Đường dẫn truy cập

Dân vận là thế này ư?


Lễ khai mạc kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XIII tại Hà Nội , ngày 20/5/2013.
Lễ khai mạc kỳ họp thứ năm của Quốc hội khóa XIII tại Hà Nội , ngày 20/5/2013.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương đảng CS khóa XI đã bế mạc. Thông báo kết quả vẫn theo công thức rất cũ: nhất trí cao, với tinh thần dân chủ, ý thức trách nhiệm, phát huy trí tuệ và đạt kết quả tốt đẹp.

Trong diễn văn khai mạc cũng như diễn văn bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc rất nhiều đến chữ nhân dân, chỉ rõ mối quan hệ then chốt, sinh tử ấy đang có nhiều vấn đề gay gắt kéo dài, từ chênh lệch giàu nghèo mở rộng, bất công lan tràn, nông dân nổi giận, bộ máy nặng nề quan liêu ‘ hành dân’ , nạn tham nhũng dai dẳng bất trị, nạn thất nghiệp gia tăng, xã hội mất ổn định, tội phạm và tiêu cực hoành hành.

Tuy chữ «dân» được nhắc đi nhắc mấy chục lần trong diễn văn, nghị quyết, nêu bật các khẩu hiệu dân vận, như: phải «thật sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân», «việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm thật tốt, điều gì có hại cho dân thì hết sức tránh», nhưng không thấy đưa ra được một biện pháp cụ thể nào để có thể lấy lại niềm tin đã mất của người dân.

Ngược lại, trong khi họp cũng như ngay trước và sau cuộc họp, các cuộc đàn áp thô bạo và xử án người dân yêu nước họp dã ngoại để cùng nhau trao đổi ý kiến về nhân quyền, rồi việc kết án một cách ngang ngược 2 sinh viên yêu nước chống bành trướng Đinh Nguyên Kha 8 năm và Nguyễn Phương Uyên 6 năm tù giam là những hành động khiêu khích công luận, khiêu khích toàn xã hội, khiêu khích thế giới dân chủ. Phải chăng đó là những hành động tiêu biểu cho chính sách dân vận mới? Như vậy chỉ làm cho mối quan hệ giữa đảng CS và người dân đã rất xấu càng tồi tệ thêm.

Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng báo trước rằng Ban dự thảo Hiến pháp tiếp thu có chọn lọc 26 triệu ý kiến của cử tri, để rồi một mực giữ hầu như nguyên bản dự thảo đã bị hàng vạn trí thức tiêu biểu phủ định với lý lẽ vững chắc, cũng là một biểu hiện của chính sách «trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân» đó ư ?

Rõ ràng Bộ Chính trị, dù là gồm 14 hay 16 người, vẫn một mực giữ thái độ xa dân, khinh dân, đi ngược lòng dân, chống lại dân. Khi dân kiên quyết chống bành trướng, kiên quyết đòi quyền tự do, đòi xây dựng Hiến pháp và pháp luật tiến bộ, đòi chống tham nhũng thật sự, thì Bộ Chính trị một mực kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin đã bị cả thế giới đào thải, kiên định chế độ một đảng cực kỳ lạc hậu, phản tiến hóa, kiên định thái độ hèn với giặc, ác với dân. Ông Nguyễn Thiện Nhân vừa vào Bộ Chính trị đã phải sang ngay Bắc Kinh trình diện trấn an thiên triều, xóa bỏ ngay cái nhãn hiệu được đào tạo ở Mỹ, có ý thức cởi mở với phương Tây, giữ khoảng cách với bành trướng.

Xin hỏi tất cả các trí thức chuyên gia có trình độ và tâm huyết với ngành giáo dục về cống hiến của ông Nhân khi làm bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem ông đã cống hiến được gì, đã có chút thành tựu dù nhỏ ra sao đối với nền giáo dục cũ kỹ, chạy theo thành tích, chạy theo thi cử, sùng bái bằng cấp, hủ lậu, hình thức. Suốt thời kỳ làm bộ trưởng, ông một mực duy trì nền giáo dục không có thực chất, không thực học, thực chứng, xa thực tế. Ông là một bộ trưởng bất lực nhất, kém chuyên môn nhất, thất bại hiển nhiên trong ngành chuyên môn của mình, chỉ giỏi vâng dạ đối với cấp trên, lại được lên phó thủ tướng và nay được đội vương miện của một ông vua trong Bộ Chính trị. Văn bằng từ Đại học Harvard của ông không mảy may có giá trị thực chứng.

Còn bà Nguyễn Thị Kim Ngân ư? Xin hỏi giới chuyên gia kinh tế -tài chính-ngân hàng trong nước thì rõ. Bà Ngân có «công» từ khi làm giám đốc sở tài chính tỉnh Bến Tre, được ra Trung ương làm thứ trưởng Bộ Tài chánh, dính sâu với «Kim và Ngân», tiền nong và vàng bạc, rồi làm thứ trưởng Bộ Thương mại, cũng dính sâu vào tiền nong và hàng hóa, xuất nhập cảng. Sau đó bà Ngân làm bộ trưởng Bộ Lao động – Xã hội, thành tích, nếu có, nổi rõ nhất là thả lỏng để hàng vạn lao động Trung Quốc tràn vào Việt Nam suốt từ 6 tỉnh biên giới phía Bắc xuống Hải Phòng, vào Thanh Hóa, tràn lên Tây Nguyên, xuống tận Sóc Trăng, Cà Mau, với những thị trấn Tàu, hàng hiệu Tàu, chợ Tàu, khu gia cư của người Tàu. Bà cũng chịu trách nhiệm chính về nạn xuất khẩu lao động cực kỳ tai tiếng, bất nhân, kiểu buôn người, đem con bỏ chợ, cũng như nạn thất nghiệp tăng nhanh. Đó là những «thành tích nổi bật nhất» phục vụ đảng, để bà lên chức phó chủ tịch Quốc hội, nay được vào Bộ Chính trị.

Chế độ này thưởng công rất hậu cho những ai từng giữ các chức vụ cao trong ngành tài chính - ngân hàng. Các quan lớn CS ở VN phạm tội biển thủ công quỹ cho đảng và cho mình như thế, từng lộng hành trong ngành tài chính – ngân hàng, có thể điểm danh hàng loạt là: ông Nguyễn Sinh Hùng từng tiến thân từ vụ trưởng Vụ Ngân sách, rồi thứ trưởng Tài chính, rồi bộ trưởng Tài chính, rồi phó thủ tướng đặc trách kinh tế - tài chính - ngân hàng, để lên đến đỉnh cao là chủ tịch Quốc hội; ông Vũ Văn Ninh cũng từ thứ thưởng Tài chính rồi lên làm bộ trưởng Tài chính, nay là phó thủ tướng chuyên trách kinh tế - tài chính - ngân hàng; ông Vương Đình Huệ là bộ trưởng tài chính; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng là thống đốc Ngân hàng Nhà nước; các thống đốc ngân hàng nhà nước khác như Lê Đức Thúy, Nguyễn Văn Giàu (hiện là phó chủ tịch Quốc hội), Nguyễn Văn Bình; và còn có Đại tá Công an Lương Ngọc Anh bị nước Úc chỉ mặt từng dính dáng đến vụ nhận hối lộ 10 triệu đôla trong vụ Securency.

Đây là kiểu biển thủ đặc biệt, đại quy mô, từ ngân sách quốc gia do thu thuế, từ 2 nguồn viện trợ và đầu tư ngoại tệ lớn là ODA (Official Development Assistance) và FDI (Foreign Direct Investment) - mỗi năm hàng vài chục tỷ đôla - do các quan chức tài chính ngân hàng thu nhận và phân phối, Bộ Chính trị âm thầm phê duyệt, sau lưng chính phủ, sau lưng Quốc hội, được Ban Kiểm tra Trung ương Đảng nhắm mắt làm lơ với sự đồng lõa của viên chức đảng đóng vai Tổng kiểm toán nhà nước.

Tội biển thủ khổng lồ vô vàn tiền, đôla, vàng… của các quan chức đảng được thơ văn của các blog tự do gọi là «chặt đẹp, cắt, xẻo, thiến, múc» tài sản công, thực tế là cưỡng chiếm mồ hôi nước mắt của dân lao động và trí thức nước ta. Đã có vô kể triệu phú đôla mới trong hàng ngũ quan chức CS thời đổi mới và hội nhập, đàn sâu tệ hại nhất bòn rút tận xương tủy của toàn dân ta.

Đã có nhóm dân chủ yêu nước nào lập danh sách các tội phạm bán nước và biển thủ cỡ đầu sỏ để xử lý theo lòng dân trong thời kỳ hậu Cộng sản sẽ tới, như ở Đông Âu hơn 20 năm trước chưa? Để thêm kinh nghiệm, họ có thể tham khảo vụ án Tổng Bí thư Erich Honecker của Đảng Thống nhất Xã hội chủ nghĩa Đông Đức bị tòa án Cộng hòa Liên bang Đức xét xử về tội biển thủ công quỹ sau ngày nước này thống nhất với Cộng Hòa Dân chủ Đức. Việc lập một danh sách như vậy, ngay từ bây giờ, là việc rất nên làm.

Công tác «dân vận» của đảng hiện nay là thế, nghĩa là làm ngược lại với phương châm trong nghị quyết dân vận là «kiên quyết làm mọi điều dân muốn, không làm bất cứ điều gì dân không muốn», thành ra là «kiên quyết làm mọi điều dân không muốn - nhưng ta muốn vì có lợi cho địa vị, bản thân và gia đình của ta», như hèn với giặc, buông lỏng chống tham nhũng, và kiên quyết không làm điều dân muốn là chống bành trướng và quét thẳng tay bầy sâu tham nhũng lớn, minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Nhân dân luôn đánh giá đảng từ việc làm, không từ phương châm trên giấy. Làm «dân vận» như lãnh đạo đảng đang làm - bổ sung vào cơ quan lãnh đạo 2 nhân vật «có công» như trên, sửa đổi Hiến pháp theo kiểu «hiếp dân», dự định thay tên nước kiểu cưỡng bách để trở về với cái tên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có danh mà không có thực chất, lại mang nhiều tiếng xấu, đàn áp độc ác các thanh niên yêu nước chống bành trướng được toàn dân yêu mến - thì chỉ tổ làm cho toàn dân, từ lao động, nông dân đến trí thức dân tộc, nhà kinh doanh vừa và nhỏ, và cả đông đảo đảng viên CS ở cơ sở… thêm căm giận, phẫn nộ.

«Dân vận» như thế chỉ là tự diệt.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG