Đường dẫn truy cập

EU bày tỏ quan ngại về nhân quyền Việt Nam


Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Liên hiệp châu Âu tuần qua đã nêu tên một loạt các trường hợp đang bị cầm tù vì bất đồng chính kiến tại Việt Nam nhân cuộc Đối thoại Nhân quyền lần thứ 6 giữa Việt Nam và EU.

Phái đoàn EU do ông David Daly, Trưởng phòng Đông Nam Á thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS), dẫn đầu và phái đoàn Việt Nam là ông Vũ Anh Quang, Tổng giám đốc Vụ Các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam.

EU cho biết cuộc đối thoại hôm 8/12 tập trung vào các vấn đề như cải cách tư pháp, pháp luật; tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, cũng như các quyền của người lao động; hỗ trợ xã hội dân sự tại Việt Nam, và ngăn chặn việc bắt giữ không đưa ra xét xử.

Nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm qua bị các nước Tây phương lưu ý sau hàng loạt các bản án dành cho những nhà hoạt động và các nhân vật bất đồng chính kiến.

Ông Vũ Quốc Dụng, thành viên sáng lập của Mạng lưới những người bảo vệ nhân quyền (VETO) ở Franfurt-Đức, nhận xét: “Tôi nghĩ rằng tình hình nhân quyền trong năm vừa rồi xấu đi, ít nhất khi chúng ta thấy phía chính phủ mới, người ta có hy vọng là được cải thiện nhưng mà ngược lại, trong tất cả các lĩnh vực đều xấu đi.”

Liên hiệp châu Âu đề nghị tiếp tục hỗ trợ, bao gồm việc thực hiện Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn, cũng như chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất trong quá trình xem xét lại pháp lý. EU cũng đã chia sẻ kinh nghiệm về đấu tranh chống buôn bán người.

Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, một nhà hoạt động vì nhân quyền cho Việt Nam ở tiểu bang Virginia, nói với VOA Việt ngữ: “Vấn đề nhân quyền không phải chỉ là đấu tranh để có một nền dân chủ, mà nhân quyền có nghĩa là ảnh hưởng tới đời sống của con người từ những việc rất thông thường; ví dụ như bảo hiểm, an sinh xã hội, sức khỏe, môi sinh, công ăn việc làm, học vấn…”

Ngoài ra, EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng tất cả các tù nhân đều được luật sư, nhân viên y tế và thành viên gia đình thăm viếng, phù hợp với Hiến pháp Việt Nam và các điều khoản nhân quyền quốc tế.

Một số trường hợp cụ thể đã được nêu: Ông Ngô Hào, ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm) và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thủy, ông Nguyễn Văn Đài và trợ lý Lê Thu Hà, ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ nấm), ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Đoàn Huy Chương, bà Bùi Thị Minh Hằng, ông Đặng Xuân Diệu và Hòa thượng Thích Quảng Độ.

EU khẳng định rằng tất cả những người đã bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do biểu đạt một cách ôn hòa phải được thả.

Về vấn đề này, ông Dụng cho biết: “Có rất nhiều blogger, những người bất đồng chính kiến, nhà báo, hoặc bị bắt hoặc bị công an sách nhiễu, và sau đó bị những người, tạm gọi là côn đồ hay là công an, đánh họ thì chính phủ Việt Nam vẫn phải có bổn phận bảo vệ họ. Nếu chính phủ Việt Nam không bảo vệ họ thì chính phủ Việt Nam cũng bị xem như là vi phạm nhân quyền.”

Theo nội dung của thông cáo báo chí, đại diện Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội châu Âu sẽ có chuyến thăm Việt Nam vào năm sau. Mục đích chuyến đi được nói là nhằm tạo cơ hội đẩy mạnh hợp tác liên nghị viện về nhân quyền nói riêng và nhân quyền Việt Nam nói chung.

VOA Express

XS
SM
MD
LG