Đường dẫn truy cập

Cuộc đại chiến cá tra


Cuộc đại chiến cá tra
Cuộc đại chiến cá tra

Gần đây ở Việt Nam xảy ra một cuộc chiến thú vị. Tạm gọi là “cuộc đại chiến cá tra”. Nghe có vẻ tầm thường nhưng nó liên quan tới một ngành sản xuất hết sức quan trọng của đất nước là ngành nuôi cá tra (pangasius) với giá trị xuất khẩu năm 2009 là 1.3 tỉ USD và năm 2010 dự kiến là 1.5 tỉ USD. Ngoài việc thu về nguồn ngoại tệ cho đất nước, ngành này cũng cung cấp công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn hộ gia đình ở Việt Nam.

Giới doanh nghiệp Việt Nam đã quen dần với những thủ đoạn được dùng trong chiến tranh thương mại giữa các nước. Được nhắc đến nhiều nhất là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để đẩy các sản phẩm sản xuất từ Việt Nam vào diện bán phá giá (và vì thế phải chịu mức thuế trừng phạt được gọi là thuế chống bán phá giá). Tuy nhiên, phổ biến hơn có lẽ là việc áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn về chất lượng, chứng chỉ nguồn gốc, chứng chỉ phương pháp sản xuất tốt, chứng chỉ về tác động hạn chế đến môi trường - còn gọi là bền vững (sustainable). Các loại chứng chỉ này ngày càng nhiều, và chúng được gọi chung là các “rào cản kỹ thuật”.

Liên quan đến cuộc đại chiến cá tra, Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên (World Wild Fund, viết tắt là WWF) hồi cuối tháng 11 vừa rồi đã có một động thái gây ra phản ứng kịch liệt từ phía các nhà sản xuất cá tra cũng như từ phía chính quyền Việt Nam. Thủ lĩnh được nhắc đến nhiều nhất trong cuộc chiến này là các đại diện của các nhà sản xuất như VASEP – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vietnam Association of Seafood Exporters and Producers), VINAFIS – Hiệp hội Nghề cá Việt Nam (Vietnam Fisheries Society), và ICAFIS – Trung tâm Điều phối Quốc tế về Nuôi trồng và Đánh bắt Bền vững (International Collaborating Centre for Aquaculture and Fisheries Sustainability). ICAFIS là một cánh tay do VINAFIS lập ra.

Từ nhiều năm nay, một số văn phòng WWF ở châu Âu vẫn thường xuất bản và phát các tờ rơi hướng dẫn người tiêu dùng về việc lựa chọn các thủy - hải sản. Nội dung chính của các tờ rơi này là một bảng phân loại 3 màu, theo đó các sản phẩm trong nhóm màu xanh là các sản phẩm WWF khuyên dùng vì chất lượng và phương pháp nuôi trồng hoặc đánh bắt thân thiện với môi trường. Các sản phẩm trong nhóm vàng là các sản phẩm WWF khuyên nên cân nhắc kỹ trước khi dùng. Còn các sản phẩm trong nhóm màu đỏ là các sản phẩm WWF khuyến cáo không nên dùng vì chất lượng và việc nuôi trồng hoặc đánh bắt không bền vững, có hại cho môi trường.

Việc đặt cá tra của Việt Nam vào danh mục đỏ sẽ gây bất lợi cho ngành xuất khẩu này. Mức độ thiệt hại của phía Việt Nam trước động thái đó của WWF như thế nào thì chưa có ai tính ra cụ thể. Tuy nhiên, với doanh số xuất khẩu lên tới 1,5 tỉ USD mỗi năm, và phần lớn nằm ở thị trường châu Âu, thiệt hại của các nhà sản xuất Việt Nam có thể nói là không nhỏ.

Nếu hệ thống xếp hạng này dựa trên một hệ thống chuẩn mực khách quan được công bố rộng rãi và phương pháp đánh giá xếp hạng cũng chính xác và công khai thì đã không xảy ra chuyện. Năm 2009 WWF đã xếp cá tra của Việt Nam vào danh sách màu vàng, và theo nhiều chuyên gia trong ngành, hoạt động nuôi trồng cá tra ở Việt Nam đang tiến triển theo chiều hướng tốt dần lên. Chính vì thế, kết quả xếp hạng mới khiến Việt Nam bất ngờ. Hơn nữa, khi đưa ra xếp hạng này, WWF đã không công bố các báo cáo phân tích để chứng minh tính minh bạch của kết quả xếp hạng (cho mãi tới về sau này khi bị chỉ trích quá mạnh).

Trên thực tế thì WWF là một NGO và các tổ chức NGO kiểu này tồn tại một phần dựa trên các nguồn tiền tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, và tổ chức. Vì thế, cũng không lạ là trong một số trường hợp thì các tổ chức như vậy có vẻ như có các agenda trùng khớp với hoạt động bảo hộ thương mại. Không nói đâu xa, ngay trong tờ rơi của WWF Thụy Sĩ cũng viết rất rõ ở ngay trang đầu rằng “WWF khuyến nghị … chọn dùng các sản phẩm cá đánh bắt / nuôi trồng của địa phương”. Một khuyến nghị như vậy trong một thế giới tự do mậu dịch toàn cầu thì khó có thể hiểu khác hơn là mang tính bảo hộ mậu dịch.

Các tổ chức như WWF đôi khi cũng bị hạn chế về mặt con người và kỹ thuật. Vì thế họ cũng thường phải sử dụng các tổ chức tư vấn làm giúp. Trong trường hợp cá tra, WWF đã thuê một hãng tư vấn Thụy Sĩ tên là Blueyou để thực hiện việc đánh giá và xếp hạng ở Việt Nam. Blueyou là công ty tư vấn về phát triển bền vững trong ngành thủy hải sản. Blueyou gần đây đã mở văn phòng ở Việt Nam với mục đích tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đi theo tiêu chuẩn của ASC (Aquaculture Stewardship Council).

ASC là một tổ chức phi chính phủ do WWF phối hợp với IDH (Dutch Sustainable Trade Initiative) đồng sáng lập. Bộ tiêu chuẩn của ASC đặt ra là nhằm cung cấp một thệ thống tiêu chuẩn trong sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Một số doanh nghiệp cá tra của Việt Nam đang nâng cấp và cải tiến phương pháp sản xuất nhằm đạt yêu cầu của ASC. Theo lộ trình, một số doanh nghiệp cá tra hàng đầu của Việt Nam sẽ được cấp chứng chỉ ASC vào khoảng giữa năm 2011. Khi đạt được chứng chỉ của ASC thì các sản phẩm cá này sẽ được WWF xếp vào nhóm màu xanh, tức là nhóm WWF khuyên dùng.

Tuy nhiên ASC không phải là một chứng chỉ bắt buộc. Có nghĩa là không phải doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng cần phải có chứng chỉ ASC. Những tổ chức như Blueyou sẽ có lợi hơn khi bộ tiêu chuẩn ASC được nhiều người biết đến và các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam muốn được cấp chứng chỉ này. Vì đơn giản khi đó họ có nhiều khách hàng hơn. WWF cũng muốn Việt Nam ứng dụng tiêu chuẩn này vì như vậy hệ thống tiêu chuẩn ASC của WWF và IDH có uy tín hơn và phổ quát hơn.

Và không biết có phải vì lý do đó hay không mà cuộc đại chiến cá tra nổ ra. Blueyou làm nghiên cứu cho WWF, WWF dựa trên kết quả của Blueyou rồi đưa cá tra Việt Nam vào danh sách đỏ (khuyến nghị không nên dùng). VASEP, VINAFIS, ICAFIS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD), và nhiều cơ quan khác nhảy vào cuộc phản đối kịch liệt hành động này của WWF. Sau đó vài tuần, WWF đưa cá tra của Việt Nam ra khỏi danh sách màu đỏ, và đưa vào một danh sách mới có tên là “đang được xét cấp ASC”. Ngay sau đó, Việt Nam và WWF đã ký thoả thuận hợp tác phát triển cá tra bền vững. Theo chương trình 05 năm này, hai bên sẽ hợp tác để các sản phẩm cá tra của Việt Nam đạt tiêu chuẩn ASC của WWF và IDH.

Như vậy, cuộc đại chiến cá tra đã vãn hồi theo tinh thần có vẻ như là các bên đều thắng. Việt Nam đã đạt được mục đích đưa cá tra ra khỏi danh sách màu đỏ của WWF. WWF, Blue you, và IDH đã cho các nhà sản xuất Việt Nam thấy ASC quan trọng như thế nào và đã thuyết phục được Việt Nam làm theo. Môi trường sẽ đỡ bị tàn phá hơn, ít ra là trên lý thuyết, từ hoạt động nuôi trồng cá tra. Người Việt Nam học thêm được một cách để vượt qua rào cản kỹ thuật về môi trường.

Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trần Vinh Dự

    Trần Vinh Dự chuyên nghiên cứu, tư vấn, và viết về các vấn đề kinh tế của Việt Nam, Hoa Kỳ và thế giới. Ngoài lĩnh vực sở trường này, ông cũng thường xuyên viết về các vấn đề quan hệ quốc tế liên quan tới Á Châu. Trần Vinh Dự tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học tổng hợp Texas ở Austin, làm chuyên gia tư vấn kinh tế cho tập đoàn ERS Group Inc., đồng sáng lập và là cố vấn cho Quỹ nghiên cứu Biển Đông.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG