Đường dẫn truy cập

Công ty Trung Quốc huy động vốn từ công chúng để mua câu lạc bộ AC Milan


Tuyển thủ Brazil Ricardo Kaka khi đến nhận chiếc áo của câu lạc bộ AC Milan năm 2007
Tuyển thủ Brazil Ricardo Kaka khi đến nhận chiếc áo của câu lạc bộ AC Milan năm 2007

Một công ty của Trung Quốc vừa phát động sáng kiến huy động vốn từ công chúng với mục tiêu ít nhất là nửa tỉ đôla để mua câu lạc bộ bóng đá AC Milan của Italia.

Tin tức này nổi lên tại Trung Quốc sau khi có những đồn đoán rằng chủ sở hữu nhiều năm qua của AC Milan, ông Silvio Berlusconi, chuẩn bị bán cổ phần chi phối của ông trong câu lạc bộ này.

Dư luận đang bàn tán rằng câu lạc bộ này đang theo chân đối thủ truyền kiếp Inter Milan, câu lạc bộ đã thuộc quyền sở hữu của tỉ phú người Indonesia Erick Thohir cách đây 18 tháng. Tuần trước các tin đồn càng nổi lên mạnh khi hãng thông tấn Askanews của Italia loan tin rằng ông Berlusconi sau cuộc họp với doanh gia Hồng Kông Richard Lee đã tuyên bố vụ bán 75% cổ phần của ông trong AC Milan "xem như đã xong."

Không có nhiều chi tiết hơn được công bố ngoài những tin tức ám chỉ rằng chính phủ Trung Quốc giữ một vai trò chính trong vụ mua bán câu lạc bộ thể thao này.

Tin của Tân Hoa Xã nói rằng theo ông Phó Ích Tường, phó chủ tịch phòng thương mại Ý-Trung, 5 công ty liên hệ trong thương vụ có thể sẽ diễn ra này -- 4 công ty của Trung Quốc, đó là hãng nước giải khát Wahaha, nhà kinh doanh bất động sản Wanda, công ty viễn thông khổng lồ Huawei, và công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, và công ty thứ năm là của Thái Lan.

Theo ông Phó, người có nhiều thông tin nội bộ của bóng đá Italia, không công ty nào một mình sẵn sàng trả cả một tỉ đôla để sở hữu câu lạc bộ mà khả năng thu hồi vốn nhanh chóng là không khả dĩ này.

"Do đó, huy động vốn từ công chúng đang được xúc tiến ở Trung Quốc," ông Phó nói. "Vốn góp của các công ty lớn sẽ đáp ứng một nửa con số một tỉ euro, và nửa còn lại sẽ được huy động từ công chúng với dự tính là giá một đơn vị cổ phiếu sẽ không cao hơn 1.600 đôla. "

Ông Phó tin rằng đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu các câu lạc bộ bóng đá "hạng nặng" của châu Âu.

"Nếu các nhà tổ chức huy động đủ vốn ở Trung Quốc để mua câu lạc bộ bóng đá này, thì khả năng kiếm lời trong tương lai là rất khả quan," ông Phó nói tiếp. "Với một câu lạc bộ như AC Milan thì giá trị đầu tư nằm ở tài sản vô hình."

Ông Berlusconi đã cứu AC Milan khỏi nguy cơ phá sản vào năm 1986 và đã mau chóng xoay chuyển tình thế cho câu lạc bộ bóng đá này. Không lâu sau đó AC Milan đã vượt lên giành chức vô địch giải Serie A của Italia, và giành liên tiếp các cúp châu Âu từ năm 1988 đến năm 1990. AC Milan giành được cúp Champions League ba lần trong thời gian đó, để trở thành đội bóng giàu thành tích thứ nhì châu Âu, chỉ kém Real Madrid. Những thành tích lẫy lừng đó khiến cho người hâm mộ của AC Milan cảm thấy rất khó khăn khi ông chủ Berlusconi định bán câu lạc bộ cho các ông chủ Trung Quốc.

XS
SM
MD
LG