Đường dẫn truy cập

Công cuộc tranh đấu cho quyền bầu cử của phụ nữ Mỹ


Một nữ cử tri đi bỏ phiếu bầu tổng thống ở Chicago, Illinois, ngày 14 tháng 10 năm 2016.
Một nữ cử tri đi bỏ phiếu bầu tổng thống ở Chicago, Illinois, ngày 14 tháng 10 năm 2016.

Tu chính án thứ 19 được quốc hội Mỹ phê chuẩn ban cho phụ nữ Mỹ quyền được đi bỏ phiếu và phụ nữ Mỹ hành xử quyền này một cách tích cực hơn nam giới. Theo Trung tâm Phụ nữ Mỹ và Chính trị thuộc trường đại học Rutgers, kể từ năm 1980, phụ nữ đi bầu nhiều hơn nam giới trong các cuộc bầu cử Tổng thống. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử năm 2012, có 71,4 triệu nữ cử tri đi bầu, chiếm 64% tổng số nữ cử tri so với 61,6 triệu nam cử tri đi bầu chiếm 60% tổng số nam cử tri.

Năm 1913, một tân Tổng thống dân cử sắp nhậm chức, nhưng khi ông đến ga xe lửa ở Washington D.C, chỉ có một ít người chào đón ông.

Ông hỏi “Đám đông đâu rồi?”

Đám đông ấy đã có mặt tại Đại lộ Pennsylvania, chứng kiến một chuyện mà công chúng Mỹ chưa từng thấy bao giờ: hàng ngàn phụ nữ tuần hành trên đường phố.

Họ muốn gì? Quyền bỏ phiếu.

Bà Robyn Muncy, giáo sư sử học tại trường đại học Maryland, College Park cho biết:

“Trong văn kiện ban đầu, Hiến pháp Mỹ không đề cập gì đến việc ai có thể đi bầu. Tất cả quyền hành liên hệ đến quyền bầu cử được giành cho tiểu bang quyết định.”

Bà Muncy giải thích là trong hệ thống chính trị Mỹ, quyền hành được phân chia giữa chính phủ liên bang và chính phủ các tiểu bang.

“Điều này có nghĩa là những người có quyền đi bầu vào cuối thế kỷ 19 có sự lựa chọn. Họ có thể nỗ lực có được một tu chính án của liên bang… hay có thể vận động từng tiểu bang một, mà trong nhiều trường hợp, phụ nữ có nhiều quyền lực hơn ở cấp tiểu bang.”

Phụ nữ quyết định làm cả hai việc. Cuộc tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ diễn ra ở cấp liên bang và tiểu bang từ thế kỷ 19 cho đến thế kỷ 20.

Thoạt tiên, chỉ một ít phụ nữ đòi quyền đầu phiếu. Những người này nói phụ nữ có giá trị như nam giới, nên họ cũng phải có cùng những quyền về chính trị và pháp lý.

Những phụ nữ này đi khắp nước Mỹ, nói chuyện về những quyền bình đẳng và gặp các nhà lập pháp từ thị trấn này đến thị trấn khác.

Tuy nhiên bà Jean Baker, một sử gia thuộc Trường đại học Goucher tại tiểu bang Maryland, nói ý kiến của họ không phải luôn luôn được tán đồng.

“Có nhiều khi họ bị rượt đuổi sau khi kết thúc bài nói chuyện. Và mọi người ném vào họ đủ loại trứng thối…vân vân…Họ cũng gặp sự chống đối của đa số công luận.”

Vào thời điểm đó, hầu như tất cả mọi người, kể cả nữ giới, đều cho rằng phụ nữ bỏ phiếu không phải là quyền tự nhiên. Họ tin nam giới và nữ giới trên căn bản là trái ngược nhau.

Sử gia Robyn Muncy nói:

“Đàn ông rất cạnh tranh, bản tính của họ là xông xáo, rất tự tin và muốn bày tỏ ý kiến của mình. Và họ rất thích hợp đối với đời sống công cộng. Trong khi phụ nữ có bản tính nuôi dạy con cái, chịu hợp tác và thực sự phát triển mạnh trong phạm vi gia đình.”

Bà Muncy nói thêm là các nhà tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ đi vận động trong giới bình dân trên toàn nước Mỹ. Họ đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, thuyết phục các người láng giềng, các tín hữu trong nhà thờ, và sau đó thuyết phục các nhà lập pháp tiểu bang ban cho phụ nữ quyền bỏ phiếu.

Phụ nữ trong thế kỷ 19 được tổ chức chặt chẽ trong các câu lạc bộ phụ nữ, trong đó có Hiệp hội Toàn quốc Phụ nữ Da màu. Chủ tịch Hiệp hội, bà Mary Church Terrel, nói bà tranh đấu cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ và dân quyền vì bà thuộc vào “nhóm duy nhất của nước này bị hai trở ngại lớn phải vượt qua là…giới tính và chủng tộc.”

Đến những năm 1900, phụ nữ đã thuyết phục được các nhà lập pháp ở 4 tiểu bang cho phụ nữ quyền đi bầu trong tất cả các cuộc bầu cử.

Họ cũng thành công trong việc kêu gọi nhiều phụ nữ ủng hộ việc đi bầu.

Nguyên nhân lớn khiến nữ giới sẵn sàng lắng nghe hơn là công nghiệp hóa. Những việc phụ nữ thường làm ở nhà càng ngày càng được làm tại các xưởng sản xuất hay được bày bán sẵn trong các cửa hàng.

Bà Muncy nói:

“Nếu sáng ra không phải đi vắt sữa hay đi nhặt trứng để nấu nướng cho gia đình, bạn không biết trứng và sữa đó có tinh nguyên sạch sẽ hay không bị hư thối hay không. Nếu để cho các công ty dược bào chế thuốc cho gia đình bạn thay vì chế biến tại nhà, bạn không biết thuốc đó có gì, bạn không thể kiểm soát được. Và do đó khi việc sản xuất chuyển ra khỏi nhà, nhiều phụ nữ thấy rằng nếu chúng ta đảm bảo an sinh cho gia đình—nếu chúng ta làm những việc phụ nữ phải làm, là chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình-chúng ta phải có sức mạnh xã hội.”

Một cử tri đã bỏ phiếu tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 8 tháng 11 năm 2016.
Một cử tri đã bỏ phiếu tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 8 tháng 11 năm 2016.

Vào năm 1913, phong trào đòi quyền bỏ phiếu của phụ nữ bước sang một bước ngoặt quan trọng. Một người Mỹ 28 tuổi tên là Alice Paul quyết định lôi kéo Tổng thống vào cuộc tranh luận.

Tổng thống Woodrow Wilson không sẵn sàng ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ, nhưng cô Alice Paul biết tân Tổng thống có đầy quyền lực. Đảng Dân chủ của ông kiểm soát Tòa Bạch Ốc, Thượng viện và Hạ viện. Tổng thống Wilson có thể thúc đẩy việc tu chính Hiến pháp đảm bảo quyền đầu phiếu cho hầu hết phụ nữ trên toàn quốc.

Do đó cô Alice Paul bắt đầu tìm cách lôi kéo sự chú ý của Tổng thống Wilson.

Sử gia Jean Baker cho biết:

“Cô Alice Paul quyết định tổ chức một cuộc diễn hành vào ngày trước khi ông Woodrow Wilson dự lễ tuyên thệ nhậm chức. Và cô đã một mình vận động thành công thu hút 13.000 phụ nữ đến Washington.

“Cuộc diễn hành bắt đầu trên Đại lộ Pennsylvania, và ngay lập tức các phụ nữ này bị tấn công. Không phải bị các nam khán giả tấn công, mà là bị cảnh sát tấn công.”

Văn sĩ Ida B. Well từ chối tuần hành trong cuộc diễn hành của cô Paul. Thay vào đó vào phút chót bà tham gia vào cuộc tuần hành của tiểu bang bà.

Cô Alice Paul và nhóm của cô đã thay đổi chiến dịch đòi quyền bỏ phiếu của phụ nữ thành một phong trào cấp tiến hơn. Tuy nhiên, thoạt đầu họ không tiến xa được trong việc thay đổi quan điểm về chính trị hay quan điểm của công chúng.

Do đó 4 năm sau đó khi Tổng thống Wilson tái đắc cử, họ quyết định làm một việc thực sự táo bạo.

Bà Nora Hoffman-White thuộc Đảng Phụ nữ Toàn quốc tại Nhà Kỷ niệm đồng thời là Viện bảo tàng Belmont-Paul về Quyền Bình đẳng của Phụ nữ Toàn quốc.

Bà nói “Đảng Phụ nữ Toàn quốc là tổ chức đầu tiên biểu tình tại Tòa Bạch Ốc. Và họ thực sự nhắm vào Tổng thống Wilson. Họ cầm các bích chương biểu ngữ trực tiếp đặt trọng tâm vào ông như ‘Thưa Ngài Tổng thống.’ ‘Thưa Ngài Tổng thống, Ngài sẽ làm gì đối với quyền đầu phiếu của phụ nữ? Thưa Ngài Tổng thống, phụ nữ phải chờ bao lâu mới được tự do?”

Phụ nữ biểu tình tại Tòa Bạch Ốc suốt ngày, 5 ngày một tuần.

Bà Nora Hoffman-White nói:

“Có những người chất vấn người biểu tình. Nhiều người đến cuộc biểu tình. Họ bắt đầu tấn công phụ nữ, kéo đổ các bích chương, biểu ngữ và đập phá chúng.Và khi cuộc xung đột này diễn ra trước mặt Tòa Bạch Ốc, cảnh sát tới, và những phụ nữ biểu tình bị bắt giam.”

Những người tranh đấu đòi quyền đầu phiếu của phụ nữ bị giam trong một nhà tù tại Virginia. Tại đây họ bị đánh đập, bị cho ăn những thức ăn thiu, và không được chữa bệnh. Khi một số phụ nữ phản đối và tuyệt thực, họ bị giám ngục đặt ống vào mũi ép ăn.

Bà Nora Hoffman-White cho biết các phụ nữ này bị đối xử khắc nghiệt trong tù, nhưng ngược lại, họ được truyền thông chú ý và nhận thức của công chúng bắt đầu thay đổi.

Bà nói:

“Mọi người không xem họ như những người điên đi biểu tình, khích động những điều không đúng. Thay vào đó mọi người bắt đầu xem họ như là những phụ nữ sẵn sàng chết vì lý tưởng của họ.”

Một yếu tố khác trong tất cả việc này là Thế Chiến Thứ Nhất. Tổng thống Wilson nói nước Mỹ chiến đấu cho dân chủ ở nước ngoài. Do đó, những người tranh đấu cho quyền bỏ phiếu của phụ nữ đặt câu hỏi, tại sao Hoa Kỳ lại không có dân chủ trong nước? Làm thế nào chính phủ lại có thể tiếp tục không cho phụ nữ đi bầu?

Sử gia Jean Baker nói giọt nước cuối cùng xảy ra khi một số bộ trưởng Nga đến Washington DC.

“Và các phụ nữ trưng một biểu ngữ yêu cầu người Nga ‘Giúp chúng tôi! Giải phóng chúng tôi! Chúng tôi không phải công dân tự do của nước Mỹ. Chúng tôi không thể đi bầu.”

Cuối cùng, Tổng thống Wilson nhượng bộ. Ông kêu gọi Thượng viện ủng hộ một tu chính hiến pháp quy định rằng không công dân nào có thể bị từ chối quyền đi bầu căn cứ trên giới tính.

Năm kế tiếp, Quốc hội Mỹ thông qua tu chính án thứ 19. Tuy nhiên, để tu chính án có thể trở thành luật, đa số tiểu bang phải chấp thuận tu chính án này.

Cuộc tranh đấu cho quyền đầu phiếu của phụ nữ đều hướng về tiểu bang Tennessee. Trong lần bỏ phiếu đầu tiên, các nhà lập pháp của bang chia làm hai 50/50. Một nửa phản đối, một nửa đồng ý.

Rồi, theo lời bà Nora Hoffman-White, một chuyện bất ngờ xảy ra.

“Trong vòng bỏ phiếu lần thứ hai, một dân biểu tiểu bang rất trẻ tên là Harry Burn đổi ý. Trước đó, ông bỏ phiếu không và sau đó ông thay đổi lá phiếu thành thuận.”

Bà Nora Hoffman-White nói “Dĩ nhiên mọi người đều muốn biết điều gì đã làm ông thay đổi ý kiến về điều rất quan trọng như vậy. Và ông đưa ra mẩu giấy nhận được từ mẹ ông với nội dung rằng ‘Đừng bắt mọi người phải chờ đợi, hãy giúp thông qua việc phê chuẩn. Con ngoan, hãy nghe lời mẹ.’

Ông nói ‘Bạn nên nghe lời khuyên của mẹ,’ và ông đã thay đổi phiếu bầu.

“Do đó, với lá phiếu của ông, tiểu bang Tennessee phê chuẩn, và tu chính án trở thành luật.”

Tu chính án thứ 19 bao gồm hầu hết nhưng không phải tất cả phụ nữ.

Phụ nữ Puerto Rico và người Mỹ da đỏ trong các khu vực dành riêng chưa được quyền đi bỏ phiếu.

Và phụ nữ người Mỹ gốc châu Phi cũng có cùng vấn đề như đàn ông da đen tại các phòng phiếu.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1920, đã có hơn 8 triệu phụ nữ trên toàn nước Mỹ đi bầu lần đầu tiên.

Hầu như ngay sau đó, chính sách của Hoa Kỳ bắt đầu thay đổi. Vào năm 1921, các nhà lập pháp ủng hộ một đạo luật cải thiện sức khỏe các bà mẹ và trẻ em. Vào những năm 1930, các cử tri nữ giúp thúc đẩy thông qua Luật về Tiêu chuẩn Lao động Công bằng và một phần của Luật An sinh Xã hội.

Dù phụ nữ không đi bầu như một khối cử tri tại Mỹ, nhưng rõ ràng là cử tri nữ đã định hình thế kỷ 20 và 21.

Sử gia Robyn Muncy nói cùng lúc đó quyền đi bầu của phụ nữ đã giúp thay đổi vai trò của phụ nữ trong xã hội Mỹ.

“Khi phụ nữ được quyền bỏ phiếu trong các tiểu bang, họ thay đổi ý nghĩa phụ nữ là ai. Họ thay đổi ý nghĩa của nữ giới. Họ thay đổi ý nghĩa của quyền công dân dân chủ dành cho phụ nữ. Đây không phải là việc nhỏ.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG