Đường dẫn truy cập

'Cho Trung Quốc xây cao tốc, Việt Nam đưa đầu vào thòng lọng'


Một cây cầu được xây trên Quốc lộ 5 của Việt Nam (ảnh tư liệu, tháng 11/2015)
Một cây cầu được xây trên Quốc lộ 5 của Việt Nam (ảnh tư liệu, tháng 11/2015)

Ít ngày sau khi có tin một hãng Trung Quốc đề xuất được xây cao tốc cho Việt Nam, nhiều người Việt bày tỏ lo lắng trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Thậm chí, một nhà báo kỳ cựu ví việc để cho Trung Quốc thực hiện các dự án lớn cũng giống như “đưa chủ quyền quốc gia vào thòng lọng” của nước này.

Hơn một tuần trở lại đây, nhiều báo trong đó có VnEconomy, CafeF, Đất Việt và Thanh Niên cho hay Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam được tham gia đầu tư vào Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

Các bản tin nói nhà đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng ứng vốn của họ ra để làm toàn tuyến.

Theo một bài của báo Tiền Phong, tổng mức đầu tư dự kiến là gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) để xây dựng mới 654 kilomet đường thuộc dự án.

Theo tìm hiểu của VOA, khi hoàn thành, tuyến đường được xem như xương sống của đất nước sẽ đi qua 13 tỉnh thành, chạy từ Hà Nội tới Vĩnh Long. Nó bao gồm phần đường sẽ xây mới kể trên nối vào một số đoạn đường bộ cao tốc đã đưa vào sử dụng, như đường Pháp Vân-Ninh Bình, hay Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, khuyến cáo nhà chức trách “cần xem xét thật kỹ” việc nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia làm tuyến đường cao tốc huyết mạch của Việt Nam, theo một bài báo đăng hôm 18/3 trên trang Soha.

Ông Hòa dẫn ra công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội như là một bằng chứng về một số dự án do các nhà thầu Trung Quốc làm nhưng “hiệu quả đầu tư không tốt dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ hoàn thành, khiến dư luận bức xúc”.

Dẫn tài liệu của Bộ Giao thông Vận tải, các báo Việt Nam trong đó có Dân Việt và Nhà Đầu Tư hồi cuối năm 2018 nói rằng số tiền chi cho dự án Cát Linh-Hà Đông tăng từ 8.769 tỉ đồng lên 18.000 tỉ đồng, đội vốn hơn 9.200 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, VOA được biết theo hợp đồng ban đầu dự án lẽ ra phải đi vào hoạt động từ năm 2014, nhưng đến thời điểm giữa tháng 3/2019 vẫn chưa chính thức vận hành, như vậy tiến độ bị chậm 5 năm.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đến nay chậm tiến độ 5 năm
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông đến nay chậm tiến độ 5 năm

“Chúng ta đang rất cần vốn cho phát triển giao thông nhưng không vì điều đó mà đánh đổi lấy những hệ lụy, tiêu cực về sau như đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng thấp... gây tổn hại cho đất nước, nhân dân", Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói với Soha.

Ông Hòa cũng nhấn mạnh rằng trong quá trình xem xét đề xuất của nhà thầu Trung Quốc, nhà chức trách Việt Nam “cần làm rõ tiềm lực, họ đã từng thi công các công trình nào, chất lượng, tiến độ ra sao, giá thành thế nào...”

Lời cảnh báo từ vị đại biểu quốc hội được cộng hưởng bởi các quan điểm do một số Facebooker nổi tiếng và nhiều người sử dụng mạng xã hội khác đưa ra trong mấy ngày nay, theo quan sát của VOA.

Trên trang cá nhân có tổng cộng hơn 90.000 người theo dõi, nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân cũng nêu ra dự án Cát Linh-Hà Đông như một ví dụ, ngoài ra ông cũng nhắc đến sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, để gióng lên hồi chuông báo động rằng nếu đại công trình cao tốc Bắc-Nam giao cho Trung Quốc, “đất nước sẽ rơi vào đại họa”.

Tiếp đến, ông Vân đưa ra lời nhận định gây lạnh xương sống: “Đây không chỉ là cái bẫy nợ nần hàng chục tỉ đô la đè nặng nhiều thế hệ, đây còn là cái thòng lọng thít chặt chủ quyền đất nước không thể thoát ra được trong khi chủ quyền biển đảo đang bị Trung Quốc đe dọa hàng ngày”.

Bài viết của Facebooker nổi tiếng được 490 người chia sẻ và nhận 2.600 phản ứng yêu, thích.

Hạ tầng Việt Nam quá tải, nhiều tuyến đường cần được xây mới
Hạ tầng Việt Nam quá tải, nhiều tuyến đường cần được xây mới

Một nhà báo khác, ông Mạnh Quân, có trang Facebook cá nhân được tổng cộng hơn 35.000 người theo dõi, viết rằng tuy không phủ nhận là Trung Quốc “vĩ đại, giỏi giang”, song cần nhận thấy Trung Quốc “chỉ làm những điều tốt đẹp nhất cho đất nước của họ thôi và thải ra, mang qua những nước khác tất cả những thứ cặn bã, lạc hậu của họ...”

Ông Quân đưa ra nhận định cá nhân rằng Việt Nam “có lẽ là một trong những nước hứng những rác thải công nghệ, máy móc...lạc hậu nhất của Trung Quốc”.

Để củng cố cho lập luận của mình, nhà báo này nêu ra một số dự án của Trung Quốc ở Việt Nam có hiệu quả tồi tệ, mà theo lời ông “đã thua lỗ hoặc phá sản với qui mô cộng lại chắc đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng”.

Đó là “Dự án Đạm Ninh Bình (700 triệu đô la), 4 dự án Ethanol đã phá sản...và đỉnh cao đang là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, không biết bao giờ mới vận hành”, ông Quân viết.

Nhà báo này kết luận bài viết của mình với lời khẳng định rằng nếu nhà thầu Trung Quốc “lại trúng thầu” trong dự án cao tốc Bắc-Nam, điều đó “có nguy cơ là thảm họa - bẫy nợ lớn nhất mà VN có thể sẽ rơi vào”.

Ông Quân bày tỏ mong muốn những người có trách nhiệm “nhìn lại hết tất cả các dư án, công trình mà Trung Quốc được làm trên đất Việt Nam này và cả nhiều quốc gia khác để mà tỉnh ngộ”.

Đề tài này cũng thu hút nhiều thảo luận trên các diễn đàn mạng xã hội. Trên hai trang Góc nhìn Báo chí-Công dân và Bàn luận về Kinh tế-Chính trị, hàng trăm người bày tỏ ý kiến, trong đó nhiều người đồng ý với đề xuất rằng nếu chính phủ Việt Nam muốn vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam, họ cần phải trưng cầu ý dân, vì việc này liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG