Đường dẫn truy cập

Cô gái Myanmar biểu tình bị bắn đã qua đời sau 10 ngày được trợ sinh


Tư liệu: Sinh viên đại học Mandalay mang biểu ngữ với ảnh của Mya Thwate Thwate Khaing, cô gái bị cảnh sát bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ngày 9/2 ở Naypyitaw. Mya qua đời sáng thứ Sáu 19/2/2021. Ảnh chụp ngày 14/2/2021 Myanmar (AP Photo, File)
Tư liệu: Sinh viên đại học Mandalay mang biểu ngữ với ảnh của Mya Thwate Thwate Khaing, cô gái bị cảnh sát bắn vào đầu trong cuộc biểu tình ngày 9/2 ở Naypyitaw. Mya qua đời sáng thứ Sáu 19/2/2021. Ảnh chụp ngày 14/2/2021 Myanmar (AP Photo, File)

Thiếu nữ bị bắn vào đầu khi cảnh sát giải tán đám đông biểu tình hồi tuần trước vừa qua đời hôm thứ Sáu, anh trai của nạn nhân cho biết. Đây là cái chết đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu cách đây hai tuần để phản đối cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar ngày 1 tháng 2.

Tin về cái chết của cô gái loan truyền giữa lúc cảnh sát và binh lính bắt giữ khoảng 50 người ở thị trấn phía bắc Myitkyina - theo một nhà hoạt động nhân quyền, sau khi phá vỡ một cuộc tuần hành mang biểu ngữ có ảnh của lãnh đạo chính phủ Aung San Suu Kyi, hiện đang bị giam cầm.

Cô Mya Thwate Thwate Khaing, vừa tròn 20 tuổi, đã được trợ sinh kể từ khi nhập viện vào ngày 9/2, sau khi bị trúng đạn tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyitaw. Các bác sĩ cho biết đây là đạn thật.

"Tôi cảm thấy rất buồn và không có gì để nói", anh trai cô, Ye Htut Aung, nói qua điện thoại.

Cái chết của cô có thể trở thành lời kêu gọi tập hợp đối với những người biểu tình lại xuống đường một lần nữa trong ngày thứ Sáu 19/2.

Anh Nay Lin Htet, 24 tuổi, nói với Reuters tại một cuộc biểu tình ở Yangon:

“Tôi lấy làm tự hào về cô ấy và vì cô mà tôi sẽ xuống đường cho đến khi chúng tôi đạt được mục tiêu.”

Người biểu tình với biểu ngữ ghi dòng chữ: "Chúng tôi, nhân dân Myanmar, hoàn toàn ủng hộ mọi hành động mà LHQ và Hoa Kỳ có thể đề ra chống "Độc tài Khủng bố" trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự. Ảnh chụp trước Ngân hàng Kinh tế Myanmar ở Mandalay, Myanmar, ngày 15/2/2021. AP
Người biểu tình với biểu ngữ ghi dòng chữ: "Chúng tôi, nhân dân Myanmar, hoàn toàn ủng hộ mọi hành động mà LHQ và Hoa Kỳ có thể đề ra chống "Độc tài Khủng bố" trong cuộc biểu tình chống đảo chính quân sự. Ảnh chụp trước Ngân hàng Kinh tế Myanmar ở Mandalay, Myanmar, ngày 15/2/2021. AP


Thứ Sáu đánh dấu hai tuần biểu tình diễn ra hàng ngày chống lại việc quân đội cướp chính quyền và bắt giữ nhà đấu tranh cho dân chủ kỳ cựu Aung San Suu Kyi.

Các cuộc biểu tình tại nhiều thị trấn và thành phố trên khắp nước diễn ra ôn hòa hơn so với các cuộc biểu tình đẫm máu dưới chế độ cầm quyền trực tiếp của quân đội kéo dài gần 50 năm cho tới năm 2011.

Tuy vậy cảnh sát cũng đã nhiều lần bắn đạn cao su để giải tán đám đông.

Ở Myitkyina, cảnh sát cầm dùi cui và binh lính đã buộc những người biểu tình chạy tứ tán xuống một con phố với các cửa hàng ở hai bên, video trên mạng xã hội cho thấy.

Nhà hoạt động nhân quyền Stella Naw cho biết khoảng 50 người đã bị bắt giữ.

Các cuộc đụng độ đã xảy ra trong thị trấn, thủ phủ của bang Kachin, trong hai tuần qua, cảnh sát dùng đạn cao su và sử dụng máy bắn đá để giải tán đám đông.

Cảnh sát ở Yangon đã phong tỏa địa điểm biểu tình chính của thành phố gần chùa Sule, và dựng rào cản trên các con đường dẫn tới một ngã tư nơi hàng chục nghìn người đã tụ tập trong tuần này.

Một nhân chứng cho biết tuy vậy, hàng trăm người vẫn tụ tập tại các rào cản, trong khi một đám đông vài nghìn người tập hợp tại một địa điểm biểu tình khác gần trường đại học rồi tuần hành đến trung tâm thành phố.

Anh và Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt mới hôm thứ Năm trong khi Nhật Bản cho biết đã đồng ý với Ấn Độ, Hoa Kỳ và Úc về sự cần thiết phải nhanh chóng khôi phục nền dân chủ ở Myanmar.

Tập đoàn quân nhân cầm quyền không phản ứng trước các lệnh trừng phạt mới. Hôm thứ Ba, một phát ngôn viên của quân đội nói trong một cuộc họp báo rằng họ đã dự kiến các biện pháp trừng phạt.

Trong quá khứ, các tướng lĩnh của Myanmar cũng không mấy nhượng bộ trước sức ép của quốc tế, hơn nữa họ có quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và Nga, hai nước vốn có lối tiếp cận nhẹ nhàng hơn so với các nước phương Tây vẫn chỉ trích họ bấy lâu nay.

Thinzar Shunlei Yi, một lãnh đạo thanh niên biểu tình, hoan nghênh việc nước Anh đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với ba tướng lĩnh, và các bước để ngăn chặn bất kỳ viện trợ nào cho quân đội Myanmar, đồng thời cấm các doanh nghiệp Anh hợp tác với quân đội Myanmar. Canada cho biết sẽ có hành động chống lại 9 quan chức quân đội.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị của Myanmar cho biết 521 người đã bị giam giữ tính cho đến thứ Năm 18/2. Trong số đó, 44 người đã được phóng thích.

Những người biểu tình yêu cầu công nhận kết quả cuộc bầu cử hồi năm ngoái, và đòi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG