Đường dẫn truy cập

Di dân ở Mỹ rủ nhau nhập tịch vì lời lẽ bài di dân của các ứng viên tổng thống


Tân công dân cầm cờ Mỹ trong buổi lễ tuyên thệ nhập quốc tịch ở trường đại học quốc tế Florida ngày 6/7/2015.
Tân công dân cầm cờ Mỹ trong buổi lễ tuyên thệ nhập quốc tịch ở trường đại học quốc tế Florida ngày 6/7/2015.

Những lời lẽ bài xích di dân của các ứng viên tổng thống Mỹ, như ông Donald Trump, đang làm cho nhiều người di dân có qui chế thường trú nhân rủ nhau nhập tịch để có thể đi bầu trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Từ Florida, thông tín viên Aru Pande của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Ông Jorge Arana và vợ ông, bà Maria Arana, là cư dân Miami người gốc Peru. Họ đã sống và làm việc ở Mỹ trong 6 năm qua với tư cách thường trú nhân.

Chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm nay và sự chú ý của mọi người tới vấn đề di dân đã làm cho cặp vợ chồng này quyết định nộp đơn xin nhập tịch để có thể đi bầu.

Bà Maria Arana cho biết như sau:

"Tôi muốn tất cả những người di dân ở đây được hợp pháp hóa. Có rất nhiều gia đình bị khổ sở vì bị trục xuất và những em bé bị đau khổ vì cha mẹ của các em phải sống xa nhau. Giải quyết vấn đề này là một việc rất quan trọng".

Số người nhập tịch tăng vọt

Ông Ivan Parra là giám đốc chương trình quốc tịch của Liên minh Di dân Florida, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở chính ở Miami. Ông cho biết năm nay số người muốn trở thành công dân Mỹ đã tăng vọt.

"Năm ngoái, chúng tôi phục vụ khoảng 500 người cho cả năm. Năm nay, chỉ trong hai ngày cuối tuần chúng tôi đã phục vụ cho 400 người".

Con số những người có thể sẽ trở thành cử tri mới ở Mỹ là một con số rất lớn, với gần 9 triệu người hội đủ điều kiện để xin nhập quốc tịch. Riêng ở tiểu bang Florida, con số này là gần 1 triệu người.

Ông Ivan Parra cho biết thêm như sau về những người có thể nộp đơn xin nhập tịch.

"Hàng triệu người ở nước Mỹ hiện giờ đã sẵn sàng để nộp đơn. Họ đã làm việc rất chăm chỉ. Họ trả thuế đầy đủ. Họ nói được tiếng Anh".

Các thường trú nhân, trong đó có nhiều người đã sống ở Mỹ nhiều năm, cần được giúp đỡ để làm thủ tục và một cú huých để thực hiện những bước cuối trước khi họ có thể đi bầu tại quốc gia mà họ đang sinh sống.

Quyền bỏ phiếu

Anh Julio Calderon, người Honduras, thường lui tới văn phòng của Liên minh Di dân Florida để theo dõi việc thực thi một luật lệ năm 2014, theo đó những di dân bất hợp pháp được đóng học phí đại học theo mức của cư dân tiểu bang, là mức thấp hơn rất nhiều so với học phí dành cho sinh viên ngoài tiểu bang.

Là một người di dân không có giấy tờ hợp lệ, anh Calderon hy vọng tất cả những người hội đủ điều kiện để đi bầu hành sử quyền công dân của mình. Anh nói thêm như sau:

"Đối với các ứng cử viên, tôi nghĩ rằng chúng ta có một cơ hội rất lớn để thúc đẩy họ thật sự nói ra những gì mà họ muốn làm và buộc họ phải làm. Chứ không phải chỉ nói mà thôi. Lá phiếu của người gốc châu Mỹ La Tinh rất quan trọng và chúng ta phải yêu cầu họ làm việc với tinh thần trách nhiệm".

Với việc những người di dân bất hợp pháp tiếp tục bị trục xuất hàng loạt và những lời đe dọa của các ứng cử viên đòi hạn chế gắt gao số người được vào nước Mỹ, nhiều người ở Florida nói rằng những người có thể đi bầu hành xử quyền bỏ phiếu là một việc quan trọng hơn lúc nào hết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG