Đường dẫn truy cập

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang thể hiện ở Olympic?


Cô Diệp Thi Văn đã bơi 50 mét cuối cùng nhanh hơn cả vận động viên Ryan Lochte trong cự ly cùng loại của nam
Cô Diệp Thi Văn đã bơi 50 mét cuối cùng nhanh hơn cả vận động viên Ryan Lochte trong cự ly cùng loại của nam
Các nhà quan sát nói rằng các cáo buộc về việc sử dụng chất doping đối với một ngôi sao bơi lội trẻ của Trung Quốc là chương mới nhất trong cuộc đối đầu đôi khi đã trở nên căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Sau 6 ngày tranh tài tại Olympic, Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang có một cuộc đua sít sao để giành số huy chương vàng nhiều nhất, với mỗi nước tính tới giờ đã giành được 18 huy chương vàng.

Một trong những câu chuyện nổi đình đám nhất là sự thành công, những lời chỉ trích sau đó, đối với vận động viên bơi lội Diệp Thi Văn. Màn trình diễn gây chấn động của vận động viên 16 tuổi người Trung Quốc đã đem về cho cô hai huy chương vàng cả trong các môn bơi cự ly 200 mét lẫn 400 mét dành cho nữ.

Theo huấn luyện viên hàng đầu của Hoa Kỳ John Leonard, việc phá kỷ lục thế giới cùa cô Diệp hôm thứ Bảy tuần qua là “không thể tin nổi” và “đáng quan ngại.”

Lời bình luận của ông phản ánh quan ngại của nhiều người am hiểu về việc sử dụng doping của các vận động viên Trung Quốc trong quá khứ. Tuy nhiên, sự phỏng đoán này đã châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích từ truyền thông Trung Quốc.

Một bài bình luận của Tân Hoa Xã nói rằng cáo buộc sử dụng doping đối với cô Diệp, người đã vượt qua các cuộc kiểm tra chất cấm, là kết quả của một “định kiến ngoan cố” bởi truyền thông phương Tây những người “thực hiện đủ mọi cách để bêu riếu thành tích của các vận động viên Trung Quốc.”

Nhưng báo này nói rằng vấn đề này còn lớn hơn là sự đối đầu trong thể thao. Bài báo viết rằng phương Tây “bực tức vì sự trỗi dậy của Trung Quốc” và không sẵn lòng công nhận rằng Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Bài báo viết tiếp, “chừng nào mà Trung Quốc đạt được tiến bộ trong khoa học, công nghệ, kinh tế cũng như phát triển xã hội, phương Tây sẽ còn bận rộn dựng chuyện về việc ‘gian dối’ hay ‘vi phạm qui định quốc tế,’” một ám chỉ rõ ràng tới sự tranh cãi gần đây giữa Washington và Bắc Kinh về một loạt vấn đề kinh tế và thương mại.

Ông Phil Lutton, một phóng viên cho báo Brisbane Times của Australia nói rằng Bắc Kinh, phía vẫn coi các kỳ đại hội thể thao là một dấu hiệu quan trọng để chứng tỏ sự tiến bộ của họ trên trường quốc tế, đã đầu tư rất nhiều trong những năm gần đây để đảm bảo rằng họ trở thành một cường quốc về thể thao toàn cầu.

Vì vậy ông cho rằng việc các vận động viên Trung Quốc như cô Diệp đạt được nhiều thành công trong đại hội Olympic lần này không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Ông Lutton nói rằng “Trung Quốc đã rót vô số tài nguyên sau Olympic Bắc Kinh vào các chương trình thể dục thể thao. Ta có thể thấy họ thống lĩnh một loạt các bộ môn tại Olympic, như cử tạ, và bơi lội cũng là một trong số những môn đó.

Ông Lutton nói tiếp rằng ông thấy một sự đối đầu thể thao đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng giống như cuộc đối đầu hồi thập niên 1970 và 1980 giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cũ vốn đã phản ánh Cuộc Chiến tranh Lạnh.

Ông Lutton nói rằng trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc đặc biệt xuất sắc ở những môn thể thao khác nhau, dẫn đến rất ít các cuộc đối đầu trực tiếp, sự cạnh tranh đã giúp cho đại hội thể thao trở nên sôi động hơn, đặc biệt là trong các cuộc thi bơi lội.

Ông cho rằng đó là một cuộc đối đầu tốt, và chúng ta cần những cuộc đối đầu tốt trong bơi lội và thể thao. Ðiều đó chỉ làm tăng thêm sự hấp dẫn cho những gì đang diễn ra xung quanh bể bơi Olympic.

Một số hình ảnh các cuộc tranh tài tại Olympic London ngày thứ 6

XS
SM
MD
LG