Đường dẫn truy cập

HRW yêu cầu EU hoãn phê chuẩn hiệp định thương mại với Việt Nam


Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chào đón Thủ tướng Việt Nam lúc đó, Nguyễn Tấn Dũng, tại Brussels, Bỉ, trong lễ ký kết đánh dấu sự kết thúc việc thương lượng hiệp định thương mại EU-Việt Nam hôm 2/12/2015.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chào đón Thủ tướng Việt Nam lúc đó, Nguyễn Tấn Dũng, tại Brussels, Bỉ, trong lễ ký kết đánh dấu sự kết thúc việc thương lượng hiệp định thương mại EU-Việt Nam hôm 2/12/2015.

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) hôm 10/1 kêu gọi Liên minh châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, cho tới khi chính phủ Việt Nam có các biện pháp cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền ngày càng tệ hại của mình.

Theo tổ chức bảo vệ quyền con người có trụ sở ở New York, thì động thái mới nhất của chính phủ Việt Nam để hạn chế các quyền con người của dân trong nước là áp dụng Luật An ninh mạng hà khắc vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Được ủy nhiệm để thương lượng một hiệp định kinh tế với Việt Nam, Ủy ban châu Âu đã thông qua bản thảo cuối cùng của hiệp định hồi tháng 10 năm ngoái. Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ phải thông qua hiệp định này trước khi nó có hiệu lực. Dự kiến việc biểu quyết sẽ được tiến hành trước khi các cuộc bầu cử của Nghị viện châu Âu được tổ chức vào tháng 5.

Trước áp lực của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, một số thành viên trong Nghị viện châu Âu đang tìm cách đẩy nhanh việc phê chuẩn hiệp định có tên gọi tắt tiếng Anh là EVFTA, bất chấp Việt Nam đã lờ đi những lời kêu gọi liên tiếp đòi Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền, theo HRW.

Dự kiến các biểu quyết chủ yếu về mặt thủ tục cho hiệp định này đã được lên lịch cho tuần sau.

“Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn,” ông John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á châu của Human Rights Watch, nói trong một thông cáo đăng tải trên trang web của tổ chức này hôm 10/1. “Làm như vậy là tưởng thưởng cho Việt Nam trong khi nước này chẳng làm gì cả, thông qua EVFTA là đánh đi một thông điệp tệ hại cho thấy những cam kết mà Liên minh châu Âu đã đưa ra trước đây là dùng thương mại như một công cụ để quảng bá nhân quyền trên toàn cầu không còn đáng tin.”

Tháng 9/2018, 32 thành viên của Nghị viện châu Âu đã ký vào một thư ngỏ gửi tới hai lãnh đạo của khối, đề nghị “thúc đẩy để có tiến bộ mạnh về nhân quyền ở Việt Nam” trước khi phê chuẩn EVFTA.

Nghị viện châu Âu đã nêu lên những quan ngại về các vụ đàn áp nhân quyền với Thứ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam Trần Quốc Khánh hồi tháng 10 vừa qua trong một phiên điều trần ở Nghị viện châu Âu. Những mối lo ngại đó cũng được nêu ra trong một nghị quyết khẩn cấp của Nghị viện châu Âu hồi tháng 11 về tình hình tù chính trị ở Việt Nam.

Theo HRW, Việt Nam đã không đáp ứng bất cứ lời kêu gọi nào và những vụ đàn áp của chính quyền Hà Nội càng thêm dữ dội.

Vẫn theo Tổ chức Human Rights Watch, Luật An ninh mạng mới của Việt Nam, do cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành cuối tháng 6/2018, là một công cụ giúp nhà cầm quyền bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng trên mạng.

Tuần trước, giám đốc châu Á của HRW Phil Robertson nói “cho tới lúc này truyền thông xã hội là nơi cho tự do báo chí nhưng giờ đây luật an ninh mạng hà khắc của Hà Nội có thể được dùng như một công cụ để dập tắt những thảo luận trên mạng và truy tố người dân về những gì họ nói.”

Bộ luật mới, được coi là một bản sao của Luật An ninh mạng của Trung Quốc, bị chỉ trích rộng rãi ở trong và ngoài nước Việt Nam. Gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư, đề nghị nhà nước Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi luật này. Nhiều chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bộ luật.

“Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng không thể phê chuẩn hiệp định EVFTA cho tới khi nào nhà nước Việt Nam có thái độ nghiêm túc muốn giải quyết những lo ngại về nhân quyền,” ông Sifton nói. “Việt Nam nên hiểu rằng nếu châu Âu trì hoãn hiệp định này thì đó là do lỗi của Hà Nội, chứ không phải của Brussels.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG