Đường dẫn truy cập

Chính sách về Trung Quốc của TT Biden không khác nhiều so với ông Trump


Tân Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) đồng tình với phần lớn chính sách của người tiền nhiệm.
Tân Ngoại trưởng Antony Blinken (trái) đồng tình với phần lớn chính sách của người tiền nhiệm.

Trong cuộc họp báo hôm 25/1, tân Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng trong vài năm qua Trung Quốc ngày càng chuyên chế hơn ở trong nước và lấn lướt hơn ở nước ngoài, và Bắc Kinh hiện đang thách thức an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của Mỹ một cách rõ rệt, đòi hỏi Mỹ phải có cách tiếp cận mới, một bản tin của Reuters cho biết.

Bà Jen Psaki, phát ngôn viên của tân Tổng thống Biden, nói thêm: “Chúng tôi muốn tiếp cận vấn đề này với sự kiên nhẫn chiến lược”, vẫn theo Reuters, và bà khẳng định rằng Nhà Trắng sẽ làm việc chặt chẽ với các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong quốc hội Mỹ, cũng như với các đồng minh và đối tác quốc tế, về vấn đề này trong những tuần tới.

Trước khi có những phát biểu sơ lược của bà Psaki về chính sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, trong buổi điều trần hôm 19/1 để được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận chức ngoại trưởng, ông Antony Blinken khiến các đảng viên Cộng hòa ngạc nhiên khi ông đồng tình với phần lớn chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump, đặc biệt là về Trung Quốc, The Hill tường thuật.

Tương tự như vậy, trong các phiên điều trần của họ, tân Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và tân Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cũng nêu lên những nét cơ bản về chính sách thể hiện sự tiếp nối đáng kể giữa chính quyền ông Trump với chính quyền ông Biden về các vấn đề an ninh quốc gia, vẫn The Hill cho biết.

Cả ông Austin lẫn bà Haines đều hứa sẽ chú ý nhiều hơn đến Trung Quốc, xem nước này như là một “đối thủ” ngày càng mạnh.

Ông Austin nói: “Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với Hoa Kỳ. Vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phải là trọng tâm của Bộ Quốc phòng Mỹ”.

Bà Haines phát biểu: “Trung Quốc là một thách thức đối với an ninh, sự thịnh vượng và các giá trị của chúng ta trong nhiều vấn đề và tôi ủng hộ một lập trường xông xáo hơn, quyết liệt hơn so với thời chính quyền Obama-Biden".

Bà Bi-khim Hsiao, Đại diện của Đài Loan ở Mỹ, dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống và phó tổng thống Mỹ hôm 20/1/2021
Bà Bi-khim Hsiao, Đại diện của Đài Loan ở Mỹ, dự lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống và phó tổng thống Mỹ hôm 20/1/2021

Không quay lại thời Clinton-Bush-Obama

Ông Joseph Bosco, giám đốc chuyên trách Trung Quốc, phục vụ cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 2005 đến 2006, bình luận trên The Hill rằng cách tiếp cận hiện nay của ông Blinken dường như rất giống quan điểm quyết liệt của đội ngũ làm chính sách về Trung Quốc dưới thời chính quyền Trump, và như vậy, quan điểm của ông Blinken có sự khác biệt với chiến lược của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Điều phối viên về chính sách Trung Quốc Kurt Campbell.

Hai ông Sullivan và Campbell chủ trương rằng Mỹ có lối sống riêng song cũng tôn trọng lối sống của các nước khác. Cả hai ông đều không cần Thượng viện chuẩn thuận.

Vẫn ông Joseph Bosco, hiện là nhà nghiên cứu không thường trú của Viện Nghiên cứu Corean-American và là thành viên ban cố vấn của Viện Đài Loan toàn cầu, nhận xét trên The Hill rằng tân Ngoại trưởng Blinken cũng đồng tình với việc cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo xác định chương trình đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc là “tội ác diệt chủng”.

Điều này nhất quán với tuyên bố rõ ràng từ ban vận động bầu cử của ông Biden về vấn đề này: “Sự áp bức không tả xiết mà người Duy Ngô Nhĩ và các sắc tộc thiểu số khác phải gánh chịu dưới bàn tay chuyên chế của chính phủ Trung Quốc là tội ác chủng và ông Joe Biden chống lại với mức độ mạnh mẽ nhất".

Về vấn đề Đài Loan, trong phiên điều trần, ông Blinken được hỏi chính quyền mới sẽ xử lý ra sao việc Trung Quốc hành xử hung hăng đối với hòn đảo theo chế độ dân chủ. Đáp lại, ông Blinken cam kết sẽ tiếp tục giúp Đài Loan có khả năng tự vệ và tăng cường việc Đài Loan tham gia vào hoạt động quốc tế. Ông Blinken nói rằng ông muốn hoàn thành quá trình mà ông Pompeo đã khởi xướng về việc nới lỏng các hạn chế đối với các giao tiếp chính thức của chính phủ Mỹ với Đài Loan.

Viết trên The Hill, nhà nghiên cứu Joseph Bosco nêu ra quan sát rằng khi còn là tổng thống đắc cử và giờ đây đã chính thức là tổng thống, ông Biden không làm theo cách của ông Trump là nhận điện thoại chúc mừng từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Nhưng ông Biden tạo ra tiền lệ của riêng mình bằng cách mời đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ, Bi-khim Hsiao, dự lễ nhậm chức của ông - điều này có thể dễ đoán rằng cũng khiến Bắc Kinh khó chịu.

Vài ngày sau, Trung Quốc điều phi đội máy bay ném bom lớn nhất trong nhiều năm gần đây bay qua không phận Đài Loan, còn chính quyền mới của Hoa Kỳ điều động tàu sân bay Theodore Roosevelt cùng các tàu hải quân khác vào Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Joseph Bosco lưu ý rằng trong 4 năm trước, tuy chính quyền Trump gia tăng việc điều tàu hải quân đi qua eo biển Đài Loan, song không có hoạt động của tàu sân bay, các chính quyền khác của Mỹ trước đó cũng vậy, chỉ ngoại trừ một lần tàu sân bay phải "chuyển hướng vì thời tiết" vào năm 1995 và một cuộc khác rõ ràng là để thách thức vào năm 2007.

Song song với hoạt động của tàu sân bay Theodore Roosevelt, Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một tuyên bố thúc giục Bắc Kinh ngừng áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan và tuyên bố "Cam kết của Mỹ với Đài Loan hết sức vững chắc".

Nhà nghiên cứu Joseph Bosco viết trên The Hill rằng nhìn chung, những tín hiệu ban đầu từ chính quyền Biden cho thấy ít có khả năng xảy ra chuyện chính sách về Trung Quốc sẽ quay trở lại giống như thời của các chính quyền Clinton-Bush-Obama.

Thay vào đó, theo ông Joseph Bosco, cách tiếp cận hợp lý, hướng tới tương lai của đội ngũ thời ông Trump nhiều khả năng sẽ được giữ lại và củng cố, ít nhất là trong ngắn hạn.

Còn để biết chắc về triển vọng dài hạn, ta phải đợi đến khi nào Trung Quốc, hoặc Triều Tiên, gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ, và chính quyền Biden nhận thấy họ phải xử lý một vấn đề to lớn, nhà nghiên cứu Joseph Bosco viết.

Trong chính sách về Trung Quốc, chính quyền của ông Biden chắc chắn sẽ phải làm việc về vấn đề Biển Đông.

Trên trang web của The Dilomat, ông Derek Grossman, nhà phân tích cấp cao về quốc phòng tại Tổ chức RAND phi lợi nhuận, phi đảng phái, đưa ra một số gợi ý về những gì chính quyền Biden nên làm liên quan đến Biển Đông và Việt Nam.

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, ảnh chụp hôm 4/6/2020
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt, ảnh chụp hôm 4/6/2020

Mỹ nên làm gì với Việt Nam về Biển Đông?

Ông Derek Grossman, cũng là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Southern California, cho biết Việt Nam khá hài lòng với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 13/7/2020 về việc Hoa Kỳ sẽ không tôn trọng các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh xuất phát từ các thực thể trong vòng tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, bãi cạn Scarborough, bãi cạn Luconia và Natuna Besar.

Vì vậy, một quyết định của chính quyền Biden nhắc lại lập trường chính sách này sẽ được Hà Nội đánh giá rất cao, nhà phân tích Derek Grossman viết trên The Diplomat.

Nhưng Việt Nam chắc chắn còn muốn thấy nhiều hơn thế, vẫn theo ông Derek Grossman. Nếu đội ngũ của ông Biden đưa ra một tuyên bố tương tự từ chối công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển liên quan đến quần đảo Hoàng Sa (và thậm chí tốt hơn nữa là không công nhận chính quần đảo đó), thì Hà Nội có thể sẽ vui mừng khôn xiết.

Thứ hai, ông Derek Grossman nhận định rằng Việt Nam âm thầm tán thành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ vì chiến lược này có đường lối cứng rắn chống lại Trung Quốc ở Biển Đông và cho thấy ý định của Washington trong việc duy trì sự hiện diện trong khu vực trong nhiều năm tới.

Do đó, nếu chính quyền Biden giữ nguyên chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (là điều nên làm), điều này có thể báo hiệu cho Hà Nội rằng Washington nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh thực hiện các hành động chiếm đóng ở Biển Đông và Mỹ sẽ trừng phạt Trung Quốc nếu có những vi phạm mới, ông Derek Grossman nêu ý kiến trên The Diplomat.

Thứ ba, ông Derek Grossman cho rằng việc Mỹ tham gia các hội nghị khu vực quan trọng, như Diễn đàn khu vực ASEAN và Hội nghị Thượng định Đông Á, coi như đã tham gia một nửa “trận chiến” ở Đông Nam Á. Nếu chính quyền Biden muốn cải thiện hình ảnh của mình ở Việt Nam và ở khu vực, việc cử các quan chức cấp cao của Mỹ tham dự các sự kiện này - mà tốt nhất là đích thân tổng thống đến dự - sẽ rất quan trọng. Khi tham gia các hội nghị, chính quyền Mỹ sẽ được lợi với việc nhắc lại tuyên bố của ông Pompeo về Biển Đông, và nếu có thể được, cũng nên tiến xa hơn với một tuyên bố về Hoàng Sa.

Thứ tư, nhà phân tích quốc phòng kỳ cựu Derek Grossman đánh giá trên The Diplomat rằng có những cơ hội rõ rệt để Hoa Kỳ siết chặt hợp tác an ninh với Việt Nam. Ví dụ, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ Việt Nam tăng khả năng giám sát, theo dõi mặt biển để giúp Việt Nam nắm chắc hơn về những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Các hình thức hợp tác an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, hoặc tìm kiếm và cứu nạn, giúp hai bên tiến tới thực hiện diễn tập song phương, mặc dù không liên quan đến tác chiến sát thương, song vẫn có thể giúp mang lại các kỹ năng quan trọng cho lực lượng vũ trang Việt Nam.

Hơn nữa, vẫn theo ông Derek Grossman, Sách trắng Quốc phòng mới nhất của Việt Nam, công bố hồi tháng 11/2019, rõ ràng để ngỏ cánh cửa cho việc làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh với Hoa Kỳ (mặc dù tài liệu này không nêu đích danh Hoa Kỳ), nếu như Trung Quốc tiếp tục gia tăng sự lấn lướt của họ ở Biển Đông. Do đó, chính quyền Biden có thể được hưởng lợi từ một nước Việt Nam tích cực tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn trong tương lai.

Cuối cùng, ông Derek Grossman nêu ra gợi ý rằng chính quyền Biden có thể nên cân nhắc nối lại các bàn thảo với Việt Nam về việc nâng cấp “quan hệ đối tác toàn diện” Hoa Kỳ-Việt Nam thành “đối tác chiến lược”. Làm như vậy sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Việt Nam có hậu thuẫn mạnh mẽ ở Hoa Kỳ và có thể mở ra hợp tác an ninh sâu rộng hơn giữa hai nước Mỹ, Việt.

VOA Express

XS
SM
MD
LG