Đường dẫn truy cập

Điều trần tại Hạ viện Mỹ tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền


Chủ tọa buổi điều trần, Dân biểu Chris Smith.
Chủ tọa buổi điều trần, Dân biểu Chris Smith.
Thêm một buổi điều trần diễn ra tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm 4/6 tố cáo thực trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính phủ Việt Nam.

Buổi điều trần “Chính quyền Việt Nam vẫn duy trì chính sách đàn áp” do Tiểu ban phụ trách các vấn đề Y tế-Nhân quyền Toàn cầu, Châu Phi, và các Tổ chức Quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ tổ chức.

Trong lời mở đầu, Chủ tọa buổi điều trần cũng là Chủ tịch Tiểu ban, dân biểu Chris Smith, nhận xét:

“Mặc dù bang giao Việt-Mỹ đã cải thiện đáng kể từ năm 1995 tới nay khi đôi bên bình thường hóa quan hệ song phương, nhưng tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn không cải thiện. Trong khi Hoa Kỳ nâng cấp mậu dịch với Việt Nam thì Hà Nội vẫn tiếp tục vi phạm hàng loạt các nhân quyền căn bản của công dân.”

Đây là hình ảnh Việt Nam hôm nay: một chính quyền tàn bạo và đàn áp có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, thường xuyên đàn áp những người chất vấn các việc làm của nhà nước hay đòi hỏi các giải pháp dân chủ khác.
John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á Châu thuộc Human Rights Watch.
Minh chứng cho nhận định này, dân biểu Smith nói dù Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quyết định bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo CPC năm 2006, Việt Nam vẫn là một trong số các nước vi phạm quyền tự do tôn giáo trầm trọng nhất trên thế giới.

Ông Smith trích báo cáo mới đây của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF nêu rằng Hà Nội vẫn kiểm soát tất cả các cộng đồng tôn giáo, nghiêm cấm và trừng phạt việc sinh hoạt tôn giáo độc lập, và đàn áp các cá nhân hay tập thể nào bị xem là thách thức quyền lực của nhà nước. Ông cũng nhắc lại đề nghị của Ủy ban USCIRF một lần nữa kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Giám đốc Vận động Ban Á Châu thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch John Sifton (Ảnh: HRW.org)
Giám đốc Vận động Ban Á Châu thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch John Sifton (Ảnh: HRW.org)
Trong số các nhân chứng tại buổi điều trần có Giám đốc Vận động Ban Á Châu thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, ông John Sifton. Ông Sifton khẳng định tình hình nhân quyền Việt Nam ngày một xấu đi, hầu như không có một sự cải thiện nào, mà chỉ có thêm án tù.

Ông Sifton phát biểu:

"Đây là hình ảnh Việt Nam hôm nay: một chính quyền tàn bạo và đàn áp có hệ thống các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa, thường xuyên đàn áp những người chất vấn các việc làm của nhà nước hay đòi hỏi các giải pháp dân chủ khác.”

Ông Sifton tố cáo Hà Nội vẫn tiếp tục tống giam các tù nhân chính trị, sách nhiễu các hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đàn áp những người lên tiếng phê phán đảng và nhà nước hoặc tố cáo tham nhũng.

Ông Sifton nói các hành vi bất đồng chính kiến tại Việt Nam luôn bị coi là tội phạm hình sự chiếu theo các điều luật mơ hồ và độc đoán cấm công khai phê phán chính phủ và đảng cộng sản.
please wait

No media source currently available

0:00 0:07:37 0:00
Tải xuống
Dẫn dụ cụ thể, ông Sifton cho biết từ năm 2010 tới nay, số người bị kết án tù vì bất đồng chính kiến một cách ôn hòa tại Việt Nam không ngừng leo thang. Theo thống kê của Human Rights Watch, trong năm 2012 vừa qua có ít nhất 40 trường hợp như thế và chỉ trong nửa đầu năm nay đã có trên 50 người bị kết án trong các phiên toà chính trị, tức cao hơn tổng số của cả năm ngoái.

Thêm vào đó, vẫn theo lời ông Sifton, tình trạng côn đồ sách nhiễu, hành hung những người bất đồng chính kiến cũng liên tục gia tăng. Tại Việt Nam, ngày càng có nhiều trường hợp các nhà hoạt động bị côn đồ hay “quần chúng tự phát” đánh đập mà không được công an can thiệp hay được pháp luật bảo vệ.

Ông Sifton nói lẽ ra tất cả các giới chức quân đội, ngoại giao, hay thương mại của Hoa Kỳ phải đề cập đến vấn đề nhân quyền của Việt Nam khi giao tiếp với Hà Nội, nhưng thực tế cho thấy điều này không xảy ra thường xuyên đúng mức cần thiết.

Các vấn đề về tự do thông tin, tự do báo chí, đàn áp tôn giáo, cưỡng chế đất đai, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người Việt trong nước và người Việt hải ngoại cũng được đề cập đến trong buổi điều trần.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS.
Một nhân chứng khác, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, nêu vấn đề rằng đã 10 tháng qua chính phủ Mỹ vẫn chưa hồi đáp thỉnh nguyện thư với hàng chục ngàn chữ ký gửi Tòa Bạch Ốc yêu cầu bênh vực quyền lợi, tài sản, đất đai của công dân Mỹ gốc Việt bị Hà Nội chiếm đoạt, xâm phạm kể từ sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc.

Tiến sĩ Thắng:

“Thông qua Tiểu ban này, chúng tôi kêu gọi đại diện thương mại của chính phủ Mỹ, trong các cuộc thương lượng với Hà Nội về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi Việt Nam bồi thường cho tất cả công dân Mỹ bị thiệt hại, kể cả công dân Mỹ gốc Việt, đồng thời yêu cầu Hà Nội phải ngừng các hoạt động tịch thu, cưỡng chiếm đất đai.”

Tiến sĩ Thắng cũng kêu gọi Washington đình chỉ tất cả mọi hỗ trợ cho Hà Nội cho đến sau khi các cuộc thương lượng này đạt kết quả.

Đại diện của Human Rights Watch tại buổi điều trần cho rằng Hoa Kỳ phải nhìn sự việc đúng thực chất. Ông Sifton nói kỳ vọng của chính phủ Mỹ rằng các cuộc đối thoại quân sự chiến lược và đàm phán thương mại với Việt Nam có thể khuyến khích Hà Nội thay đổi, cải thiện thành tích nhân quyền là sai lầm và là một phương pháp không hiệu quả vì chính quyền Việt Nam không hề nới lỏng nắm đấm của họ.

Ông Sifton:

“Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đề nghị Tiểu ban này và toàn bộ Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ chất vấn chính quyền của Tổng thống Obama một cách nghiêm khắc về nội dung cuộc đối thoại hiện nay với Việt Nam.”

Mặc dù bang giao Việt-Mỹ đã cải thiện đáng kể từ năm 1995 tới nay khi đôi bên bình thường hóa quan hệ song phương, nhưng tình hình nhân quyền tại Việt Nam vẫn không cải thiện.
Dân biểu Chris Smith.
Human Rights Watch nhấn mạnh đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ cần có hành động trước thái độ bất khoan nhượng kéo dài của Hà Nội chẳng hạn như bỏ qua Việt Nam trong các cuộc đàm phán TPP và các cuộc thương lượng mậu dịch song phương khác cũng như bắt đầu xem lại các hoạt động giao tiếp-hợp tác quân sự với Việt Nam.

Buổi điều trần kết thúc với lời cam kết rằng Tiểu ban phụ trách các vấn đề Y tế-Nhân quyền Toàn cầu, Châu Phi,và các Tổ chức Quốc tế thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề nhân quyền Việt Nam bởi lẽ dân Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn bị đàn áp bởi những kẻ cầm quyền độc tài, tàn bạo là một thực trạng không thể bỏ qua và Hoa Kỳ cần phải đứng về phía những người khao khát tự do, những người phản đối độc tài và đàn áp.

Cuộc điều trần chiều 4/6 nằm trong khuôn khổ hàng loạt các hoạt động trong 2 ngày Tổng vận động Nhân quyền cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ bắt đầu từ hôm 3/6 do Ủy ban Cứu Người Vượt biển BPSOS khởi xướng.

Trong số các nhân chứng tham gia điều trần còn có cựu dân biểu Mỹ gốc Việt Cao Quang Ánh, nhà sư Danh Tol thuộc Giáo Hội Phật Giáo Khmer, một nạn nhân bị đàn áp tôn giáo đã chạy sang Thái Lan lánh nạn sau khi mãn hạn tù vì tranh đấu cho tự do tôn giáo tại Việt Nam, và bà Holly Ngo, công dân Mỹ gốc Việt là nạn nhân bị chính quyền Việt Nam tịch thu tài sản.

Một buổi điều trần kế tiếp sẽ diễn ra hôm nay 5/6 tại Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương cũng thuộc Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Mỹ.

Các giới chức hành pháp trong chính phủ của Tổng thống Barack Obama ra điều trần về “Các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với Việt Nam” bao gồm Quyền Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương, Joseph Yun, và Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Dân chủ-Nhân quyền-Lao động, Daniel Baer, người đã dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ sang Hà Nội đối thoại nhân quyền hôm 12/4 vừa qua.

VOA Express

XS
SM
MD
LG