Đường dẫn truy cập

Dữ liệu của Trung Quốc từ chợ Vũ Hán đưa ra manh mối về nguồn gốc COVID


Chợ Hoa Nam ở Vũ Hán nguồn gốc của đại dịch COVId-19 giết chết gần 7 triệu người cho đến nay.
Chợ Hoa Nam ở Vũ Hán nguồn gốc của đại dịch COVId-19 giết chết gần 7 triệu người cho đến nay.

Dữ liệu từ những ngày đầu của đại dịch COVID, được các nhà khoa học Trung Quốc tải lên cơ sở dữ liệu một thời gian ngắn, cung cấp thông tin về nguồn gốc của virus trong đó có gợi ý vai trò của loài lửng chó trong việc virus corona lây lan sang người, theo các nhà nghiên cứu quốc tế.

Virus này lần đầu tiên được xác định tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019, nhiều người nghi ngờ có liên quan đến chợ động vật sống, trước khi lan rộng khắp thế giới và giết chết gần 7 triệu người cho đến nay.

Các nhà nghiên cứu quốc tế đã công bố một phúc trình trước khi in dựa trên cách giải thích dữ liệu của họ hôm 20/3, sau khi phát hiện của họ bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông vào tuần trước và sau một cuộc họp với Tổ chức Y tế Thế giới có sự tham gia của cả các nhà khoa học Trung Quốc và quốc tế. WHO đã kêu gọi Trung Quốc tiết lộ thêm thông tin.

Dữ liệu bao gồm các trình tự mới của virus SARS-CoV-2 và dữ liệu bộ gen bổ sung dựa trên các mẫu lấy từ chợ Hoa Nam ở Vũ Hán vào năm 2020, theo các nhà nghiên cứu quốc tế đã tiếp cận dữ liệu đó.

Các trình tự gen cho thấy loài lửng chó và các động vật khác nhạy cảm với virus corona đã có mặt ở chợ này và có thể đã bị nhiễm bệnh, cung cấp manh mối mới trong chuỗi lây truyền cuối cùng đến con người, các nhà nghiên cứu nói.

“Điều này bổ sung thêm bằng chứng xác định chợ Hoa Nam là địa điểm lây lan của Sars-CoV-2 và là tâm điểm của đại dịch COVID-19,” báo cáo cho biết.

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã được tải lên GISAID, cơ sở dữ liệu mầm bệnh toàn cầu, sẵn sàng để đưa vào một bài báo khoa học sẽ được xuất bản trên một tạp chí lớn.

Kể từ ngày 11 tháng 3 năm nay, không còn truy cập được vào kho dữ liệu, nơi dữ liệu được các nhà khoa học quốc tế tìm thấy, phúc trình của họ cho biết. GISAID nói trong một tuyên bố rằng dữ liệu “tạm thời không thấy được” trong khi nó đang được cập nhật trước khi xuất bản bài báo, phù hợp với thông lệ.

Phúc trình được viết bởi các tác giả bao gồm Michael Worobey của Đại học Arizona, Kristian Andersen của Viện Nghiên cứu Scripps ở La Jolla, California, và Florence Debarre tại Đại học Sorbonne ở Paris, Pháp. Những tác giả này đã tiếp cận được dữ liệu vừa kể.

Họ nói rằng họ không vi phạm quy tắc nào trong việc tiếp cận dữ liệu.

Hiện chưa rõ liệu việc công bố phúc trình của họ có tác động ngay lập tức đến việc dữ liệu có thể được tiếp cận trở lại hay việc xuất bản bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc hay không.

Các nhà nghiên cứu này cũng kêu gọi chia sẻ thêm thông tin.

Bà Debarre nói với Reuters: “Dữ liệu thô khác từ các mẫu môi trường ở chợ Hoa Nam tồn tại và có thể chứa thêm manh mối”.

Vật liệu di truyền

Không thể tiếp xúc ngay với CDC Trung Quốc để yêu cầu bình luận.

Hôm 20/3, khi được Reuters hỏi tại sao dữ liệu lần đầu tiên xuất hiện trên mạng và sau đó biến mất và liệu thông tin cuối cùng có được chia sẻ hay không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân yêu cầu phóng viên liên lạc với “các cơ quan hữu quan” mà không nêu rõ thêm.

Ông nói Trung Quốc “luôn ủng hộ và tham gia hợp tác khoa học toàn cầu về truy tìm nguồn gốc” và sẽ tiếp tục làm như vậy, nhưng cộng đồng khoa học quốc tế cũng cần chia sẻ “nghiên cứu của họ về virus có nguồn gốc từ các khu vực khác trên thế giới với Trung Quốc.”

So sánh với thông tin bị rò rỉ vào tuần trước, phúc trình bổ sung thêm chi tiết về các loài động vật khác có mặt tại chợ, cũng như chỉ ra rằng một số mẫu môi trường dương tính với SARS-CoV-2 có nhiều vật liệu di truyền của động vật hơn là của con người mà các nhà nghiên cứu cho biết phù hợp với các động vật bị nhiễm bệnh.

Tuần trước, các quan chức của WHO nói thông tin này chưa được kết luận nhưng đã cho thấy một hướng dẫn mới trong cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID và lẽ ra phải được chia sẻ ngay lập tức.

Cơ quan của Liên hiệp quốc trước đó đã nói rằng tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của COVID-19 vẫn còn đang được cân nhắc, bao gồm cả việc virus này xuất hiện từ một phòng thí nghiệm an ninh cao ở Vũ Hán chuyên nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm.

Trung Quốc phủ nhận sự liên hệ này. WHO cũng đã nói hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra rằng virus đến từ động vật, có khả năng là dơi.

Diễn đàn

XS
SM
MD
LG