia không ký NPT, cũng có tàu ngầm hạt nhân.

Giám đốc IAEA Rafael Grossi, thuộc cơ quan quản lý NPT, nói với chương trình HardTalk của BBC hôm 28/9 rằng: “Đây là một câu hỏi rất phức tạp về mặt kỹ thuật và đây sẽ là lần đầu tiên một quốc gia không có vũ khí hạt nhân có tàu ngầm hạt nhân”.

Ông Grossi xác nhận rằng một bên ký kết NPT có thể được miễn sự giám sát vật liệu hạt nhân của IAEA trong lúc vật liệu đó đang tiếp nhiên liệu cho tàu ngầm. Đó là một ngoại lệ hiếm hoi khi IAEA liên tục giám sát tất cả các vật liệu hạt nhân để đảm bảo nó không được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử.

“Điều này có nghĩa là chúng tôi, cùng với Australia, Hoa Kỳ và với Vương quốc Anh phải đàm phán kỹ thuật rất phức tạp để đảm bảo không có sự suy yếu về cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Ông Grossi không cho biết những cuộc đàm phán sẽ kéo dài bao lâu.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG