Đường dẫn truy cập

Không nơi ẩn nấp


Không nơi ẩn nấp
Không nơi ẩn nấp

1.

Sau cùng chúng tôi cũng trở lại được Sài Gòn, trở lại căn nhà trong khu Mã Lạng, con hẻm hẹp hôi hám và nhớp nhúa. Chuyến về thăm nhà của tôi để đưa người anh đến nơi an nghỉ cuối cùng không ngờ là chuyến đi đầy kịch tính: không chỉ có nước mắt mà còn có cả nỗi đắng cay. Khi đưa tôi ra bến xe đò, chị Thúc nói: “Chú đừng buồn, không có chú, nó cũng lấy nhà tôi thôi, nó nhắm lâu lắm rồi, trước sau gì nó cũng chiếm thôi.” Tôi nghĩ là chị an ủi tôi. Quỳnh thì không nói năng chi. Suốt những ngày còn lại ở Nha Trang, em bế con ra biển ngồi trên bờ cát nhìn trời và nước. Lần đầu tiên khi nghe Quỳnh nói muốn đi biển, tôi theo em thả bộ xuống bãi. Tôi chỉ cho Quỳnh biết những nơi ngày xưa tôi thường hay đến. Cây dừa này hình như lúc nào cũng vậy, không có vẻ gì như bị già đi vì năm tháng. Những lùm cây này cũng vậy hình như mới vừa hôm qua tôi chui vào trong đó núp trốn những thằng bạn học ở trường về réo gọi tên tôi vì bị thầy giáo gọi tên trong lớp học. Nhà “giây thép” này có vẻ như nhỏ lại. Nó đứng một mình. Xung quanh trống trơn không thấy nhà cửa cây cối nào để che đỡ. Sau lưng là biển. Trước mặt là con đường trải hắc ín vắng tanh. Tôi kể cho Quỳnh nghe những kỷ niệm của tôi về nhà hàng ăn mang tên Fregate, nơi mỗi cuối tuần tôi và Bouquet Odette thường chui dưới gậm bàn nhìn những người lớn nhảy nhót. Và bụi dương, khách sạn Beau Rivage, trường Hải quân, Cầu Đá, Hải học Viện, Hòn Chồng… chỗ nào tôi cũng nhớ có chút dấu vết tôi… Quỳnh chỉ nghe tôi nói mà không hỏi. Những lần sau Quỳnh đi biển một mình. Quỳnh nói em đứng đây để tưởng tượng hồi nhỏ anh đã đứng như thế, với ai, làm cái gì, nói cái gì… Quỳnh nói đứng trước biển để nhớ và để quên. Để nghe tiếng sóng thì thầm, để thấy tâm hồn mình rộng lượng hơn.

Quỳnh trầm lặng suốt những ngày còn lại ở Nha Trang cho đến khi trở về Sài Gòn. Giữa chúng tôi như bị ngăn lại bởi một tấm màn voan mỏng. Tại sao? Tôi không hiểu. Tôi đi tìm ông Công. Tôi muốn xuống Bạc Liêu xem tình hình ra sao. Bác Ngô trước nhà cho biết ông Công có đến tìm tôi mấy lần. Tôi nghĩ có lẽ sắp có chuyến đi.

Tôi ra quán cà phê vỉa hè trước nhà bà luật sư Đại. Nơi đây tôi hy vọng thế nào cũng sẽ gặp mấy “đệ tử” của ông Công. Quán vẫn đông, nhưng không có người của ông Công. Một người ngồi trước ly cà phê đang kể chuyện người trong gia đình anh ta đã đến được bến bờ tự do. Anh khoe lá thư vừa nhận được viết từ Mã Lai. Một người kể chuyện thùng quà vừa lãnh. Và một người kể chuyện tiếu lâm thời đại. Anh nói nhỏ cho vừa đủ mấy người cùng bàn nghe. Và cả đám cười. Những câu chuyện tôi đã từng được nghe, nhưng lần nào nghe lại cũng phải cười cay đắng. Đã qua thời kỳ Sáu Vê: Vội Vã Vào Vơ Vét Về. Bây giờ là chuyện Ô Đi Pi: Ra Đi Trong Trật Tự. Những tờ đơn nộp từ Quận lên thành phố. Những điện tín. Những hình ảnh thư từ….

“Thưa thầy.”

Một người trẻ tuổi dựng vội chiếc xe đạp ở lề đường gọi chào tôi.

“Kiệt! Trời ơi, lâu dữ. Sao nghe nói em về dưới quê? Ngồi xuống đây!”

Kiệt kéo ghế ngồi cạnh tôi. Mới có mấy năm mà Kiệt đã lớn hẳn.

“Em ở dưới mới lên chừng tuần nay. Em vượt biên bị bắt ngã Mỹ Tho. Bị giam cả sáu tháng trời.”

“Rồi lên trên này em ở đâu?”

“Em ở nhà dì em, khu Nancy. Mà lâu nay thầy có vô trường không?”

“Không. Tại sao?”

“Em cũng không vô trường, nhưng đứa em con bà dì của em nói trường cũng đã thay đổi thêm mấy đợt. Nhiều thầy, cô đã xin nghỉ hoặc vượt biên. Ông Hiên hiệu trưởng cách mạng cũng thôi rồi, thấy có biết không?”

“Ông Hiên bị mất chức sao?” Tôi ngạc nhiên.

“Dạ không. Người ta nói ông Hiên đã bị chuyển công tác khác.”

“….”

“Cô Loan dạy Sử địa là em ông Hiên có chồng làm tới Đại úy quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã vượt biên với cả nhà. Người ta nói ông Hiên che chở cho chồng cô Loan khai gian không học tập, bây giờ trốn luôn.”

“Thật vậy sao?”

“Đó là người ta nói vậy. Chớ em thì em nghe bà dì em nói bà vợ ông Hiên mới đây đã tự tử. Thành ra ông Hiên tuyệt vọng, không còn tha thiết cách mạng nữa.”

“Tự tử. Bà vợ ông Hiên tự tử?”

“Dì em nói bả tự tử vì bên Thành ủy được bên công an báo cáo rằng trong thời gian ông Hiên bị tù Côn Đảo, bà Hiên ra vô Tổng Nha Cảnh Sát khai báo điềm chỉ chỗ ở của cán bộ nằm vùng để mong cứu chồng ra sớm. Hồ sơ đó vẫn còn nguyên trong Tổng Nha nên bên công an nắm được. Mặc dù bà Hiên chống án, nói đó là vu cáo. Nhưng chính quyền không nghe bà. Ông Hiên bị hạ tầng công tác. Và bà đã thắt cổ...”

Tôi không biết ông Hiên bây giờ ra sao? Và người đàn bà bao năm nuôi chồng “đi làm cách mạng” nay cũng phải chọn cái chết vì không thể sống trong hoài nghi.

“Chừng nào Kiệt về dưới?”

“Thưa thầy, cuối tháng.”

“Em có tính đi nữa không?”

“Thưa thầy,” Kiệt hơi ngần ngừ, “em có chuyến đi vào cuối tháng, ngõ Rạch Sỏi, Thầy có muốn đi với em không?”

“Tôi cũng đang tính. Một người quen hứa cho một chỗ. Ngã Bạc Liêu. Nhưng mấy hôm nay không gặp ông ta. Điều kiện trong chuyến đi của Kiệt ra sao?”

“Em nghĩ là em có thể dành cho thầy một chỗ được. Nếu cô và em bé cùng đi thì em có thể bàn với chủ ghe. Có thể không đòi hỏi gì thêm đâu. Em bảo đảm mà!”

Kiệt ngập ngừng:

“Em xin phép thầy. Có lẽ em phải đi mua thêm mấy thứ lặt vặt. Thầy suy nghĩ. Chủ nhật em sẽ đến nhà thầy.”

Kiệt nói đúng. Tôi cần phải suy nghĩ giữa hai chuyến đi. Ông Công hay Kiệt? Tôi sẽ lựa chọn nơi nào tôi tin hơn cả. Chuyến đi Nha Trang, Quỳnh đã mất hết mấy chỉ vàng phụ giúp cho chị Thúc. Quỳnh và tôi cũng đã thăm nuôi ông ngoại của con tôi. Ông gầy hẳn, da xanh mướt. Tôi ít có dịp gặp gỡ và nói chuyện với ông. Trước khi lấy nhau đã thế, sau ngày lấy nhau tôi càng ít gặp ông hơn. Tôi tự xa lánh mọi người không phải chỉ trong ý nghĩ mà cả trong đời sống mỗi ngày của mình. Và giờ đây, càng ngày tôi càng co rút lại. Hình như thế. “Không nơi ẩn nấp.” Tôi chợt nhớ tới tên cuốn tiểu thuyết của Hà Nội in hiện đang bày bán ở các tiệm sách. Đúng, tôi có muốn co rút lại cũng vô ích thôi. Không nơi ẩn nấp. Trong xã hội này không có nơi nào ẩn nấp được đâu. Không nhà tù lớn thì nhà tù nhỏ. Trốn vào đâu chứ? Để giết thì giờ trong những ngày theo ông Công đi công trường An Biên, Bạc Liêu, thỉnh thoảng tôi có mua một số tiểu thuyết mới của Hà Nội in. Cuốn nào cũng như cuốn nấy, giống như những điếu thuốc lá hiệu Phù Đổng vậy, giấy vấn và cọng thuốc rời rạc, bập một hơi đã thấy trống rỗng. Nguyễn Tuân, đâu còn nữa. Tác giả Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn, bây giờ viết “Hà Nội Ta Bắn Mỹ Giỏi”…

“Ê, Thăng. Chờ ai vậy?”

Tâm “khô khốc Thiền Sư” bất ngờ kéo ghế ngồi cạnh tôi.

“Mày tới hồi nào mà tao không biết?”

“Tao ngồi đằng kia. Mày đi đâu biến mất cả tuần nay?”

“Tao đi Nha Trang.”

“À, à, tao nhớ rồi. Ông anh mày bịnh phải không?”

“Phải. Nhưng mà xong rồi.”

“Là sao?”

“Tao về đưa đám tang anh tao!”

Tâm không nói. Anh cúi xuống, cầm cái muỗng quậy quậy ly cà phê của tôi. Tôi chợt nhận ra khi mình nói về cái chết của anh Thúc vô tình đã làm Tâm nhớ lại sự ra đi không vọng lại chút tăm hơi nào của vợ con anh.

Một lúc, Tâm ngửng đầu lên:

“Tao ngồi đằng kia với đám thằng Đình. Tao vừa viết xong một truyện ngắn.”

“Mày viết truyện? Ở đâu đăng truyện mày?”

Tôi ngạc nhiên thật sự. Một phần vì Tâm trước đây là tay chuyên viết phê bình văn học chứ không phải là tay sáng tác; phần nữa báo chí của chế độ Hà Nội vốn là một công cụ của chính quyền, đâu phải ai cũng viết mà đăng được. Ai viết? Viết cái gì? Viết cho ai? Đó là những câu hỏi cửa ải, khó qua nổi.

“Mày không hiểu gì hết. Tao viết trong đầu tao chớ đâu phải viết ra giấy. Đứa nào muốn biết thì tao kể cho nghe. Khỏi đọc.”

“Nói kiểu mày thì tao cũng có cả đống chuyện đây này!”

“Chuyện gì? Kể nghe coi?”

“Mày muốn nghe thật hả?”

“Thiệt chớ, sao không. Nhưng mà uống cà phê mà kể chuyện thì chán chết. Tụi mình tới quán Cây Lý lai rai đi. Tao mới bán được mấy chục cuốn sách cũ cho tụi chợ trời.”

“Mày kêu thằng Đình đi luôn thể.” Tôi nhắc.

“Không. Thằng Đình chỉ cà phê thôi. Rượu là không có nó. Mày quên rồi sao?”

Bụi Và Rác – Chương Mười- phần 1


* Blog của Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG