Đường dẫn truy cập

Vẫn gay go khi sắp đến kỳ hạn đàm phán Iran


Palais Coburg, nơi các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ diễn ra trong những ngày tới tại Vienna, Áo.
Palais Coburg, nơi các cuộc đàm phán hạt nhân Iran sẽ diễn ra trong những ngày tới tại Vienna, Áo.

Hơn 2 năm thương thuyết về tương lai của chương trình hạt nhân Iran, và các biện pháp chế tài kinh tế quốc tế chống lại nước này, đang phải đối diện với kỳ hạn đã định vào ngày thứ Ba tới đây. Theo tin tức thì cả hai bên vẫn còn nhiều cách biệt về những vấn đề then chốt.

Các nhà thương thuyết của Iran và 6 nước được Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm đã họp thường xuyên để chuẩn bị cho các vị ngoại trưởng dự đàm phán ở Vienna, trong đó có ông Mohammed Javad Zarif của Iran và Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

Các rủi ro rất cao, với các giới chức tây phương nói rằng nếu không có thỏa thuận thì Iran có thể nối lại việc tinh chế uranium và có thể có đủ năng lượng để chế tạo một vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng. Nhưng điều đó còn có nghĩa là siết chặt thêm các biện pháp chế tài, hiện đã làm tê liệt nền kinh tế của Iran.

Các giới chức dự báo các cuộc đàm phán sẽ kéo dài vượt qua kỳ hạn, có lẽ chừng vài ngày, nhưng họ cũng nói có phần chắc sẽ không có sự gia hạn thêm kỳ hạn nữa. Kỳ hạn đã được kéo thêm 2 lần. Các nhà thương thuyết của 5 nước thành viên thường trực trong Hội đồng Bản an – Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga – cộng với Đức, gọi là nhóm P5+1. Chủ tịch phái đoàn là trưởng ban chính sách đối ngoại Liên hiệp châu Âu.

Họ đã đạt được một thỏa thuận với Iran về những nguyên tắc chính cách đây 3 tháng, mà theo chi tiết được phái đoàn Hoa Kỳ tuyên bố dường như cho thấy sự đồng ý về nhiều vấn đề gay go. Nhưng các chuyên gia nói văn kiện này cũng che giấu nhiều bất đồng còn kéo dài.

Lãnh tụ tối cao có chủ trương cứng rắn

Hôm 23 tháng 6, lúc chỉ còn có 1 tuần lễ là đến kỳ hạn, những vụ tranh cãi kéo dài đã được Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khaminei đưa ra công khai. Ông đã có một chủ trương cứng rắn về nhiều vấn đề.

  • Ông nói các biện pháp chế tài phải được bãi bỏ trước khi các thanh sát viên quốc tế đi thăm các địa điểm chính để kiểm chứng việc Iran tuân hành các nghĩa vụ. Nhóm P5+1 nói việc kiểm chứng tuân hành và nới lỏng chế tài phải diễn ra từng giai đoạn phối hợp.
  • Ông nói Iran sẽ không đình chỉ công tác nghiên cứu và phát triển trong 10 năm, như Hoa Kỳ được cho là đã đồng ý trong giai đoạn trước của các cuộc đàm phán.
  • Và ayatollah nói các thanh sát viên không thể đi thăm các địa điểm quân sự hay phỏng vấn các khoa học gia hạt nhân, là hai yêu cầu chính đối với nhóm P5+1.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khaminei.
Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khaminei.

Trong các tuyên bố trước đây, Khamenei đã bày tỏ sự ủng hộ dành cho các cuộc đàm phán, ít nhất ở mức độ cho phép các nhà thương thuyết của ông thấy những gì họ có thể đạt được.

Một vài lựa chọn

Các phân tích gia nêu ra rằng ayatollah phải phát biểu với nhiều cử tọa, trong đó có các phần tử theo chủ trương cứng rắn ở Iran chống đối mọi thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân của nước này và nhất là không tin tưởng Hoa Kỳ. Nhưng các phát biểu cụ thể từ phía Lãnh tụ Tối cao dường như loại trừ thỏa hiệp về các vấn đề chủ chốt, thậm chí còn đi ngược lại về những thỏa thuận hiện hữu, khiến các giới chức lo ngại.

Tuy nhiên, giáo sư thỉnh giảng về Nghiên cứu An ninh tại trường Đại học Georgetown, bà Ariane Tabatabai, nói trong khi dường như theo một lập trường cứng rắn, ayatollah đã thận trọng để cho các nhà thương thuyết một vài lựa chọn.

Bà nói với đài VOA qua Skype: "Trong nhiều năm, mỗi lần ông ra mặt và tuyên bố những điều mà họ đã gói ghém theo một cách dành cho các nhà thương thuyết khả năng xoay xở".

Bà Tabatabai nói mặc dầu ông Khamenei là lãnh tụ tối cao của Iran, các giới chức tây phương có khuynh hướng gán quá nhiều uy tín cho mọi phát biểu ông đưa ra.

Bà nói: "Mọi người nghĩ rằng mỗi khi ông Khamenei ra mặt tuyên bố một điều gì đó, thì đó là chung quyết, đó là một lằn ranh đỏ rất rõ ràng. Và không phải như thế. Cho đến nay, mọi sự không phải như thế".

Bà nói tiếp: “Một sự cứu xét kỹ lưỡng về mọi điều ông đã tuyên bố và mọi điều đã đạt được cho đến nay cho thấy không phải mọi thứ ông nói đều chung cuộc biến thành chính sách”.

Bà Tabatabai nêu ra rằng trước đây ayatollah đã viện dẫn các số liệu cụ thể về con số các máy ly tâm để tinh chế hạt nhân mà Iran phải có, sau đó các nhà thương nghị đã đồng ý về những con số thấp hơn nhiều. Bà cũng nói Khamenei đã chấp nhận những cuộc thanh sát sâu xa hơn so với những gì ông nói là sẽ chấp nhận. Trong cả hai trường hợp, một số quan sát viên tiên đoán là các cuộc thương nghị sẽ tan vỡ và rồi lại không xảy ra như thế.

Kêu gọi giữ vững lập trường

Các cựu giới chức Hoa Kỳ kêu gọi các nhà thương thuyết giữ vững lập trường.

Một nhóm cựu giới chức Hoa Kỳ có uy tín đã cảnh báo rằng nếu các nhà thương thuyết quốc tế không nhấn mạnh đến các điều kiện mà ayatollah chống đối, thì văn kiện chung quyết “có thể không đạt tiêu chuẩn chính của chính quyền về một “thỏa thuận tốt”.

Nhà máy điện hạt nhân Bushehr bên ngoài thành phố Bushehr, Iran.
Nhà máy điện hạt nhân Bushehr bên ngoài thành phố Bushehr, Iran.

Bức thư ngỏ được công bố bởi Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, với chữ ký của 18 người, trong đó có tướng hồi hưu và cựu giám đốc CIA David Petraeus, cựu chủ tịch ban tham mưu Liên quân tướng hồi hưu James Cartwright, cựu thương thuyết gia Trung Đông Dennis Ross và ông Stephen Hadley, từng nắm chức cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống George W. Bush.

Họ kêu gọi một lập trường cứng rắn về các cuộc thanh sát, các hạn chế dài hạn về nghiên cứu hạt nhân, khai báo đầy đủ về các nỗ lực trước đây của Iran nhằm chế tạo một quả bom hạt nhân và sắp xếp việc nới lỏng chế tài gắn liền với sự tuân thủ của Iran. Họ cũng nói thỏa thuận phải nằm trong khuôn khổ một sách lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ chống lại ảnh hưởng của Iran trong vùng Trung Đông, kể cả các biện pháp nâng đỡ các đồng minh ở Iraq, Syria và Yemen.

Ông Mark Firzpatrick, giám đốc Chương trình Cấm phổ biến và Giải giới tại Viện Quốc tế Nghiên cứu Sách lược, nói: “Nhiều người lo ngại rằng nếu phương Tây nhượng bộ trước những điều Ayatollah Khamenei nói, thì đó sẽ là một thỏa thuận xấu”.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA, ông nói: “Tôi muốn chia sẻ quan điểm bày tỏ bởi một nhóm các cựu giới chức nổi tiếng rằng Hoa Kỳ phải giữ một lập trường cứng rằng về một số các vấn đề chủ chốt”.

Từ nhiều năm ông Fitzpatrick và các chuyên gia tây phương khác đã hô hào các điều kiện gay gắt hơn đối với Iran so với các điều kiện Hiệp ước Cấm phổ biến Hạt nhân đề ra cho tất cả các nước có các chương trình hạt nhân vì hòa bình bởi vì Iran trước đây đã che giấu một nỗ lực chế tạo bom hạt nhân. Trong khi tìm cách chế tạo một quả bom, Iran đã bảo đảm với thế giới rằng chương trình hạt nhân của họ có tính cách thuần túy hòa bình, như lời trấn an mà họ đưa ra hôm nay.

Ông Fitzpatrick nói: “Iran cần phải theo một tiêu chuẩn cao hơn, xét vì quá khứ của họ. Iran không thể được một thỏa thuận đặc biệt về tiếp cận giúp họ có ưu tiên mà các nước khác không có, và thực ra họ cần phải có những cuộc thanh sát sâu sát hơn, xét về thành tích lừa dối của họ tính đến lúc này”.

Nhưng bà Ariane Tabatabai nói những biện pháp như thế khó được Iran chấp nhận, nhất là lời yêu cầu phỏng vấn các nhà khoa học hạt nhân của họ.

Bà nói: "Một mặt, họ thực sự muốn một thỏa thuận. Mặt khác, họ cần phải bảo đảm rằng thỏa thuận đạt được mà không phải trả giá về an ninh quốc gia của họ, trong đó sự tiếp cận các cơ sở quân sự, các nhà khoa học hạt nhân có tiềm năng gây phương hại".

Không giữ lập trường cố hữu về Iran

Ngoại trưởng Kerry nói Hoa Kỳ không bị ám ảnh về các hoạt động đã qua.

Ngoại trưởng Kerry dường như đã đưa ra chủ trương về vấn đề đó cách đây 10 ngày, khi ông tuyên bố: “Chúng tôi không gắn chặt với việc Iran cụ thể kê khai những gì họ đã làm ở một thời điểm này hay thời điểm khác. Chúng tôi biết rõ họ đã làm gì”.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif bắt tay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Nhận định của Ngoại trưởng Hoa Kỳ được diễn dịch là chứng tỏ Hoa Kỳ quan tâm hơn đến việc đảm bảo rằng Iran không chế tạo một vũ khí hạt nhân trong tương lai, hơn là buộc họ phải khai báo những gì họ đã làm trong quá khứ.

Ông Mark Fitzpatrich thừa nhận rằng những cuộc thanh sát gắt gao hơn mà ông muốn thấy có thể sẽ không diễn ra. Ông nói: “Chừng nào vẫn có một cách để Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA có thể kiểm chứng hoạt động trong tương lai không can dự đến công tác vũ khí hóa, thì một số hoạt động trước đây không cần phải được giải quyết 100%”.

Nhưng ông nói thêm rằng điều đó đòi hỏi một chương trình thanh sát gay gắt trong tương lai. “Iran không thể được hưởng sự đặc biệt về tiếp cận giúp họ có những ưu tiên mà các nước khác không có”.

Kết quả là, theo ông Fitzpatrick, những nhận định của ayatollah rất đáng ngại.

Ông nói: “Bài phát biểu của Lãnh tụ Tối cao hôm thứ Ba có khiến cho tôi lo ngại bởi vì dường như ông ta đang đi ngược lại với một số thỏa thuận dự trù đã đạt được. Nếu ta nhìn vào giá trị bề mặt, thì mọi thứ ông ấy nói sẽ là những yếu tố quyết định thỏa thuận".

Nhưng ông Fitzpatrick đồng ý rằng không nên xét các thỏa thuận ở giá trị bề mặt và nói có thể đạt được một thỏa thuận tốt.

Có thể đạt được thỏa thuận

Ông nói: “Lý do khiến tôi lạc quan là sẽ có một thỏa thuận là bởi vì những thỏa hiệp khó khăn nhất đã đạt được rồi”.

Tuy nhiên, ông lo ngại về con số lớn các vấn đề khó khăn còn lại và khoảng thời gian ngắn để xử lý chúng.

Ông nói: “Vẫn còn quá nhiều vấn đề tồn tại bởi vì Iran vẫn không muốn đạt thêm tiến bộ. Họ đã để cho mọi thứ được cởi mở cho đến giai đoạn chót. Tôi e rằng một số chi tiết quan trọng sẽ vuột khỏi tầm tay và thực thi một thỏa thuận sẽ không phải là một sự sắp xếp khít khao cần phải có”.

Ông nói thêm: "Thỏa thuận toàn diện, nếu và khi nào đạt được, cần phải rõ ràng và chi tiết về những gì cho phép và những gì không cho phép".

Ông Fitzpatrick không trông đợi điều đó sẽ xảy ra trước ngày thứ Ba tới, nhưng nói rằng có thể đạt được một thỏa thuận chừng 1 tuần lễ sau đó.

Như vậy thì các cuộc đàm phán sẽ kéo dài qua ngày nghỉ lễ Độc lập của Hoa Kỳ, dẫn tới việc ông Fitzpatrick đưa ra vài lời Khuyên cho toán thương thuyết của Hoa Kỳ.

Ông nói: “Họ không nên hoạch định những bữa tiệc thịt nướng”.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG