Đường dẫn truy cập

Đàm phán Ấn Độ-Pakistan ở New York không gây ấn tượng


Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) bắt tay Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, 29/9/13
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải) bắt tay Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York, 29/9/13
Cuộc họp được chờ đợi nhiều tại New York giữa 2 vị thủ tướng của Ấn Ðộ và Pakistan hôm qua đã nhận được phản ứng lẫn lộn bên trong 2 nước này. Theo tường thuật của Thông tín viên VOA Ayaz Gul thì mặc dù một số người gợi ý rằng nó có thể đã giúp xoa dịu căng thẳng quân sự đang sôi sục tại Kashmir, những người khác cho rằng chỉ có một cuộc đối thoại vững bền và có thực chất về cách giải quyết các vụ tranh chấp song phuơng đã kéo dài mới có thể cải thiện được bang giao.

Như nhiều người đã chờ đợi, cuộc họp giữa Thủ tướng Manmohan Singh của Ấn Ðộ với đối tác Pakistan là thủ tướng Nawaz Sharif, không đưa đến loan báo nào quan trọng ngoài việc hai nhà lãnh đạo đồng ý chỉ thị cho các vị tư lệnh quân đội tiến hành các biện pháp phục hồi cuộc ngưng bắn trong khắp vùng biên giới Kashmir có tranh chấp.

Giới chỉ trích ở Pakistan, như cựu đại sứ Hoa Kỳ Sherry Rehman, đã hạ giảm tầm quan trọng của sự kiện này. Bà nhấn mạnh rằng thậm chí ngày tháng của cuộc họp các vị tư lệnh quân đội theo đề xuất vẫn chưa được loan báo. Nhưng bà Rehman không đi đến mức gọi đó là một cơ hội bỏ lỡ. Bà nhận định:

“Không có kết quả nào cho các sáng kiến hòa bình rộng lớn hơn. Nhưng có một sự đồng thuận về việc đừng leo thang vụ khủng hoảng tại Kashmir, vốn là một vòng xoáy bạo động nguy hiểm cần phải được cả hai bên kiểm soát bằng các cơ chế biên giới hữu hiệu. Ðây là các cơ chế thực sự phải được áp dụng trong bất cứ trường hợp nào. Vì thế họ cần phải xúc tiến thêm. Do đó ta vẫn tiếp tục trở lại với tình trạng từ ban đầu.”

Tại Ấn Ðộ, các chuyên gia phân tích đã tỏ ý lạc quan hơn một chút, và hy vọng các cuộc đàm phán sẽ đưa đến các cuộc họp thường kỳ hơn có thể có tác dụng khắc phục sự mất tin cậy chung giữa hai bên.

Ông Uday Bhaskar làm việc cho Hội Nghiên cứu Chính sách tại New Dehi:

“Họ gặp nhau bên lề Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Và trong một vùng như Nam Á, giới lãnh đạo cấp cao nhất phải gặp nhau nhiều hơn và theo một cách có thể coi như “bình thường” và nhờ đó gia tăng mức độ thoải mái của các cuộc giao tiếp cá nhân này. Tôi cho rằng điều đó đã được thỏa mãn hay mục tiêu đó đã đạt được. Về mặt thực chất, sự kiện cả hai nhân vật nay đã giao nhiệm vụ cho các tổng giám đốc hoạt động quân sự của nhau để cứu xét Lằn ranh Kiểm soát cũng là một bước nhỏ nhưng tôi vẫn mô tả đó là một bước tích cực.”

Các nhà lãnh đạo Ấn Ðộ khẳng định rằng họ muốn có bang giao tốt đẹp hơn với Pakistan để thao luận những vụ tranh chấp lãnh thổ còn tồn đọng, kể cả vụ Kashmir. Nhưng họ cho biết Islamabad phải có biện pháp ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố ở Ấn Ðộ.

Trong bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc hôm thứ bảy, ông Singh gọi Pakistan là “tâm chấn của chủ nghĩa khủng bố” ở Nam Á và nói rằng giới hữu trách phải có một lập trường cứng rắn hơn để chống lại với các tổ chức khủng bố bên trong đường biên giới của họ. Ông Sharif còn tỏ ra lạc quan hơn trong bài phát biểu trước Liên Hiệp Quốc, và kêu gọi “một khởi đầu mới” với Ấn Ðộ.

Ông Uday Bhaskr nói giải quyết các mối quan ngại về an ninh đã trở thành vấn đề quan trọng nhất các cuộc đàm phán giữa hai nước. Ông nói:

“Ðối với Ấn Ðộ, tôi nghĩ thuần về các thách thức an ninh, tôi phải nói rằng đây là ưu tiên hàng đầu và vài tháng sắp tới sẽ rất quan trọng trong việc đạt được một khái niệm về việc cam kết của ông Nawaz Sharif đang biến thành hành động ra sao.”

Trong số các vấn đề an ninh khác, các giới chức Ấn Ðộ cũng yêu cầu Pakistan tăng tốc các phiên xử nhiều nghi can có liên hệ đến việc hoạch định và tiến hành các vụ tấn công khủng bố năm 2008 ở Mumbai. Nhưng cựu đại sứ Rehman nói cả hai bên cần phải tránh đưa ra các điều kiện để có được một quan hệ song phương bình thường.

“Tôi nghĩ chúng ta thực sự cần phải tiến tới việc tìm ra một giải pháp cho vụ Mumbai, nhưng ta không thể tiếp tục đề ra các điều kiện liên tục và rồi vẫn cứ nói rằng chúng ta trông đợi một kết quả tốt.”

Ðảng của thủ tướng Singh đứng trước các cuộc bầu cử sớm vào đầu nam tới, và phải đối mặt với sự thách thức của các đảng Ấn giáo ủng hộ một lập trường cứng rắn hơn với Pakistan. Những người hoài nghi nói những áp lực chính trị như thế có thể gây khó khăn cho việc giao tiếp đối với nhà lãnh đạo Ấn Ðộ trong đoản kỳ. Nhưng cuộc họp hôm qua có thể đã dọn đường cho những tiến bộ cụ thể hơn trong những tháng sắp tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG