Đường dẫn truy cập

‘Đường cao tốc đến hư không’ được Trung Quốc đầu tư ám ảnh Montenegro


Xây dựng cầu trên đường cao tốc Bar-Boljare ở Bioce, Montenegro, ngày 7/6/2018.
Xây dựng cầu trên đường cao tốc Bar-Boljare ở Bioce, Montenegro, ngày 7/6/2018.

Nhiều công nhân Trung Quốc đang xây dựng một đường cao tốc hiện đại chạy qua một số địa hình gồ ghề nhất ở Nam Âu. Họ đang làm việc trên đỉnh những cột trụ xi măng lớn nằm trên hẻm núi Moraca đẹp như tranh vẽ của Montenegro.

Chính phủ Montenegro mô tả đường cao tốc 165 km, với những cây cầu hùng vĩ và những đường hầm sâu, là công trình xây dựng con đường dẫn đến thế giới hiện đại của thế kỷ.

Nó được thiết kế để nối cảng Bar trên bờ biển Adriatic của Montenegro với nước láng giềng Serbia nằm sâu trong đất liền. Nhưng khi giai đoạn thứ nhất của công trình -- đoạn đường 41 km băng qua địa hình núi non nhiều thách thức ở phía bắc thủ đô Podgorica hoàn thành -- chính phủ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn.

Khoản vay của Trung Quốc cho giai đoạn đầu đã đẩy khối nợ của Montenegro tăng vọt, và buộc chính phủ phải tăng thuế, cắt bớt tiền lương của khu vực công và cắt chương trình phúc lợi dành cho các bà mẹ để có tiền trả nợ.

Bất chấp các biện pháp đó, nợ của Montenegro theo dự kiến sẽ chiếm đến 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nói rằng nước này không thể gánh thêm bất kỳ khoản nợ nào nữa để hoàn thành dự án đầy tham vọng của mình.

Một quan chức Liên hiệp Âu châu (EU) yêu cầu không nêu tên nói: "Câu hỏi lớn đặt ra là họ sẽ hoàn thành công trình đó bằng cách nào. Không gian tài chính của họ đã thu hẹp rất nhiều. Họ đã tự bóp nghẹt mình. Và vào lúc này, một đường cao tốc chẳng đi đến đâu cả. ”

Dự án đường cao tốc này là trung tâm của tranh luận gay gắt về ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu, cả trong các nước thành viên EU lẫn tại các nước mong muốn gia nhập EU như Montenegro và các nước láng giềng Serbia, Macedonia và Albania.

Khi Bắc Kinh mở rộng phạm vi kinh tế của họ bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng, các nước nghèo châu Á và châu Phi bị cuốn hút vào các khoản vay hấp dẫn và những hứa hẹn của Trung Quốc về các dự án cơ sở hạ tầng giúp chuyển đổi đất nước

Điều này đã cho phép các nước đó phát triển theo những cách mà có thể không thể thực hiện được nếu không tiếp cận được với khối dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc. Nhưng một số quốc gia, như Sri Lanka, Djibouti và Mông Cổ, đã cảm nhận mình đã bị đè nặng bởi nợ nần và ngày càng phụ thuộc vào sự hào phóng của Bắc Kinh.

Montenegro là quốc gia đầu tiên ở châu Âu nhận thấy mình bị rơi vào vị trí đó khi chính phủ nhấn sâu vào ước mơ con đường cao tốc mới lấp lánh đất nước đến một tương lai tươi sáng hơn.

“Đường cao tốc này là một vấn đề lớn ở Montenegro. Nó nhắc nhở mọi người về Tito và thời kỳ của các dự án xã hội chủ nghĩa lớn trong khu vực,” học giả Mladen Grgic, nói về cựu lãnh đạo cộng sản lâu đời của Nam Tư Josip Broz Tito.

Ông Grgic, tác giả của một nghiên cứu năm 2017 về dự án đường cao tốc nói tiếp: “Nhưng đó là một cái bẫy. Bây giờ nó đã được giăng ra và con mồi đã đã bắt đầu dính vào. Các chính trị gia không thể ngăn chặn nó được nữa - bất kể tác hại của nó đến mức nào. Và thẳng thắn mà nói -- họ không muốn ngăn nó lại,”

Không khả thi về kinh tế

Ý tưởng xây dựng đường cao tốc nối bờ biển với Serbia bắt nguồn từ năm 2005, một năm trước khi Montenegro bỏ phiếu độc lập, tách biệt với nước láng giềng Serbia. Dự án này do ông Milo Djukanovic, người cầm quyền Montenegro gần như suốt từ năm 1991 đến nay không bị gián đoạn, khởi xướng.

Chính phủ hy vọng đường cao tốc sẽ tăng cường kinh tế cho miền bắc kém phát triển của đất nước, thúc đẩy thương mại với Serbia và cải thiện an toàn giao thông vì những đường đèo hẹp quanh co của Montenegro nổi tiếng là nguy hiểm.

Nhận ra rằng có rất ít cơ hội cho phép vay thêm nợ, các phương án của chính phủ để xây dựng ba giai đoạn tiếp theo của đường cao tốc bị giới hạn.

Phương án được ủng hộ hiện này là đối tác công tư hợp doanh (PPP), theo đó một đối tác bên ngoài sẽ xây dựng và vận hành đường cao tốc, sau đó kinh doanh đường cao tốc đó dưới sự nhượng quyền của nhà nước trong 30 năm để hoàn vốn đầu tư.

Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CRBC), tổng công ty của nhà nước Trung Quốc đang xây dựng giai đoạn một của dự án, đã ký một bản ghi nhớ (MOU) vào tháng 3 để hoàn thành phần còn lại của dự án đường cao tốc này theo phương án PPP.

Nhưng các nhà cấp tín dụng châu Âu lo ngại rằng Montenegro sẽ cần phải bảo đảm bằng doanh thu cao để có thể thực hiện được phương án đó, và như thế sẽ khiến cho khó khăn tài chính của Montenegro càng lún sâu hơn.

"Chúng tôi nói với họ rằng mô hình PPP của họ không khả thi, và họ sẽ gánh chịu những rủi ro mà họ không có cách quản lý", một quan chức của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), nhà cấp tín dụng của Liên minh châu Âu cho biết.

IMF hồi tháng 5 cảnh báo chính phủ Montenegro rằng giải pháp PPP có thể phát sinh những khoản nợ tiềm ẩn lớn. Một quan chức đề nghị Montenegro tốt hơn nên chờ đợi cho đến khi gia nhập EU rồi mới hoàn thành dự án đường cao tốc.

Một khi đã gia nhập EU, Montenegro sẽ có quyền tiếp cận với các nguồn tín dụng từ Brussels. Nhưng quá trình gia nhập khối có thể mất cả chục năm hoặc hơn, bất chấp một thời điểm không chắc được được EU đề ra trong năm này là trước năm 2025.

Luận chứng khả thi

Những nghi ngờ về đường cao tốc nổi lên sau hai nghiên cứu khả thi, được tiến hành vào năm 2006 và 2012, cho thấy nó không khả thi về mặt kinh tế.

Reuters đã xem các kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu thứ nhất do công ty Pháp Louis Berger thực hiện cho chính phủ Montenegro, và nghiên cứu thứ hai do công ty URS thực hiện cho EIB. Cả hai đều kết luận rằng sẽ không có đủ lượng lưu thông để giúp thu hồi vốn đầu tư.

Ông Berger ước tính chính phủ sẽ trợ vốn từ 35 triệu đến 77 triệu euro một năm cho đường cao tốc thu phí thì mới có thể hấp dẫn các nhà đầu tư bên ngoài.

URS xem xét từng phần của đường cao tốc và kết luận rằng mọi cách kết hợp đều không không khả thi về kinh tế. URS đề nghị nên nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống đường hiện có.

URS phân tích: “Lưu lượng giao thông hiện tại thấp và các dự báo kinh tế yếu có nghĩa là lợi ích kinh tế của dự án đường cao tốc này không mang lại đủ lợi tức cho nhà đầu tư.”

URS nói chính phủ Montenegro trông mong nội suất hoàn vốn đạt 8%, nhưng thực tế tỉ lệ này chỉ đạt khoảng dưới 2%.

Dự án này đầu tiên được đề suất với một hiệp hội ngân hàng của Croatia, rồi kế đến là với hiệp hội ngân hàng Hy Lạp-Israel, nhưng cả hai đều không thành vì không tìm được nguồn bảo lãnh.

Những người chỉ trích cảm thấy nhẹ nhõm vì tin rằng dự án này đã chấm dứt, nhưng tức thì Trung Quốc xuất hiện.

Trung Quốc nhảy vào

Giáo sư kinh tế của Đại học Montenegro được Ngân hàng Xuất nhập khẩu nhà nước của Trung Quốc thuê thực hiện một nghiên cứu khả thi mới.

Luận chứng lần này cho thấy đường cao tốc là khả thi. Nhưng nghiên cứu này chưa bao giờ được công khai.

Chính phủ phủ nhận việc thao túng các con số và nói rằng đường cao tốc sẽ mang lại lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài, chứng minh những người hoài nghi sai.

Trung Quốc trở nên tích cực. Vào năm 2012, Trung Quốc bắt đầu tổ chức các hội nghị “16 + 1” hàng năm với các quốc gia phía Đông và Nam Âu để thảo luận về các cơ hội đầu tư, khiến Brussels tức giận.

Montenegro có thể hấp dẫn đối với Trung Quốc vì một số lý do. Nó mở ra cho Bắc Kinh một hải cảng để xâm nhập châu Âu từ biển Adriatic, và các mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với chính phủ ở Podgorica có sẽ có giá trị lớn cho Trung Quốc nếu Montenegro trở thành thành viên EU.

809 triệu euro nhận được từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chiếm 85% kinh phí giai đoạn một của đường cao tốc.

Khoản vay bằng đô la do Trung Quốc cấp với lãi suất 2%, thời hạn trả nợ 20 năm và thời gian ân hạn 6 năm được xem là những điều kiện hấp dẫn, nhưng thực tế là một gánh nặng dài hạn cho đất nước với dân số chỉ có khoảng 620.000 người.

Theo các điều khoản của hợp đồng, tòa án trọng tài tại Trung Quốc sẽ có thẩm quyền trong trường hợp có tranh chấp pháp lý. Chủ đầu tư Trung Quốc nhận được cam kết rằng tất cả các vật liệu xây dựng, thiết bị và hàng hóa khác nhập khẩu được miễn thuế hải quan và thuế giá trị gia tăng. Công nhân Trung Quốc làm 70 phần trăm công việc.

Khoảng số 3.605 công nhân đang xây dựng phần đầu của đường cao tốc. Khoảng hai phần ba trong số họ là công nhân của CRBC, một trong những công ty xây dựng và kỹ thuật của Trung Quốc lớn nhất trên thế giới.

Một báo cáo tháng 3 từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu có trụ sở tại Washington nghiên cứu rủi ro nợ liên quan đến Sáng kiến Vành đai Con đường liệt kê Montenegro là một trong tám quốc gia dễ bị tổn thương cao, cùng với Djibouti, Maldives , Lào, Mông Cổ, Tajikistan, Kyrgyzstan và Pakistan.

Ba phần tư còn lại của đường cao tốc sẽ chạy qua địa hình ít đồi núi. IMF ước tính sẽ tốn thêm 1,2 tỷ đôla để hoàn thành.

Thủ tướng Dusko Markovic cho biết sẽ hoàn thành đường cao tốc này với bất kỳ chi phí nào và hứa sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác, bao gồm thủy điện và du lịch.

Nhưng các chính trị gia đối lập đang lo lắng về tài chính của đất nước và vai trò của Trung Quốc.

Dritan Abazovic, người đứng đầu đảng đối lập Hành động Cải cách Thống nhất, nói điều bình thường đối với một cường quốc kinh tế như Trung Quốc là tìm kiếm vai trò trong khu vực, cùng với EU, Hoa Kỳ và Nga.

Nhưng bởi vì quy mô của dự án, ông lo lắng thỏa thuận với người Trung Quốc sẽ mang lại cho Bắc Kinh nhiều ảnh hưởng hơn đối với Montenegro.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG