Đường dẫn truy cập

EVFTA bị hoãn phê chuẩn trong lúc Thủ tướng VN đang ‘vận động’ ở Davos


Nghị sĩ Jude Kirton-Darling, thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, thông báo việc hoãn phê chuẩn EVFTA trên trang Tweeter.
Nghị sĩ Jude Kirton-Darling, thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, thông báo việc hoãn phê chuẩn EVFTA trên trang Tweeter.

Các thành viên Nghị viện châu Âu vừa chính thức thông báo về việc hoãn phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) giữa lúc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang tranh thủ gặp các doanh nghiệp hàng đầu như Apple, Facebook… bên lề một hội nghị ở Davos để vận động sự ủng hộ của họ cho hiệp định chiến lược này.

Tuy viện dẫn “lý do kỹ thuật” cho việc hoãn phê chuẩn EVFTA, nhưng Nghị sĩ Jude Kirton-Darling, thành viên của Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, nói trên trang Twitter rằng “Liệu điều đó có xảy ra không nếu có nhiều nỗ lực hơn trong việc cải thiện nhân quyền?”

Trở ngại lớn

Trong video thông báo về việc hoãn phê chuẩn, Nghị sĩ Ramon Tremosa, một thành viên khác của Ủy ban Thương mại Quốc tế - Nghị viện châu Âu, nói: “Mối quan hệ của EU với Việt Nam là cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi, và hiệp định thương mại sắp tới là một điều tốt. Nhưng chúng tôi muốn thương mại công bằng, nhân quyền và các vấn đề về bền vững phải là những yếu tố ràng buộc trong hiệp định”.

Tiếp lời Nghị sĩ Tremosa, bà Kirton-Darling nói rằng vẫn còn “trở ngại lớn” giữa hai bên cho việc thông qua hiệp định, đó là vấn đề nhân quyền.

“Tôn trọng nhân quyền là điều cốt lõi của EU”, bà Kirton-Darling nói, đồng thời thêm rằng “tình trạng ở Việt Nam là rất đáng quan ngại”.

Nữ nghị sĩ châu Âu còn đề cập đến Luật An ninh mạng đang gây quan ngại về hạn chế tự do ngôn luận, vấn đề cưỡng chế đất đai ở TPHCM và tình trạng hàng trăm tù nhân lương tâm đang bị tù hoặc giam lỏng vì thực hành các quyền căn bản của họ.

Nhắc đến trường hợp của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Nghị sĩ Tremosa cho biết thêm rằng qua các cuộc đàm phán, EU đã yêu cầu Việt Nam phải cải thiện nhân quyền nhưng cho đến nay vẫn không có phản hồi thích đáng.

“Việc hoãn phê chuẩn mở ra một cánh cửa cơ hội để [Việt Nam] nghiêm túc giải quyết vấn đề và để đạt được sự đồng thuận lớn về hiệp định tại Nghị viện châu Âu”, ông Tremosa nói thêm.

Đề nghị “góp tiếng”

Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã ra sức vận động và đặt nhiều hy vọng vào việc EVFTA sẽ được Hội đồng châu Âu phê chuẩn vào tháng 2 và Nghị viện châu Âu phê chuẩn vào tháng 3 để có thể có hiệu lực vào giữa năm 2019.

Sau khi Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cho là có lợi nhất cho Việt Nam, rơi vào tình trạng bất định vì Hoa Kỳ rút lui, EVFTA là hiệp định mà Hà Nội đổ nhiều công sức để mong đạt được.

Ngay trong thời gian tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, hôm 23/1, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cũng có một cuộc họp bên lề với lãnh đạo của các công ty đa quốc gia hàng đầu như Apple, Facebook… và đề nghị họ “góp tiếng nói chung” để thúc đẩy EU sớm phê chuẩn EVFTA.

Trước đó, hôm 9/1, Việt Nam nêu ra 3 vi phạm lớn của Facebook về quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế đối với Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam kết luận Facebook đã vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng Việt Nam khi “thờ ơ” và “không đáp ứng tốt” các yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc gỡ bỏ các fanpage có những hoạt động “kích động chống Nhà nước” hay các “quảng cáo chính trị”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG