Đường dẫn truy cập

Đề xuất xây tường chặn di dân bằng tiền di dân


Ảnh tư liệu - Bức tường biên giới chia tách 2 khu vực Tijuana, Mexico và San Diego, Hoa Kỳ.
Ảnh tư liệu - Bức tường biên giới chia tách 2 khu vực Tijuana, Mexico và San Diego, Hoa Kỳ.

Tại cuộc gặp 45 phút với Tổng thống Donald Trump ở Tòa Bạch Ốc, hôm 4/4, dân biểu Dana Rohrabacher, đại diện tiểu bang California, đề xuất ý tưởng thu phí 1 triệu đô la người nào muốn trở thành công dân Mỹ. Và nếu ai nộp đủ số tiền này, họ sẽ thành ‘dân Mỹ’ trong vòng 2 năm.

Đối tượng mà ông Rohrabacher nhắm tới là con số trung bình hàng năm có 50,000 người, chủ yếu từ Đông Âu và Châu Phi, được sang Mỹ định cư qua chương trình xổ số di dân. Những người này phải tốt nghiệp trung học và xuất thân từ một đất nước có ít di dân tới Hoa Kỳ. Khác với hàng trăm ngàn visa khác mà Mỹ cấp mỗi năm như diện đoàn tụ gia đình hay diện lao động có tay nghề cao hoặc trong các ngành nghề Mỹ cần nhân lực, chương trình xổ số visa này là chương trình duy nhất dựa trên ý muốn của người ‘trúng giải’ sẵn sàng phủi bỏ tất cả mọi thứ để di cư sang Mỹ.

Dân biểu Rohrabacher nói chương trình visa lựa chọn ngẫu nhiên nên chấm dứt, thay vào đó, ai muốn tới Mỹ phải trả tiền, và số tiền đó sẽ dùng để xây tường thành biên giới với Mexico theo kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm ngăn di dân lậu tràn vào Mỹ. Để hiện thực hóa ý tưởng này, cần có luật, tuy nhiên, dân biểu Rohrabacher cho biết ông chưa hoàn tất soạn thảo.

Ý tưởng xây tường chặn di dân từ tiền của di dân đang gây tranh cãi trong cộng đồng di dân người Việt tại Hoa Kỳ.

Anh Nguyễn Văn Thắng, một chủ tiệm nail tại Florida, nói: “ Đây là một câu chuyện thật hài hước. Họ nói muốn ngăn chặn di dân, bảo vệ nước Mỹ, nhưng thực tế cái gì họ cũng dựa vào di dân. Từ những công việc nặng nhọc như xây dựng đường xá, nhà cửa, dọn dẹp môi trường cho tới những dịch vụ nhà hàng, làm đẹp. Bây giờ không có tiền để xây bức tường như tuyên bố trước đây thì đối tượng đầu tiên mà người ta nghĩ tới để cầu cứu lại cũng là… di dân.”

“Như vậy là giành quyền ưu tiên cho những người có tiền. Nước Mỹ từ khi được thành lập đến nay qua hàng trăm vẫn tự hào là quốc gia đi đầu trong tự do và công bằng xã hội. Nếu ý tưởng này được thực thi thì rõ ràng nó đã đi ngược lại những giá trị cốt lõi của nước Mỹ. Chẳng lẽ nước Mỹ thiếu tiền đền mức phải làm những chuyện đó hay sao,” ông Đỗ Văn Toàn, chủ tiệm 99 cent tại Phoenix, bang Arizona, nêu thắc mắc.

Chị Nguyễn Vân Hà, một di dân mới tới Mỹ và hiện đang sinh sống tại California, chia sẻ suy nghĩ: “Những người có tiền, đóng góp nhiều cho nước Mỹ thì tất nhiên là họ có quyền được ưu tiên. Nhưng chẳng ai dám chắc, sau khi trở thành công dân Mỹ, họ sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn những người nhập cư chăm chỉ lao động. Mà nếu chỉ toàn người có tiền, thì lấy ai đảm trách những công việc của những người lao động hiện nay. Tôi chắc rằng những người Mỹ bản địa sẽ không có nhiều người làm những công việc chân tay đó đâu.”

Nước Mỹ là thỏi nam châm thu hút di dân từ khắp thế giới với cụm từ “Giấc mơ Mỹ” đã tồn tại từ nhiều thập kỷ nay, nơi các quyền tự do-dân chủ luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng có thể nói ngược lại, nước Mỹ có được vị thế dẫn đầu hiện nay cũng nhờ vào những đóng góp rất quan trọng từ các cộng đồng di dân. Vì thế, khi gặp khó khăn về tài chính trong việc xây dựng tường thành với Mexico, xuất hiện ý tưởng tìm kiếm nguồn quỹ từ những di dân giàu có không phải là chuyện đáng ngạc nhiên. Theo dân biểu Dana Rohrabacher, có vẻ như Tổng thống Trump khá hứng thú với ý tưởng này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG