Đường dẫn truy cập

Chủ tịch Sang dự duyệt binh ở Trung Quốc, đề cập Biển Đông


Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái), Tổng thống Myanmar Thein Sein (giữa) dự khán buổi lễ duyệt binh hoành tráng ở Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, ngày 3/9/2015.
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái), Tổng thống Myanmar Thein Sein (giữa) dự khán buổi lễ duyệt binh hoành tráng ở Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, ngày 3/9/2015.

Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang hôm 3/9 đã dự khán buổi lễ duyệt binh hoành tráng ở Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, một ngày sau khi phát biểu nhân Quốc khánh 2/9, cho rằng Việt Nam đang phải “đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức”, trong đó có vấn đề tranh chấp biển Đông.

Ông Sang cùng với 24 nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chụp ảnh chung với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh trước khi buổi lễ duyệt binh với sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ Trung Quốc diễn ra.

Chủ tịch Việt Nam tới Trung Quốc theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong khi đó lãnh đạo Philippines và Nhật Bản từ chối vì vấn đề tranh chấp lãnh hải.

Trong một bức ảnh chụp cảnh khán đài, đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đứng ngay bên phải Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Tổng thống Nga Vladimir Putin và bên trái ông Tập là cựu quan chức cấp cao của Trung Quốc Giang Trạch Dân. Không thấy ông Sang trong bức ảnh này.

Ngoài Chủ tịch Việt Nam, các quan khách từ Đông Nam Á tới tham dự cuộc phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc còn có Campuchia, Myanmar, Lào, và Đông Timor.

Khoảng 12.000 binh sĩ Trung Quốc và binh lính từ hơn 10 quốc gia, trong đó có Nga, cùng 200 máy bay đã tham gia cuộc duyệt binh quy mô lớn để đánh đấu ngày Bắc Kinh giành chiến thắng trước Nhật Bản trong Thế chiến II.

Theo trang web của chính phủ Việt Nam, sau cuộc duyệt binh, chiều 3/9, Chủ tịch Sang đã có cuộc gặp riêng với ông Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh.

Ông Sang được trích lời khẳng định rằng “Việt Nam trước sau như một coi trọng phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài với đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc”.

Chủ tịch Việt Nam cũng bày tỏ rằng “tình hình trên biển thời gian qua diễn biến phức tạp khiến các nước trong và ngoài khu vực lo ngại”, và “đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, cùng duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.

Ngoài ra, ông cũng “thúc đẩy các lĩnh vực, dự án hợp tác mà hai bên đã nhất trí, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”.

Trước đó, hôm 2/9, trong bài phát biểu kỷ niệm Quốc khánh ở trong nước, ông Sang cũng đề cập tới “tình hình thế giới và khu vực thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường”.

Tranh chấp lãnh hải được ông coi là một trong các “thách thức và khó khăn” đối với Việt Nam. Ông nói: “…sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo ngày càng gia tăng trên biển Đông và những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch chống phá Nhà nước ta, chế độ ta, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta”.

Hình ảnh lễ duyệt binh ở Trung Quốc:

VOA Express

XS
SM
MD
LG