Đường dẫn truy cập

Chuyên gia Nga: Moscova muốn VN trở thành cửa ngõ của Nga vào ASEAN


Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong chuyến đến thăm Việt Nam của ông Medvedev, 6/4/15
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác trong chuyến đến thăm Việt Nam của ông Medvedev, 6/4/15

Nga đang tìm cách củng cố hơn nữa các quan hệ sẵn có với Việt Nam, và coi Hà Nội là một trong các đối tác chiến lược chủ yếu của Moscova tại Đông Nam Á.

Đó là tựa đề một bài viết đăng trên tờ báo Nga Russia Beyond the Headlines, số ra hôm nay. Tác giả bài báo cho rằng trong bối cảnh các cường quốc thế giới đang tranh giành ảnh hưởng trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, Moscova cũng tìm cách củng cố chỗ đứng đã có tại Việt Nam để mở ra một cánh cửa vào các nước ASEAN. Muốn thực hiện kế hoạch của mình, Nga đang đẩy mạnh các quan hệ thương mại với Hà nội, lên tới 10 tỉ đôla trong 5 năm tới, chủ yếu qua các dự án phát triển hợp tác trong các lĩnh vực: hạt nhân, năng lượng và công nghệ quân sự.

Tác giả bài báo là Giáo sư Vladimir Kolotov, Giám đốc Ban Lịch sử Viễn Đông thuộc Đại Học St. Petersburg. Ông nói một cuộc cạnh tranh ráo riết đã bùng nổ mới đây để tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam, trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Nam Trung Hoa, tức Biển Đông, trở nên gay gắt hơn giữa Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippines.

Giáo sư Kolotov cho rằng nước năng động nhất trong vùng là Trung Quốc, với các hoạt động xây đảo nhân tạo trong Biển Đông nhằm xây các cấu trúc hạ tầng quân sự. Sự leo thang của các cuộc tranh chấp trong vùng biển này đã khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ khí mà Giáo sư Kolotov mô tả là gay gắt chưa từng thấy trước đây trong khu vực.

Giáo sư Kolotov nói người Mỹ đã lợi dụng tình hình để tìm cách khôi phục ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á, thể hiện qua việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ, đẩy mạnh các cuộc thương thuyết để hình thành Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, nhằm đối trọng với các thoả thuận thương mại do Trung Quốc dẫn đầu trong cùng khu vực.

Nga, tuy không trực tiếp liên hệ tới các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng vấn đề này vẫn là một quan tâm của Moscova. Giáo sư Kolotov cho rằng một sự thay đổi trong cán cân quyền lực trong khu vực, chẳng hạn như sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam, có thể đe dọa vị thế của Moscova trên thị trường năng lượng, cũng như thị trường vũ khí cho Việt Nam.

Giáo sư Kolotov nói Liên Bang Nga ủng hộ một giải pháp ôn hoà để giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Bài báo dẫn lời các nhà ngoại giao Việt Nam nói họ hy vọng rằng Nga sẽ góp phần để tìm một giải pháp cho vấn đề Biển Đông, bởi vì họ tin là Nga có quan hệ tốt với Trung Quốc và Bắc Kinh thường lắng nghe các quan điềm từ Moscova.

Mặt khác, khi củng cố quan hệ với Việt Nam, Nga cũng phục vụ các lợi ích của chính mình. Giáo sư Kolotov nói trong tình hình hiện tại, điều quan trọng là Nga phải phát triển các quan hệ hữu hảo với nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, hầu có thể giảm thiểu mức thiệt hại do các biện pháp chế tài mà các nước Tây phương áp đặt đối với Moscova, vì vai trò của Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Giáo sư trường Đại học St. Petersburg này nói rằng trong thời gian qua, trong khi nhiều nước trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương trỗi dậy và trở thành các nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới, thì nước Nga vẫn ngủ yên, và giờ đây phải gấp rút đuổi theo mới có thể bắt kịp các quốc gia khác trong cuộc chạy đua để tranh giành ảnh hưởng trong khu vực.

Ông cho rằng chuyến công du chính thức của Thủ Tướng Dimitry Medvedev của Nga tới Việt Nam mới đây cũng nhắm vào mục tiêu đó.

Tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ với Việt Nam, theo Giáo sư Kolotov, được thể hiện qua sắc lệnh của Tổng Thống Nga Vladimir Putin “về những biện pháp để thi hành chính sách đối ngoại của Liên Bang Nga”, trong đó Việt Nam được xếp ngay sau Trung Quốc và Ấn Độ, và như thế kể như được Moscova coi là một trong các đối tác chiến lược hàng đầu của Nga tại Đông Nam Á.

Cùng lúc, Hoa Kỳ cũng muốn tăng cường các quan hệ với Việt Nam, qua chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter tới Á Châu. Ông Carter vừa kết thúc chuyến công du này mà các nhà phân tích cho là chủ yếu để gặp gỡ và thắt chặt tình thân hữu với các đồng minh của Mỹ.

Về vị thế của Hoa Kỳ, sau khi phỏng vấn Bộ trưởng Carter hôm Chủ nhật vừa rồi, thông tín viên Carla Babb của Đài VOA có nhận định rằng theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington muốn đánh đi một thông điệp rõ rệt tới khu vực, đó là Hoa Kỳ muốn tái cân bằng lực lượng sang Châu Á, rằng Hoa Kỳ là một thành viên thuộc khu vực Á Châu-Thái Bình Dương và trong cương vị đó, muốn tiếp tục củng cố vai trò của mình, với mục đích duy trì ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Nguồn: Russia Beyond the Headlines‎, Carla Babb- VOA Interview

VOA Express

XS
SM
MD
LG