Đường dẫn truy cập

Thêm một tổ chức quốc tế lên án Việt Nam bỏ tù blogger của VOA


Nhà báo độc lập và blogger Lê Anh Hùng (áo xanh, giữa) trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. CPJ vừa lên án bản án 5 năm tù mà nhà cầm quyền Việt Nam tuyên cho ông Hùng cuối tháng trước.
Nhà báo độc lập và blogger Lê Anh Hùng (áo xanh, giữa) trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội. CPJ vừa lên án bản án 5 năm tù mà nhà cầm quyền Việt Nam tuyên cho ông Hùng cuối tháng trước.

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) là tổ chức quốc tế mới nhất lên án việc Việt Nam kết án nhà báo độc lập và blogger Lê Anh Hùng nhiều năm tù và kêu gọi chính quyền của quốc gia Đông Nam Á trả tự do ngay lập tức cho người từng chỉ trích các lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản.

Ông Hùng, một cộng tác viên của VOA, bị kết án 5 năm tù trong một phiên xử mà gia đình ông không được biết vào ngày 30/8 sau 4 năm bị giam giữ. Blogger 49 tuổi bị chính quyền Việt Nam kết án tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước…” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự, một điều khoản thường bị các tổ chức nhân quyền quốc tế cho là mơ hồ.

Trong thời gian bị giam cầm trước khi kết án, ông Hùng, người nhiều lần tố cáo các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, bị đưa đi giám định tâm thần.

“Việc kết án vô nhân đạo đối với blogger Lê Anh Hùng cho thấy Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để ngăn chặn việc chỉ trích về các chính sách, đặc thù và luật lệ của mình,” ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao về Đông Nam Á của CPJ nói trong một thông cáo đưa ra hôm 16/9.

Ông Crispin cho rằng “ông Hùng và tất cả những nhà báo khác đang bị giam giữ một cách sai trái sau song sắt ở Việt Nam phải được trả tự do.”

Trước đó hôm 13/9, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), có trụ sở ở Paris của Pháp, cho biết họ “kinh hoàng” trước bản án 5 năm tù mà nhà chức trách Việt Nam “âm thầm áp đặt” cho ông Hùng sau khi giam giữ ông trong 4 năm “trong điều kiện vô nhân đạo.”

Việt Nam chưa có phản ứng gì trước các lời kêu gọi của CPJ và RSF yêu cầu thả tự do cho ông Hùng cùng các nhà báo khác đang bị giam cầm ở quốc gia Đông Nam Á. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hồi tháng 12/2020 đã lên tiếng phản bác thông tin chỉ trích Việt Nam của CPJ khi tổ chức có trụ sở ở New York đưa Việt Nam vào danh sách các nước “kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt nhất” thế giới. Bà Hằng lúc đó nói rằng chính quyền Hà Nội “luôn ủng hộ và đảm bảo thực thi quyền tự do báo chí” như được quy định trong hiến pháp Việt Nam.

Theo CPJ, ông Hùng bị bắt hồi tháng 7/2018 sau khi chỉ trích Dự luật An ninh mạng của Việt Nam, có hiệu lực từ đầu năm 2019 và tăng cường đáng kể quyền lực của nhà nước trong việc kiểm duyệt cũng như kiểm soát internet.

Trong vòng 10 năm cho đến khi bị bắt, ông Hùng đã 139 lần gửi đơn tố cáo một số lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nhà báo và blogger Nguyễn Tường Thụy, người sau này cũng bị bắt và kết án 11 năm tù tội “Tuyên truyền chống nhà nước.” Ông Hùng đã nhiều lần giăng biểu ngữ tại nhiều nơi ở Hà Nội đòi khởi tố và bắt giam Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư thành ủy Hà Nội lúc đó Hoàng Trung Hải.

Ông Hùng là thành viên của Hội Anh em Dân chủ và Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, những tổ chức đã bị chính quyền tìm cách trấn áp bằng cách bắt giam và kết án các thành viên nhiều năm tù.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Công an, nơi quản lý các trại giam và nhà tù ở Việt Nam. Các cuộc gọi tới văn phòng Bộ Công an ở Hà Nội ngoài giờ hành chính không được phản hồi.

CPJ xếp Việt Nam trong số 4 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất, với 23 người viết báo đang bị giam cầm sau song sắt tính tới ngày 1/12/2021. Trong số những người này có nhà báo bất đồng chính kiến nổi danh nhất của Việt Nam, Phạm Đoan Trang, người bị một tòa phúc thẩm ở Hà Nội tuyên y án 9 năm tù hôm 25/8.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG