Đường dẫn truy cập

Chuyến thăm của ông Biden và thái độ ‘ba phải’ của Việt Nam


Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022. Photo US Embassy in Hanoi.

Phải nói thẳng rằng, Việt Nam là một bản sao đồng dạng và nhỏ hơn của Trung Quốc trên phương diện xã hội và ý thức hệ chính trị.

Nằm trong chuỗi kỷ niệm 10 năm Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, từ đầu năm đến nay nhiều phái đoàn lãnh đạo Hoa Kỳ đã liên tục đến Việt Nam.

Đầu tiên là chuyến đi của Đại diện thương mại Katherine Tai vào tháng 2/2023. Một tháng sau thì bà Sammatha Power, giám đốc USAID đã đến Hà Nội. Sau chuyến đi nổi bật của Bộ trưởng ngoại giao Antony Blinken vào đầu tháng 4, là đến Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack và mới nhất là Bộ trưởng bộ Tài chính Janet Yellen…Nhóm tàu sân bay USS Reagan cũng góp mặt 5 ngày với rất nhiều hoạt động giao lưu.

Ngoài các quan chức thuộc hành pháp, các phái đoàn cao cấp ở Quốc Hội cũng tới tấp ghé Việt Nam. Tin tức về Thượng nghị sỹ Mike Crapo, dẫn đầu phái đoàn lưỡng đảng của Thượng Viện đến gặp cả thủ tướng Phạm Minh Chính, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ chưa kịp trôi qua thì đầu tháng 8 vừa qua, Nghị sỹ Jason Smith, chủ tịch uỷ ban Ngân sách, đã dẫn đầu 7 thành viên lưỡng đảng thuộc Hạ Viện đến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Nhưng tin tức nhiều nhất là phái đoàn doanh nghiêp lớn nhất của Hoa Kỳ với đại diện của hơn 50 công ty, tập đoàn lớn của Mỹ đã đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Hầu hết các phái đoàn đều được giao lưu rộng rãi và bày tỏ sự tôn trọng chủ quyền và thể chế chính trị của Việt Nam, lên tiếng ủng hộ một nước Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”.

Những dấu chỉ đó cho thấy Hoa Kỳ đã thực sự quan tâm đến Việt Nam một cách sâu sắc và thực chất. Hoa Kỳ cũng tin tưởng vào tình hữu nghị với Việt Nam và mong muốn được nâng cấp quan hệ lên một mức cao hơn.

Chuyến bay của Air Force One trong tháng 9?

Mới đây, tại buổi gây quỹ ở bang New Mexico, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đến Việt Nam “trong thời gian sắp tới” với kỳ vọng sẽ nâng tầm quan hệ 2 nước lên “đối tác chiến lược”. Trước đó, ông cũng nói là đã nhận được một cuộc gọi từ “người đứng đầu Việt Nam” và người đó “mong muốn gặp tôi khi tôi tới G20”.

Tờ Politico ngày 18 tháng Tám viết rằng ông Biden sẽ ký thoả thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong chuyến thăm chính thức đến Hà Nội, dẫn lời ba nguồn tin am tường về kế hoạch này.

G20 sẽ được tổ chức tại New Delhi, của Ấn Độ vào ngày 9 và 10 tháng 9. Khoảng cách đường hàng không từ thủ đô của Ấn độ đến Hà Nội là 4,5 giờ bay, không quá xa cho một chuyến Air Force One. Và một chuyến đi 2 ngày có lẽ cũng đủ để Hà Nội gióng một tiếng nói độc lập vừa phải tới Bắc Kinh.

Hà Nội không vội được đâu

Có vẻ như Ngài Biden đã bộc bạch về chuyến thăm quá nhiều trong bối cảnh Việt Nam chỉ thích im lặng để đi xa. Nghĩa là vừa phải có được lợi ích an ninh và chính trị với Hoa Kỳ nhưng không quá ồn ào để gây khó chịu cho người anh Phương Bắc.

Chúng ta còn nhớ chuyến đi của bà phó tổng thống Kamala Harris vào năm 2021, mang 1 triệu liều Vacine Covid vào giữa tâm dịch như một món quà quý giá vào thời điểm cực kỳ quan trọng nhưng vẫn không đạt được mục tiêu cụ thể nào. Mong muốn nâng cấp quan hệ “đối tác toàn diện” trở thành “đối tác chiến lược” đã không xảy ra.

Chuyến đi thậm chí còn bị “phanh” lại hơn 3h đồng hồ tại Singapore và 2 bên đã xúc tiến việc “tìm kiếm” một vài lý do khả dĩ để huỷ chuyến thăm mà không làm bẽ mặt nhau. Tuy nhiên sau cuộc gặp “thăm dò’ và “báo cáo” với Đại sứ Hùng Ba rằng “Hà Nội không liên kết với một nước này để chống lại nước kia” thì đã được diễn ra.

Tại Hà Nội, Phó tổng thống Kamala Harris đã lật một quân cờ quan trọng khi nâng tổng số viện trợ vaccine lên đến 6 triệu liều mà vẫn ra về với một thành tích vô cùng khiêm tốn.

Về bản chất, Việt Nam thực sự chưa muốn có một “Đối tác chiến lược toàn diện” và liên tục có chiêu “vừa đón vừa chửi khách” trong các hành xử ngoại giao với Hoa Kỳ. Cụ thể là ngay trước khi chuyến thăm cao cấp xảy ra thì Việt Nam vẫn có bài lên tiếng chống Mỹ. Giữa lúc tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan thăm Việt Nam thì VTV đã có một chương trình truyền hình trực tiếp “Mở đường ra biển” nói về tội ác chiến tranh của Mỹ và ca ngợi Hải Quân Việt Nam đã chống đế quốc Mỹ trong thời gian đó như thế nào.

Nhưng cục diện quốc tế nay đã khác

Đại dịch Covid và cuộc chiến tranh Ukraine đã làm thay đổi cục diện ngoại giao quốc tế. Một nước Nga “hùng mạnh” bỗng nhiên tan chảy như bùn trong đầm lầy ngập nước. Một đất nước Trung Quốc với chính sách Zero Covid rồi đột nhiên covid xuất hiện khắp nơi và hiện giờ đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế nội địa, nên đã cố gắng đẩy mâu thuẫn ra bên ngoài bằng cách “gây sự” với Đài Loan và các nước lân bang.

Việt Nam đang trở nên cô đơn hơn với 2 “đối tác chiến lược toàn diện” của mình là Trung Quốc và Nga. Cả 2 quốc gia có quan hệ cao nhất trong các bậc thang ngoại giao thì dường như đang dồn về cùng một phe. Nga đã tỏ rõ thái độ ủng hộ Trung Quốc trong các tuyên bố về chủ quyền ở biền đông .

Giả sử Trung Quốc trắng trợn xâm lược và tấn công hải đảo của Việt Nam ngay hôm nay, thái độ của thế giới sẽ ra sao?.

Chắc chắn các nước lớn sẽ lên tiếng phản đối nhưng không có Nga, hoặc có không đủ mạnh. Cuộc chiến của Putin đang kéo toàn bộ nước Nga vào một cuộc suy thoái trầm trọng cả về kinh tế và chính trị. Những dấu hiệu của xung đột nội bộ đã bộc lộ và ‘có một cái gì đó đang thối rữa”.

Sẽ không bao giờ có một nước Nga từng được cho là hết lòng giúp đỡ và sẵn sàng can thiệp để bảo vệ Việt Nam như thời Liên Xô vào cuối những năm 1970s. Các lãnh đạo Việt Nam, dù được học tập ở Liên Xô với bao niềm tin cung kính về một người anh cả vĩ đại, cũng đủ nhận thức rằng bản thân nước Nga đang rất yếu, và sẵn sàng quay lưng “bỏ” Việt Nam để đứng về phe “kẻ thù truyền kiếp”.

Trong khi nước Mỹ đã mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam sau gần 30 năm bình thường hoá quan hệ. Từ một quốc gia bị cấm vận, nay hầu hết các cửa đã mở cho Việt Nam. Mỹ là đất nước nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Việt Nam lại nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc. Về chính trị thì đương nhiên là không một siêu cường nào khác ngoài Hoa Kỳ có thể làm cho Trung Quốc bớt hung hăng trong vấn đề Biển đông. Việt Nam hiểu rất rõ điều này.

Thái độ ba phải hay lòng thuỷ chung?

Phải nói thẳng rằng, Việt Nam là một bản sao đồng dạng và nhỏ hơn của Trung Quốc trên phương diện xã hội và ý thức hệ chính trị. Do là một đất nước nhỏ, lại nằm cạnh một kẻ thù lớn đầy dã tâm bành trướng, cho nên Việt Nam phải thể hiện “không chọn bên” để có được “nhiều bên”. Đây là một chiến lược mềm dẻo và linh động trong hoàn cảnh Việt Nam.

Nó được khái quát rõ ràng bằng chính sách “ngoại giao cây tre” mà ngành tuyên giáo còn tôn vinh lên thành một “trường phái đặc sắc”, với nội hàm thể hiện ở 4 điểm: “Mềm mại, khôn khéo, can trường, biết nhu cương”.

Trong mục: “Biết nhu cương” được một sinh viên văn đang làm tổng bí thư diễn dịch rất suôn là “biết nhu, biết cương, biết thời, biết thế, biết mình, biết người, biết tiến, biết thoái, biết tuỳ cơ ứng biến, biết lạt mềm buộc chặt”. Nghe qua một loạt chỉ đạo giáo huấn về “ngoại giao cây tre” ta thấy giống cái “dây thun”, co vào duỗi ra rất ma lanh, kiểu “nói dzậy mà không phải dzậy”.

Trên thực tế, Việt Nam chỉ “đi với” Mỹ khi thấy cần phải có một bên khác nhằm cân bằng quyền lực trong khu vực còn thực chất thì luôn đặt quan hệ và sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều này được xác quyết bằng ý thức hệ sâu sắc giữa 2 đảng, bằng 16 chữ vàng và 4 tốt.

Bởi vậy chuyến đi của Biden có diễn ra và quan hệ “đối tác chiến lược” có được công bố hay không thì cũng không làm thay đổi bản chất quan hệ quốc tế của Việt Nam. Bởi lẽ “ba phải” là thái độ ngoại giao của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Nhưng để có giá trị thì đừng nghĩ là con người có thể hành động mà không cần sự thuỷ chung.

  • 16x9 Image

    Lê Quốc Quân

    Lê Quốc Quân là một luật sư Nhân quyền.

    Được đào tạo chính quy về Luật pháp và từng tu nghiệp ở nước ngoài, ông có tham gia tư vấn cho nhiều dự án phát triển tại Việt Nam được tài trợ bởi World Bank, ADB và UNDP.

    Ông viết Blog và tự nhận mình là một con “Ruồi trâu đốt vào mông đít xã hội để nó nhảy lên phía trước” nhưng hậu quả là ông bị tước giấy phép hành nghề luật và ngồi tù 3 lần.

    Ra tù ông vẫn tha thiết với việc nước và lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ quyền con người. Ông tham gia viết về nhiều đề tài nhưng tập trung vào Chính trị và Luật pháp của Việt Nam.

    Các bài viết của Luật sư Quân là Blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG