Đường dẫn truy cập

Vụ án và đạo luật Magnitsky


Luật sư nhân quyền Nga Sergei Magnitsky
Luật sư nhân quyền Nga Sergei Magnitsky
Quan hệ Hoa Kỳ - Nga đang trở nên khá căng thẳng.

Bất chấp những lời đe dọa và hành động ngăn cản ráo riết của bộ ngoại giao Nga, ngày 12/4/2013 Hoa Kỳ đã công bố danh sách 18 quan chức Nga sẽ không được cấp thị thực vào Hoa Kỳ và tài sản của họ trên đất Hoa Kỳ bị phong tỏa. Lý do? Họ bị Washington cáo buộc có dính dáng đến cái chết của Luật sư nhân quyền Nga Sergei Magnitsky trong một nhà tù ở Moscow tháng 11 năm 2009.

Vụ án Magnitsky khởi đầu từ năm 2008 khi Luật sư Sergei Magnitsky, lúc ấy 38 tuổi, tự đặt cho mình nghĩa vụ công dân chống bất công xã hội, tự mở cuộc điều tra thu lượm tài liệu, chứng cứ và công bố tình hình tham nhũng và gian lận, trốn thuế trong lãnh vực thuế khóa, cho rằng trong năm 2008 số tiền bị biển thủ, thất thu về thuế đã lên đến con số 250 triệu đôla. Ông cho biết ông có thể nêu tên một số quan chức các cấp của Nga đã phạm tội nếu chính quyền thật tâm chống tham nhũng.

Thế là ông bị bắt giam về tội «vu cáo và trốn thuế», nghĩa là về chính cái tội mà ông tố cáo. Dù bị cách ly, biệt giam, ông báo tin cho gia đình và bạn thân biết ông bị tra tấn, bị ốm nhưng không được chăm sóc thuốc thang, có thể chết bất cứ lúc nào. Cả một phong trào của các nhà dân chủ toàn nước Nga nổi lên bênh vực ông, ngăn chặn việc mở phiên tòa phi pháp để vu cáo, kết tội ông. Thế rồi ngày 16/11 năm 2009 ông chết trong tù vì ốm nặng không được chữa chạy. Chế độ toàn trị của Tổng thống Putin hí hửng đã trừ được con người gây rối cho công việc làm ăn kiếm chác của họ.

Cái chết của Luật sư Sergei Magnitsky làm dấy lên một phong trào đòi công bằng, đề cao luật pháp công minh và chống tham nhũng, trong đó nổi lên tên tuổi bà Lyudmila Alexeyeva, đứng đầu Nhóm nhân quyền Helsinski, tự đảm nhận nhiệm vụ đòi công lý cho nạn nhân Magnitsky, tiếp tục công việc dở dang của ông, kết hợp với tranh thủ dư luận quốc tế trong vụ này.

Tháng 11 năm 2012, một doanh nhân Nga tên Alexander Perepilichnaya, 44 tuổi, bị đột tử, chưa tìm ra nguyên nhân, sau khi xin lánh nạn trong 3 năm ở London, Anh Quốc. Trước đó ông cho biết ông là bạn thân của Luật sư Magnitsky, ông có bằng chứng về cái chết của ông Magnitsky cũng như ông có cả một danh sách những tên mafia Nga có tài sản bất minh ở nước ngoài, đặc biệt là ở Thụy Sỹ.

Các sự kiện trên thúc đẩy dư luận và cà chính giới Hoa Kỳ chú ý thêm đến việc lành mạnh hóa nền tài chính quốc tế, đẩy mạnh cuộc đấu tranh cho nhân quyền, thôi thúc Hoa Kỳ tham gia bài trừ những tài sản bất minh gửi trên đất Hoa Kỳ.

Tháng 12 năm 2012, Tổng thống Barack Obama ký ban hành đạo luật mang tên «Luật Magnitsky» được Quốc hội thông qua, với nội dung từ chối cấp thị thực nhập cảnh và trừng phạt về tài chính các giới chức Nga bị tố cáo là vi phạm nhân quyền. Danh sách các giới chức này sẽ được loan báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các sân bay, cửa khẩu…Đây là một quyết định mạnh mẽ, công khai theo hướng bảo vệ nhân quyền quốc tế của cả lập pháp và hành pháp Hoa Kỳ.

Moscow giật mình. Lập tức Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov dọa sẽ trả đũa nếu như Hoa Kỳ công bố danh sách nói trên, coi đó là can thiệp vào nội bộ của nước Nga. Chính quyền Nga còn đình chỉ việc cho công dân Hoa Kỳ nhận con nuôi từ Nga.

Lời đe dọa của Nga không có mảy may trọng lượng. Sáng 12 tháng 4 vừa qua Washington công bố tên tuổi 18 giới chức Nga từ nay sẽ bị cấm cửa vào Hoa Kỳ, tài sản của họ trên đất Hoa Kỳ, nếu có, sẽ bị phong tỏa, xem xét. Trong số các giới chức này có Pavel Karpov, cán bộ an ninh cấp cao chịu trách nhiệm điều tra vụ án Sergei Magnitsky; Dmitry Komnov, cựu giám đốc nhà tù Moscow nơi từng giam giữ ông Magnitsky; Leche Bogatirov, kẻ từng ám sát đối thủ của cựu tổng thống Chechnya; Kazbek Dukuzov, tội phạm trong vụ hạ sát nhà báo Hoa Kỳ Paul Klebnikov ở Moscow năm 2004; một số thẩm phán và đại diện viện kiểm sát Nga tham gia các phiên tòa bỏ túi…Moscow phản ứng hình thức bằng cách công bố một số tên công dân Hoa Kỳ không được nhập cảnh vào Nga.

Vụ án Sergei Magnisky ở Nga và Luật Magnitsky trên đất Mỹ thật lý thú và bổ ích đối với người Việt Nam. Lại đúng vào lúc đang có cuộc đối thoại Việt Nam - Hoa Kỳ về Nhân quyền, và những phiên tòa cưỡng ép ô nhục kiểu cường hào. Cũng vào lúc này, có tin không ít giới chức tư bản đỏ trong nước gửi con cái, vốn liếng, tiền nong tước đoạt được ra nước ngoài, sang Hoa Kỳ, Canađa, Úc, châu Âu…

Một số nghị sỹ Hoa Kỳ như dân biểu Chris Smith vừa yêu cầu đặt Việt Nam vào số các nước cần quan tâm đặc biệt CPC (Countries of Particular Concern) ; một số dân biểu còn yêu cầu cảnh cáo nghiêm khắc bằng nhiều biện pháp chế tài có hiệu lực nếu Hà Nội vẫn chây ỳ.

Có thể sẽ có «Luật Cù Huy Hà Vũ» hay «Luật Đoàn Văn Vươn» trên đất Hoa Kỳ và châu Âu, giống như «Luật Magnitsky» vậy. Có thể lắm chứ. Điều quan trọng là đông đảo kẻ sỹ dân tộc chúng ta, hàng ngũ ngành luật học yêu chuộng công lý, anh chị em chiến sỹ dân chủ cùng phần lớn nhân dân ta muốn và hành động.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG