Đường dẫn truy cập

Gói cứu trợ thứ 2 của Mỹ: ‘Tiểu thương nên gấp rút vay tiền’


Các tiệm làm nail của người Việt có thể xin vay tiền trong gói cứu trợ này
Các tiệm làm nail của người Việt có thể xin vay tiền trong gói cứu trợ này

Các tiểu thương người Việt ở Mỹ nên gấp rút làm hồ sơ xin vay trước khi gói cứu trợ thứ hai cạn tiền và nên liên hệ các ngân hàng nhỏ ở địa phương thì sẽ có cơ hội được vay cao hơn là thông qua các ngân hàng lớn, một kinh tế gia nói với VOA.

Quốc hội Mỹ trong tuần trước vừa thông qua gói cứu trợ thứ hai trong mùa dịch Covid-19 trị giá 480 tỷ đô la mà chủ yếu là để cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ. Trong đó, 320 tỷ đô la thuộc gói Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) để cho tiểu thương vay trả lương cho nhân viên mà số tiền vay này có thể được cho luôn nếu đáp ứng một số điều kiện.

Điều kiện được miễn nợ

Trước đó, gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ đô la mà Mỹ thông qua trong tháng trước cũng dành riêng 350 tỷ cho chương trình PPP này nhưng số tiền đó nhanh chóng cạn kiệt trong khi nhu cầu được vay của các tiểu thương quá lớn.

Tiểu thương (small businesses) ở đây được quy định là những doanh nghiệp thuê mướn ít hơn 500 nhân công. Rất nhiều người gốc Việt hiện đang sở hữu các nhà hàng, siêu thị, tiệm tóc, tiệm móng, công ty sửa chữa nhà… thuộc nhóm được hưởng lợi từ gói cho vay này.

Theo đó, các tiểu thương được vay đến hai năm với lãi suất 1% tổng số tiền là gấp 2,5 lần chi phí tiền lương họ phải chi trả trong 1 tháng, tính trung bình cho 12 tháng gần nhất, hoặc trung bình 2 tháng đối với doanh nghiệp mới mở (chỉ tính lương cho nhân viên chính thức, không tính nhân công hợp đồng).

Sau hai tháng, nếu tiểu thương chứng minh được là ít nhất 75% số tiền vay này họ đã dùng để trả lương cho nhân viên, kể cả nhân viên chính thức lẫn nhân viên hợp đồng, và họ không sa thải nhân công nào thì họ sẽ được miễn nợ hoàn toàn đối với số tiền đã trả lương đó và chính phủ sẽ đứng ra lãnh số nợ đó cho họ.

Trong khi đó, số tiền vay còn lại (25%), họ sẽ vẫn phải trả cho ngân hàng. Số tiền này có thể được dùng để trang trải chi phí thuê mướn mặt bằng, tiền điện nước…

Trong đợt 1, có một số tiểu thương gốc Việt đã vay được số tiền cứu trợ này nhưng vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là các tiểu thương nhỏ lẻ với rất ít nhân công, vẫn loay hoay làm thủ tục và vẫn chưa vay được.

Doanh nghiệp nhỏ yếu bị bất lợi

Trao đổi với VOA từ Dallas, Texas, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, người đang giảng dạy chương trình MBA tại Keller Graduate School of Management và có trên 20 năm làm giám đốc tài chính cho các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ, phân tích rằng để tiếp cận được gói cứu trợ này, cùng là tiểu thương nhưng các doanh nghiệp có quy mô lớn có lợi thế hơn nhiều.

“Họ nắm vững các đòi hỏi, họ có giám đốc tài chính, có ban kế toán, có luật sư sẵn sàng hoàn tất các giấy tờ và làm thủ tục rất nhanh chóng. Đòi hỏi cái gì thì họ cũng nộp đúng, nộp đủ một cái vèo nên thành ra hồ sơ của họ được xử lý trước,” ông Lộc nói.

Ngoài ra, những doanh nghiệp này, thường là có từ 400 nhân viên trở lên cho đến 500 người, sẽ nộp đơn xin vay qua những ngân lớn, mà những ngân hàng này ‘không xử lý hồ sơ của những công ty bé li ti chỉ với 20-30 người mà ưu tiên những công ty trước nay đã có làm ăn với họ’, ông giải thích.

Trong khi đó, các tiểu thương quá nhỏ ‘không nắm thủ tục nên nộp thiếu cái này, cái kia hay trả lời không đúng trong khi thủ tục có nhiều cái lắt nhắt, rối rắm’, ông Lộc nói thêm. Không những thế, các ngân hàng lớn không có nhân viên để liên lạc người xin vay để thông báo là hồ sơ cần chỉnh sửa như thế nào nên nhiều hồ sơ của tiểu thương nộp vào bị ngâm để đấy, cũng theo lời vị giáo sư này.

Ngay cả khi các tiểu thương cò con ‘nộp đúng, nộp đủ hết’ thì vẫn có khả năng không vay được trong trường hợp các ngân hàng lớn bị quá tải. Khi đó, họ sẽ ưu tiên cho những khách hàng mà họ đã quen biết, làm ăn từ trước.

Một số tiểu thương của người Việt không biết nộp hồ sơ làm sao nên ‘cũng chẳng nộp’ trong đợt cứu trợ thứ nhất, ông Lộc nói. Trong khi những tiểu thương dạng này lại là thành phần khốn khó nhất cần được hỗ trợ nhất còn những tiểu thương lớn dù sao họ cũng có tài chính mạnh hơn rất nhiều, ông Lộc phân tích.

‘Đánh giá thấp’ nhu cầu

Về lý do chính quyền Mỹ phải bổ sung thêm một số tiền lớn như vậy để cứu trợ tiểu thương sau khi đã tung ra 350 tỷ trong đợt một, ông Lộc cho rằng chính quyền ‘đã đánh giá thấp nhu cầu’.

“Chính quyền cho rằng nhiều tiểu thương lớn mạnh, rất có tiền sẽ không xin vay. Nhưng đó là suy nghĩ ngây thơ,” ông nói.

Theo lời ông giải thích thì do đây là ‘gói vay được miễn nợ dành để trả lương nhân viên’ nên mặc dù nhiều tiểu thương lớn có đủ tiền trả lương nhân viên nhưng họ vẫn muốn vay để lấy tiền đó trả lương nhân viên rồi sau đó được miễn nợ, còn tiền của họ họ sẽ ‘dùng vào chuyện khác’.

“Nếu vay bình thường (không được miễn nợ) thì họ sẽ không vay đâu,” ông nói thêm và cho biết những công ty có quy mô trên 400 người thì số tiền họ cần vay để trả lương rất lớn nên chẳng mấy chốc con số 350 tỷ của gói cứu trợ thứ nhất ‘sẽ đi vèo’.

Ngoài ra, có những tiểu thương rất nhỏ, ít giao dịch với ngân hàng hoặc thậm chí chỉ làm bằng tiền mặt và không có tài khoản với ngân hàng luôn thì ‘không có ngân hàng nào chấp nhận cho vay cả’. Những đối tượng này không được hưởng gì từ gói cứu trợ thứ nhất cho nên mới cần đến gói thứ hai.

‘Nên tìm đến ngân hàng nhỏ’

Ông cho biết trong đợt 1 vừa qua, có một số tiểu thương người Việt như chủ xưởng may, chủ siêu thị ‘đã vay được mấy trăm ngàn đô vì nhân công họ nhiều’. Tuy nhiên, ông biết có ‘rất nhiều tiểu thương người Việt nộp đơn xong rồi không ai trả lời gì hết mà cũng không nộp lại được trong khi liên lạc thì cũng không ai biết gì hết’.

“Cộng đồng người Việt phải gấp rút làm hồ sơ vì theo tiên đoán thì số tiền này có thể hết vèo sớm,” ông khuyến cáo.

Điều quan trọng nhất, ông Lộc khuyên, là không nên xin qua các ngân hàng lớn như Bank of America, JP Morgan Chase hay Wells Fargo mà tìm các ngân hàng địa phương nhỏ để xin vay.

“Những ngân hàng nhỏ họ cần có khách hàng vay gói PPP này, cho nên nếu mình nộp hồ sơ có thiếu giấy tờ gì họ sẽ báo cho mình biết để mình bổ sung,” ông giải thích. “Nếu nộp đúng, nộp đủ thì họ xử lý nhanh lắm. Trong khi nếu nộp hồ sơ qua ngân hàng lớn, nộp thiếu thì không ai thèm quan tâm, còn nộp đủ lại có nguy cơ bị kẹt do quá tải.”

“Nếu quý vị có tài khoản với 2, 3 ngân hàng thì nên chọn ngân hàng nhỏ có kiểm chứng là được SBA (tức Cục Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ) chuẩn thuận để nộp đơn qua hệ thống của họ thì sẽ đi nhanh hơn,” ông khuyên. (21:00)

Đối với những tiểu thương đã nộp đơn qua ngân hàng lớn trong đợt đầu mà không thấy phản hồi gì hết thì ông Lộc cho là ‘kể như tiêu tan rồi’và nên tìm kiếm những người có làm ăn hay quen biết với ngân hàng nhỏ giới thiệu để xin vay.

Sẽ rót thêm tiền cho dân?

Về gói cứu trợ phát tiền trực tiếp cho người dân, sau đợt đầu phát 1.200 đô la một lần duy nhất cho những ai có thu nhập thấp, ông Lộc cho rằng sẽ có 50% khả năng chính phủ sẽ phát tiền cho dân vì ‘1.200 đô la chẳng thấm vào đâu’.

Nguyên nhân mà ông chỉ ra là do nạn thất nghiệp Mỹ tăng cao chưa từng thấy cộng với kinh tế suy thoái nên Chính phủ phải cho thêm tiền dân để kích thích chi tiêu và kéo kinh tế khỏi nạn suy thoái.

Theo ông, có thể lần này chính phủ sẽ chi ít hơn với thời gian lâu hơn, chẳng hạn như 600 đô la một tháng trả trong vòng 2-3 tháng, hoặc ‘trả 50-60 đô la mỗi tuần cho những ai phải ở nhà để đảm bảo an toàn’.

Trên thực tế, số tiền 1.200 đô la cộng với trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang dao động 200-500 đô la mỗi tuần tùy bang cộng với 600 đô la mỗi tuần tiền trợ cấp thất nghiệp của liên bang, nhiều người thất nghiệp có thu nhập còn cao hơn khi họ đi làm.

Về khả năng số tiền trợ cấp này sẽ khiến nhiều người có động lực không quay trở lại làm việc, ông Lộc thừa nhận rằng trong số 28 triệu người thất nghiệp hiện nay ở Mỹ ‘sẽ có người muốn bị sa thải để lãnh tiền trợ cấp nhiều hơn’.

“Việc bơm tiền rất nhanh một mặt giúp người dân có niềm tin để giảm bớt khủng hoảng nhưng hệ lụy rõ ràng là sẽ khuyến khích những người lương ít ở nhà và không đi làm trong thời gian ngắn,” ông giải thích.

Nhưng những người có tầm nhìn sẽ không ở nhà, ông nói thêm. “Nếu có cơ hội làm việc mà họ không đi làm thì sau này thất nghiệp tăng lên thì tương lai họ sẽ ra sao.”

Ông Lộc nói với gói cứu trợ 480 tỷ này cộng với gói 2.200 tỷ đô la trước đó thì ‘chắc chắn Mỹ sẽ thâm hụt ngân sách’.

“Hiện tại Mỹ đã thiếu nợ 24.000 tỷ đô, đã nhiều hơn GDP. Có nợ thêm 2-3 ngàn tỷ nữa thì cũng vẫn là nhiều hơn GDP.”

Do đó, giải pháp của chính phủ Mỹ, ông dự đoán, là bán trái phiếu để vay mượn thêm – việc này khiến Mỹ phải trả thêm tiền lãi. Hoặc ‘có thể in thêm tiền’ nhưng việc này ‘có thể giảm bớt giá trị đồng tiền, đẩy lạm phát lên cao.

VOA Express

XS
SM
MD
LG