Đường dẫn truy cập

Công chúa cuối cùng của vương triều Mei, Tây Tạng


Đức Đạt Lai Lạt Ma, người bổ nhiệm công chúa cuối cùng của vương triều Mei vào quốc hội lưu vong Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma, người bổ nhiệm công chúa cuối cùng của vương triều Mei vào quốc hội lưu vong Tây Tạng.

Nói tới Tây Tạng chúng ta nghĩ ngay tới Đức Đạt Lai Lạt Ma và nền văn hoá mang nặng ảnh hưởng Phật giáo của nhân dân Tây Tạng, hiện đang bị trù dập trên chính quê hương của mình, nhưng có lẽ ít người biết đến vương quốc Mei, từng ngự trị trên khu vực chung quanh Aba, một thành phố nơi cư dân phần lớn là người Tây Tạng bây giờ là tỉnh Tứ Xuyên thuộc Trung Quốc. Công Chúa cuối cùng của vương quốc Mei, giờ sống tại Dharamsala, cộng đồng Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ.

Thưở ấu thơ, bà đã từng mặc những bộ trang phục lộng lẫy viền lông thú, cổ nặng trĩu với những vòng kiềng trang hoàng bằng đá quý màu xanh nước biển. Cô bé sống trong một lâu đài trên cao nguyên Tây Tạng với một phòng tiếp tân rộng bao la, đủ để chứa hàng ngàn nhà sư Tây Tạng thường lui tới lâu đài để hội kiến vua cha. Thế rồi, vào một đêm năm 1958, khi cô lên 7, trở về nhà sau một chuyến đi chơi, Gonpo trông thấy 1 toán bộ đội thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cắm trại ngay trước cửa nhà.

Nhiều bộ đội đang phong toả các cửa ngỏ và cửa kiếng của toà lâu đài, trong khi những phụ nữ chạy lăng xăng hết phòng này sang phòng khác để tìm cách gói ghém những tài sản của gia đình.

Trong khi cha của cô bé bị triệu tới dự một cuộc họp của đảng cộng sản, Gonpo, mẹ và chị của cô bị buộc phải lên một chiếc xe jeep do Nga chế tạo, chở đi xa, thật xa những vùng lãnh thổ mà gia đình của cô đã trị vì từ nhiều thế hệ.

Gonpo là người kế vị ngai vàng triều đình Mei, giờ chỉ còn trong lịch sử sau cuộc đổi đời dạo đó. Cha của Gonpo, nhà vua Rapten Tinley ngự trên ngai vàng vương quốc Mei cho tới thập niên 1950.

Năm 1949, những người cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo thiết lập nước Công hoà dân chủ Nhân dân Trung Quốc và năm sau đó, Quân Giải phóng Nhân dân xâm lăng miền Trung Tây Tạng. Rút kinh nghiệm Trung Quốc đã chiếm Lhasa dễ dàng như trở bàn tay, vua Tinley ra lệnh cho thần dân không nên cưỡng chống người Tàu.

Mặc dù người Trung Quốc gọi cha của Gonpo là tù trưởng của một bộ lạc, người Tây Tạng gọi ông là Vua của vương triều Mei.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi dành cho báo Los Angeles vào đầu tháng 9 năm nay, bà Gonpo nói cha của bà là một người có lối suy nghĩ tiến bộ, không cố gắng níu kéo quyền lực để duy trì những đặc quyền đặc lợi như một thành phần ưu tú trong xã hội Tây Tạng xưa. Thoạt tiên nhà vua lạc quan nghĩ rằng những người cộng sản Trung Quốc có thể mang lại những cải cách cần thiết cho Tây Tạng. Ông tham gia một loạt các buổi họp tại Bắc Kinh vào năm 1954, nơi ông gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma, thời nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng còn là một thanh niên đang được Mao Trạch Đông o bế.

Nhưng giai đoạn gọi là “trăng mật” đó tan vỡ vào năm 1958, khi Đảng Cộng sản thực hiện điều mà họ gọi là “những cải cách dân chủ.” Nhà vua Tinley bị buộc phải từ bỏ ngai vàng. và gia đình hoàng gia bị cưỡng bức đi sống lưu vong. Ông Sego, một người láng giềng từng là bạn thời thơ ấu của bà Gonpo, nói “cả làng đều khóc trong đêm gia đình hoàng gia ra đi”.

Gia đình Gonpo khởi sự cuộc sống xa xứ ở Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên. Trong khi người Tây Tạng ở quê nhà, Aba, trải qua nạn đói do hậu quả của chương trình tịch thu đất canh tác trong chiến dịch biến các phương tiện sản xuất thành tài sản chung, thì Gonpo và gia đình sống tương đối sung túc. Gonpo và chị được đi học tại một trường tiểu học dành cho thành phần có thế lực, rồi sau đó lên Bắc Kinh theo đuổi học vấn tại một trường trung học dành cho các sắc tộc thiểu số. Cựu hoàng Raptey Tinley được bổ nhiệm vào Hội nghị Hiệp thương Chính trị Toàn quốc và một thời được coi như một tấm gương cho các cộng đồng thiểu số, nhưng chẳng bao lâu sau đó cuộc sống của gia đình lại đảo ngược.

Năm 1966, Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hoá. Gonpo đang nghỉ hè, về thăm cha mẹ và chị ở Thành Đô thì được lệnh phải lập tức quay trở lại Bắc Kinh. Cha mẹ cô đưa con ra trạm xe lửa, dúi vào tay một gói kẹo lớn và bảo cô hãy chia với các bạn đồng hành.

Đó là lần cuối Gonpo được nhìn thấy cha mẹ.

Trở về trường, cô thiếu nữ trở thành mục tiêu của các bạn học trong đội ngũ ‘Hồng Vệ Binh’ trong cuộc cách mạng văn hoá. Cô nữ sinh 15 tuổi bị lôi ra sân trường, buộc phải đứng cúi gập mình, hai tay bị bẻ ngoặc lại sau lưng, cho các bạn cùng lớp đấm đá và chửi rủa thậm tệ.

Họ hô khẩu hiệu, gọi Gonpo là một “kẻ thù giai cấp, rằng cha cô thuộc thành phần thống trị, đàn áp nhân dân từng dùng đầu lâu của kẻ thù bại trận làm chén ăn cơm, và còn vu cáo cho cô là thông đồng với Đức Đạt Lai Lạt Ma, người mà 7 năm về trước, đã trốn thoát khỏi Lhasa để đi sống lưu vong.

Tháng 10 năm 1966, 2 tháng sau khi Gonpo trở lại trường học, mẹ của cô bị mất tích khi nghỉ lại qua đêm trên đường đi thăm gia đình ở miền Bắc. Cửa phòng khách sạn để mở ngỏ, và bà biệt tăm từ đó. Vài ngày sau, người cha đi tìm vợ, nhảy xuống sông chết chìm, trong một hành động được mô tả là một vụ quyên sinh.

Các bạn học nói cha mẹ cô không còn nữa, nhưng cô không được khóc vì cha cô là một kẻ phản động.

Đến năm 1968, Gonpo gần như cảm thấy nhẹ nhõm khi được biết cô bị đày đi lao động ở một nông trường do quân đội điều hành ở Tân Cương, không xa biên giới với Nga.Tại đó, cô công chúa một thời phải dậy sớm trước khi mặt trời mọc để vắt sữa bò rồi đi bộ 10 dặm ra làm ruộng. Tại đó, Gonpo được tin người duy nhất còn lại trong gia đình, là người chị đã ra bác sĩ, vừa qua đời vì bệnh đậu mùa.

Trong cảnh đời u ám đó, điểm sáng duy nhất là sự hiện diện của một thanh niên tuấn tú người Trung Quốc cũng bị đày đi lao động vì bị xếp loại là kẻ thù giai cấp. Những cuộc hôn nhân giữa các nhóm sắc tộc không được cho phép, và mãi tới năm 1976, năm Mao Trạch Đông qua đời, Gonpo mới lấy được người yêu. Tới lúc đó cuộc Cách mạng Văn hoá đã kết thúc, Gonpo được theo chồng về Nam Kinh, cô học sư phạm và ra dạy âm nhạc và tiếng Hoa ở một trường tiểu học. Hai vợ chồng có hai con gái, không ai biết lai lịch của bà Gonpo cho tới một ngày, một thành viên người Tây Tạng trong chính quyền Trung Quốc khám phá ra lai lịch của bà và chỉ thị các giới chức Đảng Cộng sản phải có cách đối xử đặc biệt.

Nội trong vài ngày, Gonpo và gia đình dọn tới một căn hộ mới tại một toà nhà sang trọng. Lúc đó là những năm 1980, và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách ve vãn người Tây Tạng. Cô công chúa Tây Tạng sống hạnh phúc với chồng con ở Trung Quốc, nhưng hầu như đã mất sợi liên lạc với nền văn hoá Tây Tạng, đến nỗi phải cần người thông dịch khi gặp Đức Ban Thiền Lạt Ma ở Bắc Kinh vào năm 1987.

Vị cao tăng Tây Tạng đã nhẹ nhàng khiển trách và khuyên bà hãy đi hành hương qua Ấn Độ, cái nôi của Phật giáo và cũng là nơi lưu vong của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi sang Ấn Độ vào năm 1989, bà mang theo con gái lớn để cô con út lại với chồng ở Nam Kinh và hứa sẽ trở về sau vài tháng.

Tại Dharamsala, bà bắt đầu học lại tiếng Tây Tạng với nhà sư Kirti Rinpoche, và được Đức Đạt Lai Lạt Ma bổ nhiệm vào quốc hội lưu vong Tây Tạng. Vài tháng kéo dài thành nhiều năm, rồi thành hơn một thập niên, Mãi đến năm 2005, bà mới gặp lại chồng và con gái út khi họ tới thăm bà ở Ấn Độ.

Gonpo buồn bã cho biết lý do bà ở lại Dharamsala: “Tôi là đứa con duy nhất còn sống của Vua Mei. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải ở lại đây. Vợ chồng tôi đều buồn, nhưng ông ấy hiểu rằng vấn đề Tây Tạng lớn hơn chuyện gia đình của tôi rất nhiều.

Trong thời gian dẫn tới sinh nhật thứ 80 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, được những người ủng hộ trên khắp thế giới ăn mừng, nhiều người dân Tây Tạng đang tự hỏi liệu cuộc đấu tranh của họ để đòi quyền tự trị và tự do tôn giáo có là một cuộc chiến vô vọng hay không. Nỗi tuyệt vọng đó phản ánh trong con số những trường hợp tự thiêu đã diễn ra kể từ sau cuộc nổi dậy năm 2008. Tính cho tới nay, tháng 9/2015, con số này đã vượt quá 140 người. Trong số những người tự thiêu để phản đối sự cai trị của Trung Quốc, hơn 30 người là những nhà tu ở Kirti. Ít nhất 8 người đến từ Meruma, nơi tập trung nhiều ngôi làng nhỏ bé thuộc quận Aba, quê của các công thần từng phục vụ dưới triều đình Mei. Theo một sử gia ở địa phương, nhiều người tự thiêu là cháu nội/ngoại của những vị công thần ấy.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG