Đường dẫn truy cập

Những Esope Thời Đại


Bìa của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi
Bìa của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi

2.-

“Cả thế giới này đã bỏ quên tôi rồi!”

Tôi nghĩ trong đầu như vậy. Hai tay tôi nắm chặt. Tôi muốn đập nát cánh cửa này. Tôi đi qua đi lại. Tôi ngó lên trần nhà. Tôi ngồi bệt xuống sàn. Tôi thấy mình như một con thú. “Bình tĩnh! Bình tĩnh!” Tôi nhớ giáo sư Linh mục Alexis Cras ở Viện Đại học Đà Lạt. Ba năm trời học với Cha, tôi nghiệm ra một điều: môn Siêu hình học mà Cha dạy bọn tôi có thể đã trôi tuột như nước chảy qua cầu, nhưng cái dáng điệu khoan thai, trầm tĩnh, từ tốn của Cha, cái cách nhìn mọi vấn đề dưới con mắt không chút thành kiến của một tấm lòng bác ái như Cha Cras, vẫn còn đọng lại trong trí nhớ tôi. Tôi tưởng những gì Cha nói đã tan biến trong tôi, nhưng hôm nay, nó như cây kim chọc thủng trí nhớ mưng mủ của tôi, làm vọt ra những điều không thuộc về tôi. Cha Cras, dòng Đa Minh, áo chùng trắng, tóc trắng thưa, nụ cười hiền. “Ông Cố đạo”, cha hay tự gọi mình như vậy, giảng triết học hiện sinh, nói chuyện Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng, đọc Truyện Kiều Nguyễn Du giọng Tây, bình thơ Đỗ Phủ, kể chuyện Esope theo một tác phẩm Con cáo và chùm nho của một kịch tác gia Nam Mỹ. Esope trong vở kịch là một người nô lệ nhưng đồng thời cũng là một nhà ngụ ngôn. Cha nói ngụ ngôn không phải là một câu chuyện bịa đặt. Ngụ ngôn là chân lý. Mà chân lý là mục tiêu duy nhất chúng ta sống vì nó, chết cũng vì nó. Đó là một bài giảng của Cha về nô lệ và tự do. Trong vở kịch, người “nô lệ” Esope bị buộc tội vì đã giấu cái chén vàng trong bọc của mình. Theo luật pháp Hy Lạp, nếu kẻ phạm tội là người tự do thì sẽ bị đưa lên núi cao đẩy xuống nơi vực thẳm sâu nhất. Nhưng nếu kẻ phạm tội là người nô lệ thì người chủ sẽ cân nhắc tội phạm mà trừng phạt. Người chủ của Esope muốn cứu tính mạng của ông, muốn xác nhận “giả vờ” ông là người “nô lệ”, để dễ tha tội cho ông. Nhưng, Esope nói, “Đối với tình yêu và đời sống ta còn trẻ quá, còn xanh non quá. Nhưng đối với tự do thì ta đã chín rồi. Vực thẳm mà các ông đã chọn sẵn cho người tự do ở đâu? Ở đâu? Ở đâu?” Người ta thường chỉ nhớ Esope với chuyện ngụ ngôn cái lưỡi là món ngon nhất cũng là món dở nhất. Người ta cũng thường nhớ Esope với chuyện Con Cáo thấy Chùm Nho trên dàn cao, muốn hái nhưng không với tới bèn nói “Nho hãy còn xanh”, nhưng ít ai nghe nói Esope và tự do.

Một mình giữa bốn bức tường. Cái mụt nhọt của lãng quên đã bị phá. Trí nhớ đã được phục hồi. Nhưng tôi không đủ trầm tĩnh để cái đầu tôi có phút giây yên ổn. Như một trận động đất lớn cả một đất nước sụp xuống, sụm xuống, lún xuống, chìm xuống. Và ngôi nhà tôi ở cũng bị chôn vùi trong lòng đất. Cha mẹ tôi lần lượt qua đời. Các cháu tôi bị đưa vào trại cải tạo. Anh tôi vừa nằm xuống. Cả gia đình vừa đưa anh ra nghĩa địa về thì tôi bị giữ lại ở đây. Chúng tôi không ai nghĩ một điều gì khác hơn là con thuyền và biển cả. Làm mồi cho cá mập, làm nạn nhân cho bọn hải tặc Thái, làm người tù trong các nông trường… hoặc là đến bến bờ tự do! Trời ơi, tôi hiểu ra rồi, cả một đất nước chúng ta đầy những Esope. Thời cổ Hy Lạp có một Esope, còn thời đại của chúng ta biết bao nhiêu là Esope. Tự do hay là chết! Không phải người ta bỏ nước ra đi vì muốn làm một cuộc phiêu lưu. Người ta phải ra đi vì người ta không thể ở lại. Đi hay ở? Câu hỏi ấy là câu hỏi lớn nhất chiếm đầy đầu óc mọi người.

Cánh cửa bỗng bật mở. Người công an áo vàng đứng ở ngưỡng cửa.

“Ông Thăng. Có người nhà muốn gặp.” Y nói.

Tôi đứng dậy.

“Theo tôi!”

Y đi trước, bước từng bước xuống cầu thang.

Quỳnh, bà chị dâu tôi và Thùy đã ngồi sẵn quanh bàn làm việc của y.

“Ngồi xuống đây!” Y ra lệnh cho tôi.

Y ung dung châm một điếu thuốc, ngồi xuống chiếc ghế phía sau bàn. Y hết nhìn bà chị tôi, đến nhìn Quỳnh rồi nhìn tôi. Sau cùng y đẩy cây bút và tờ giấy trước mặt y về phía chị.

Chị Thúc nhìn tờ giấy và nhìn tên công an như thể mắt chị đang đo lường cái chiều dài của hai sự vật. Rồi chị nhìn tôi và nhìn Quỳnh, cái nhìn như hỏi phải làm sao bây giờ. Chị cầm cây bút lên, xoay qua xoay lại, xong đặt cây bút xuống.

“Như đã nói với chị…”. Tên công an có vẻ sốt ruột, “Tình trạng của anh Thăng đây hoàn toàn tùy thuộc vào một chữ ký của chị. Nếu chị không đồng ý giao trả căn nhà chị đang ở cho nhà nước quản lý thì trước sau gì nhà nước sẽ quản lý nhà chị thôi. Chị phải khẩn trương lên, tôi còn phải giải quyết biết bao nhiêu là công chuyện. Nếu chị ký sớm sẽ có hai điều lợi: Thứ nhất là anh Thăng đây sẽ được trở về ngay, nếu không chúng tôi buộc lòng phải giải anh lên quận để trên làm việc và giải quyết. Thứ hai là chị có thể được trên cấp cho một chỗ ở dưới Chợ Đầm, nếu không…” - y ngập ngừng – “trong tình hình nhà đất khan hiếm như hiện nay, mặc dù rất nhiều người phản quốc bỏ nước ra đi, vẫn không đủ nhà đất cung cấp cho cán bộ đang còn xếp hàng dài chờ đợi…”

Hai tay đặt trên mặt bàn, chị Thúc nhìn chăm vào tờ giấy. Tôi có cảm tưởng như chị không còn nghe thấy gì ngoài những dòng chữ trên tờ giấy đã viết sẵn kia đang ám ảnh đầu óc chị.

“Rồi mẹ con tôi phải sống làm sao đây?” Chị nói rất nhỏ.

Tôi nghiêng người qua vai chị Thúc. Tay tôi nắm tay chị.

“Chị không nên ký. Nhà của chị thì chị cứ ở. Phần em, em thấy mình không có tội, chị không phải sợ cho em.”

Tên công an đứng bật dậy. Y dụi điếu thuốc đang hút giữa chừng xuống cái gạt tàn. Y cầm tờ giấy và cây bút, kéo hộc bàn bỏ vào trong đóng lại.

“Được thôi. Chị và cô đây có thể về. Công an chấp pháp quận sẽ làm việc với ông Thăng. Phận sự của tôi tới đây coi như là xong.”

Chị Thúc vẫn ngồi yên. Quỳnh đứng dậy, vòng ra sau lưng chị.

Tôi nhìn chị Thúc.

“Đừng ký. Không việc gì mà chị phải ký.” Tôi nhắc lại.

“Tôi muốn coi lại tờ giấy!” Đột nhiên chị Thúc đứng dậy nói.

Tên công an chống hai tay lên mặt bàn, chồm về phía chị, giọng gay gắt:

“Tôi muốn nghe câu trả lời dứt khoát của chị là ký hay không ký. Vậy thôi. Tôi có nhiều việc phải giải quyết.”

“Tôi ký!” Chị Thúc trả lời nhanh đến nỗi tôi không kịp phản ứng.

“Đừng, chị Thúc, đừng!”

Tôi nói to, nhưng chị Thúc dường như không muốn nghe tôi.

Tên công an kéo hộc tủ, lấy tờ giấy và cây bút đẩy về phía chị:

“Chị ký vào đây!” Ngón tay y trỏ một chỗ phía dưới trang giấy.

Chị Thúc chụp cây bút, cúi xuống nguệch ngoạc mấy nét. Xong chị quày quả bỏ đi như chạy trốn.

Tên công an cầm tờ giấy lên sát mặt săm soi. Tôi thấy y mỉm cười xếp tờ giấy làm tư bỏ vào túi áo. Bàn tay phải của y đập nhẹ vào túi. Và khi mắt y đụng vào mắt tôi, tôi nghe tiếng y hét lên:

“Anh kia! Sao chưa đi về đi còn chờ đợi gì nữa? Hay là muốn tôi giải anh lên quận làm việc?”

“Cám ơn!”

Tôi không hiểu tại sao tôi nói cám ơn với cái tên vừa mới ăn cướp ngôi nhà của anh chị tôi.

Tôi bước ra khỏi trạm công an. Quỳnh đang ôm chị Thúc đứng chờ tôi trước cửa. Tôi nhìn thấy khuôn mặt bà chị dâu tôi ràn rụa nước mắt:

“Chú Thăng ơi, sao đời tôi khổ quá!”

Tôi không dám nhìn chị. Tiếng nói của chị như những mũi tên bắn vào tim tôi. Tôi ngước mắt nhìn lên căn phòng mà mấy phút trước đây tôi vừa bị giam giữ.

Bụi Và Rác – Chương Chín Phần 2

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG