Đường dẫn truy cập

Đại sứ Trung Quốc bị Quốc hội Anh cấm cửa


Đại sứ Trung Quốc tại Anh Trịnh Trạch Quang, khi còn là thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc trong bức ảnh chụp ngày 18/12/2014 tại một cuộc họp ở Chicago, đã bị cấm tham dự một sự kiện ở Hạ viện Anh vì các lệnh trừng phạt mà Trung Quốc đang áp dụng cho các thành viên của Quốc hội .
Đại sứ Trung Quốc tại Anh Trịnh Trạch Quang, khi còn là thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc trong bức ảnh chụp ngày 18/12/2014 tại một cuộc họp ở Chicago, đã bị cấm tham dự một sự kiện ở Hạ viện Anh vì các lệnh trừng phạt mà Trung Quốc đang áp dụng cho các thành viên của Quốc hội .

Đại sứ Trung Quốc tại Anh bị cấm tham dự một sự kiện tại quốc hội Anh vì Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lập pháp Anh do đã cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 9 chính trị gia, luật sư và một học giả của Anh hồi tháng 3 vì đã truyền bá những gì mà Bắc Kinh cho là "dối trá và sai lệch" về cách đối xử của họ với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở vùng viễn tây của Trung Quốc.

Ông Lindsay Hoyle, chủ tịch Hạ viện Anh, và ông John McFall, Chủ tịch Thượng viện Anh, đã ngăn không cho ông Trịnh Trạch Quang được phát biểu tại một sự kiện ở quốc hội.

"Tôi thường xuyên tổ chức gặp gỡ với các đại sứ từ khắp nơi trên thế giới để thiết lập các mối quan hệ lâu dài giữa các quốc gia và các nghị sĩ," ông Hoyle nói.

"Nhưng tôi cảm thấy không thích hợp khi để đại sứ Trung Quốc đến gặp mặt tại Hạ viện và tại nơi chúng tôi làm việc khi đất nước của ông ấy áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số thành viên của chúng tôi," chủ tịch Hạ viện Anh cho biết.

Người phát ngôn đại sứ quán Trung Quốc đã chỉ trích động thái này.

"Hành động đê tiện và hèn nhát của một số cá nhân trong Quốc hội Vương quốc Anh nhằm cản trở trao đổi và hợp tác thông thường giữa Trung Quốc và Vương quốc Anh vì lợi ích chính trị cá nhân là đi ngược lại mong muốn và có hại cho lợi ích của nhân dân cả hai nước", một tuyên bố của phía Trung Quốc cho biết.

Ông Hoyle cho biết ông không cấm đại sứ Trung Quốc vĩnh viễn, mà chỉ trong thời gian các lệnh trừng phạt của Bắc Kinh vẫn còn hiệu lực.

Chủ Khối Nghị sĩ Liên đảng về Trung Quốc, Richard Graham, hồi mùa hè đã mời ông Trịnh đến tham dự sự kiện, theo ghi nhận của tờ Daily Telegraph.

Ông Graham không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. Khối Nghị sĩ Liên đảng về Trung Quốc từ chối bình luận.

Trung Quốc đã trừng phạt 5 nhà lập pháp Anh, trong đó có cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ, Iain Duncan Smith, và Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội, Tom Tugendhat.

Các cá nhân bị áp lệnh trừng phạt và gia đình họ bị cấm vào lãnh thổ Trung Quốc, và công dân và tổ chức của Trung Quốc bị cấm giao dịch kinh doanh với họ.

Trung Quốc có hành động này sau khi Anh, Mỹ, Liên minh châu Âu và Canada áp đặt các biện pháp trừng phạt song song đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc bị cáo buộc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Vào thời điểm các lệnh trừng phạt được áp đặt, Anh đã lên án động thái này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kiềm chế những lời chỉ trích.

London và Bắc Kinh đã lời qua tiếng lại về một loạt vấn đề, bao gồm các cải cách của Trung Quốc ở Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh, và chính sách thương mại của Trung Quốc.

Các nhà hoạt động và các chuyên gia về quyền của Liên Hợp Quốc cho biết ít có nhất một triệu người Hồi giáo bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây cáo buộc Trung Quốc sử dụng các hình thức tra tấn, cưỡng bức lao động và triệt sản.

Trung Quốc nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc lạm dụng và nói rằng các trại của họ là các trung tâm dạy nghề và là cần thiết để chống chủ nghĩa cực đoan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG