Đường dẫn truy cập

Có liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia


Mức băng giá tại Bắc cực giảm sút có thể dẫn đến những cạnh tranh quốc tế hay tranh chấp về việc tiếp cận với những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây
Mức băng giá tại Bắc cực giảm sút có thể dẫn đến những cạnh tranh quốc tế hay tranh chấp về việc tiếp cận với những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây
Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ hôm thứ Sáu công bố một phúc trình về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia. Thông tín viên Đài VOA Brian Padden tường trình là cuộc nghiên cứu khoa học nêu chi tiết việc trái đất ấm dần gây nên sự căng thẳng mới về xã hội và chính trị trên toàn thế giới như thế nào và Hoa Kỳ và các quốc gia khác làm sao có thể đoán trước được và đáp ứng với những nguy cơ về an ninh do khí hậu gây ra.

Phúc trình do tổ chức nghiên cứu được Quốc hội ủy nhiệm bắt đầu với một khẳng định là trái đất ấm dần là một thực tế và cộng đồng khoa học dòng chính tin là những khí giữ lại sức nóng như carbon dioxide và methane được đưa thêm vào bầu khí quyển hiện nay nhanh hơn trước khi xã hội con người lớn mạnh.

Và phúc trình cho biết hậu quả của biến đổi khí hậu - bao gồm mực nước biển dâng lên, lụt lội thường xuyên và nghiêm trọng, hạn hán, cháy rừng, và sâu bọ lan tràn - tạo ra những mối đe dọa an ninh tương tự và trong nhiều trường hợp lớn hơn cả những đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố.

Ông John Steinbruner, chủ tịch của Ủy ban viết phúc trình nói cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đặc biệt cần đặt ưu tiên lớn hơn cho những đe dọa về an ninh có liên hệ đến biến đổi khí hậu.

“Chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng như chúng ta cần phải chuẩn bị, tôi nghĩ đây là nhận định đúng nhất. Không phải là những biện pháp chuẩn bị này thiếu sót. Không phải là khí hậu biến đổi không được theo dõi, nhưng không được tổ chức hay phát triển như cần phải có.”

Ông Steinbruner nói chẳng hạn như những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt cần phải được dự đoán trước để có đánh giá về khả năng của những hiện tượng này làm mất ổn định các quốc gia và các vùng trên toàn thế giới. Và ông tin là một sự hiểu biết cặn kẽ hơn về việc lụt lội và hạn hán có thể gây nên di dân và những tranh chấp dân sự tại một số nơi ở châu Phi và Nam Á - những vùng với các chính phủ yếu kém và mức nghèo khó cao - sẽ giúp các nước phát triển có những kế hoạch tốt hơn để ngăn ngừa hay đáp ứng với những tai họa nhân đạo.

Cuộc nghiên cứu thúc đẩy sự hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn trong việc thu thập những thông tin về các khuynh hướng của khí hậu. Chủ tịch Ủy ban John Steinbruner nói Pakistan và Ấn Độ hiện đang từ chối chia sẻ dữ liệu về tỉ lệ lượng mưa với Hoa Kỳ, tin tức này có thể giúp tiên đoán lụt lội và hạn hán tại Nam Á.

“Cần phải có sự thảo luận toàn cầu về khoa học và ngoại giao nói rằng ‘Chúng ta cần phải đưa ra những qui luật. Chúng ta cần phải có những tiến trình để tất cả chúng ta theo dõi theo cùng một chuẩn mực.’ Chúng ta tất cả đều có lợi từ việc này.”

Và ông Steinbruner nói quân đội Hoa Kỳ cần dự doán trước những mối đe dọa liên hệ đến khí hậu biến đổi mới - chẳng hạn như mức băng giá tại Bắc cực giảm sút có thể dẫn đến những cạnh tranh quốc tế hay tranh chấp về việc tiếp cận với những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây như thế nào.

Ông Alexander Ochs, Giám đốc về Năng lượng và Khí hậu tại Viện Worldwach, một cơ quan bất vụ lợi nói phúc trình là một sự nhắc nhở quan trọng cho các nhà lãnh đạo thế giới về những vấn đề phức tạp do biến đổi khí hậu gây ra.

“Do đó bất cứ đầu tư nào chúng ta có thể thực hiện được hiện nay trong việc giảm bớt khí thải sẽ làm cho vấn đề thu hẹp lại và sẽ được trả lại nhiều lần hơn về mặt phí tổn chúng ta thu được trong tương lai.”

Tuy nhiên phúc trình không đề cập đến việc là làm thế nào các nước có thể tiến đến việc giảm bớt khí thải cácbon trong tương lai. Phúc trình chú trọng đến hiện tại và làm thế nào Hoa Kỳ và thế giới có thể quản lý tốt hơn những biến cố về biến đổi khí hậu có khả năng xảy ra trong tương lai.

VOA Express

XS
SM
MD
LG