Đường dẫn truy cập

Đoàn TNS Mỹ thăm VN để khắc phục hậu quả chiến tranh và thúc đẩy quan hệ hai nước


Thượng nghị sỹ Mỹ Patrick Leahy gặp gỡ Chủ tịch Trương Tấn Sang trong một chuyến thăm Việt Nam trước đây. Ông cùng 9 TNS khác đang ở thăm Việt Nam và sẽ khởi động dự án tẩy sạch dioxin ở sân bay Biên Hòa.
Thượng nghị sỹ Mỹ Patrick Leahy gặp gỡ Chủ tịch Trương Tấn Sang trong một chuyến thăm Việt Nam trước đây. Ông cùng 9 TNS khác đang ở thăm Việt Nam và sẽ khởi động dự án tẩy sạch dioxin ở sân bay Biên Hòa.

Một phái đoàn gồm 10 nghị sĩ Mỹ đang ở thăm Việt Nam để thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, trong đó có vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh và vấn đề Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, người dẫn đầu phái đoàn, cho biết trong một thông cáo ra hôm 12/4 rằng đoàn của ông sẽ gặp gỡ các lãnh đạo chính phủ và giới chức quốc phòng Việt Nam. Ngoài ra, đoàn sẽ khởi động dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa, từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, Đoàn nghị sĩ Mỹ cũng sẽ bàn thảo các vấn đề khác như hợp tác thương mại, Biển Đông, an ninh mạng và ứng phó với biến đổi khí hậu, theo Thông Tấn Xã Việt Nam.

Báo Tuổi Trẻ cho biết ông Leahy cùng phái đoàn của ông đến Việt Nam ngày 17/4. Ông là người đã có nhiều đóng góp trong nỗ lực giải quyết hậu quả chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và từng giữ vị trí Chủ tịch thường trực Thượng viện Mỹ.

Trong lần thứ ba tới thăm Việt Nam, ông Leahy cùng 9 thượng nghị sĩ khác sẽ đi thăm Căn cứ không quân Biên Hòa gần TP HCM, điểm nóng lớn nhất còn lại về ô nhiễm dioxin, một phụ phẩm của Chất độc Da cam.

Theo Thượng nghị sĩ Leahy, Biên Hòa sẽ là một trong những dự án xử lý môi trường lớn nhất trên thế giới.

Ông Leahy sẽ cùng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink, và một số quan chức khác, khởi động dự án xử lý chất dioxin ở sân bay Biên Hòa vào ngày 20/4, theo Tuổi Trẻ.

Mỹ cam kết tài trợ 183 triệu USD vốn ODA không hoàn lại cho Việt Nam để xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa trong giai đoạn 5 năm (2018-2023).

Trước đó, từ năm 2012-2018, Mỹ đã giúp Việt Nam xử lý xong ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng với tổng số vốn đầu tư là 106 triệu USD không hoàn lại của chính phủ Hoa Kỳ và 60 tỷ đồng của chính phủ Việt Nam.

“Sự hợp tác này đã đặt nền móng cho một mối quan hệ đang phát triển giữa hai bên,” TNS Leahy viết trong một bài xã luận đăng trên VTDigger, một trang tin tức của Vermont, ngày 16/4. “Trong khi hai chính phủ của chúng ta vẫn còn bất đồng về một số vấn đề quan trọng thì chúng ta cũng chia sẻ nhiều lợi ích chung: từ việc tăng cường trao đổi sinh viên, mở rộng quan hệ thương mại, tới việc ứng phó với biến đổi khí hậu.”

Ông Leahy là người đi đầu trong các nỗ lực của Quốc hội Mỹ, được sự ủng hộ của Bộ Quốc phòng dưới cả hai chính phủ Dân chủ và Cộng hòa, để thực hiện các dự án này.

Ngoài ra phái đoàn của TNS Leahy cũng sẽ chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ giữa hai chính phủ Mỹ và Việt Nam về Quỹ hỗ trợ dành cho người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải chất da cam.

Dự án 5 năm này nằm trong những nỗ lực do cả hai bên thực hiện để giải quyết hậu quả chiến tranh.

“Chúng ta không thể chối bỏ thực tế rằng cuộc chiến tranh là một thảm họa cho nhiều thế hệ người Việt Nam và người Mỹ,” TNS Leahy viết trong bài xã luận. “Nhưng chúng ta có thể tự hào về cách mà hai nước chúng ta đã cùng hợp tác để vượt qua những hậu quả bi thảm này. Chúng ta đã đi qua một chặng đường dài, và chúng ta sẽ tiếp tục đi nốt chặng đường còn lại.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG