Đường dẫn truy cập

Chính sách đối ngoại đứng đầu cuộc tranh luận của các ứng viên Cộng hoà


Các ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng Cộng hoà trong cuộc tranh luận lần hai tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, ngày 16/9/2015.
Các ứng cử viên tổng thống năm 2016 của đảng Cộng hoà trong cuộc tranh luận lần hai tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, ngày 16/9/2015.

Các vấn đề đối ngoại đã trở thành trọng tâm của cuộc tranh luận hôm thứ tư giữa các ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà. Theo tường thuật của thông tín viên William Gallo của đài VOA, các ứng viên đã trình bày những sự chọn lựa tốt nhất để thay cho những chính sách mà họ cho là yếu kém của Tổng thống Barack Obama.

11 ứng viên hàng đầu tham gia cuộc tranh luận tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan ở California đã tranh cãi với nhau về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề làm thế nào để ứng phó với thoả thuận hạt nhân Iran, một nước Trung Quốc đang trỗi dậy, một nước Nga có những hành động hung hãn, và nhóm Nhà nước Hồi giáo đang gây hỗn loạn ở Syria và Iraq.

Thoả thuận hạt nhân Iran đã chiếm phần lớn thời gian của cuộc tranh luận, trong lúc thoả thuận này làm bùng ra một sự chống đối kịch liệt từ đảng Cộng hoà và đang được Quốc hội xem xét.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đại diện tiểu bang texas, đã trình bày lập trường có lẽ là cứng rắn nhất chống lại Iran. Ông nói nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ xé tan thoả thuận với Iran “thành từng mảnh” trong ngày đầu tiên tại chức.

Cựu Thống đốc Florida, ông Jeb Bush, và Thượng nghị sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky nói rằng cách thức đó quá nóng vội; và họ cho rằng vị tổng thống kế tiếp không nên đảo ngược ngay một thoả thuận đã đạt được với các đồng minh của Mỹ.

Hai ứng cử viên đảng Cộng hoà Jeb Bush và Donald Trump tranh luận, ngày 16/9/2015.
Hai ứng cử viên đảng Cộng hoà Jeb Bush và Donald Trump tranh luận, ngày 16/9/2015.

“Xé bỏ một thoả thuận không phải là một chiến lược,” ông Bush nói. Thay vào đó, ông hô hào cho việc tăng cường quan hệ với địch thủ của Iran là Israel, một hành động mà ông cho là sẽ tạo ra “một hiệu ứng răn đe có tính chất lành mạnh hơn bất cứ điều gì khác” mà ông có thể nghĩ ra.

Ông Paul thì cho rằng huỷ bỏ thoả thuận này mà không đợi để xem Iran có tuân hành hay không là một việc “kỳ quặc”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết ông sẽ bỏ phiếu để chống lại thoả thuận này tại Quốc hội.

Ông Paul trong nhiều năm qua đã chỉ trích sự can dự quân sự của Mỹ ở Trung Đông, và những phát biểu của ông ngày hôm qua phản ánh chủ trương đó. “Lúc nào cũng có một ông Bush hoặc một ông Clinton cho quí vị nếu quí vị muốn trở lại Iraq để đánh nhau,” ông Paul nói.

Về vụ khủng hoảng ở Syria, thượng nghị sĩ Paul nói rằng không có gì để bảo đảm là sự can thiệp – bất kể là về phe của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay về phe các phiến quân đang tìm cách lật đổ ông, sẽ làm cho nước Mỹ được an toàn hơn. “Đôi khi cả hai bên của cuộc nội chiến đều ác, và đôi khi sự can thiệp làm cho chúng ta ít an toàn hơn,” ông nói.

Ông Donal Trump, người đang dẫn đầu cuộc chạy đua trong đảng Cộng hoà, đã đề ra chiến lược để ứng phó với các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo và Tổng thống Assad. “Cứ để cho họ đánh nhau và nhặt nhạnh những gì còn sót lại,” ông Trump nói.

Ông Trump là người có ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại và hồi gần đây đã tỏ ra bối rối khi trả lời những câu hỏi của báo chí về những phe nhóm và những nhân vật lãnh đạo quốc tế. Tối hôm qua ông đã không tham gia nhiều vào cuộc tranh luận về vấn đề đối ngoại. “Tôi sẽ biết nhiều hơn về những vấn đề của thế giới khi tôi vào Tòa Bạch Ốc,” ông Trump nói, trong lúc thừa nhận ông không biết nhiều về các vấn đề ở nước ngoài bằng những người đang tranh luận với ông.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida đã chụp lấy cơ hội đó để đưa ra lập luận là sự thiếu kiến thức của ông Trump về chính sách đối ngoại làm cho ông này không thích hợp để lãnh đạo đất nước. “Quí vị nên hỏi ông ấy những câu hỏi chi tiết về các vấn đề chính sách đối ngoại mà tổng thống của chúng ta sẽ phải đương đầu, bởi vì người làm tổng thống phải lãnh đạo đất nước chúng ta ngay từ ngày đầu tiên,” ông Rubio nói.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida.



Bà Carly Fiorina, cựu tổng giám đốc đại công ty Hewlett Packard, cũng tìm cách chứng tỏ sự am tường của bà về chính sách đối ngoại và nói rằng bà sẽ không nói chuyện với Tổng thống Vladimir Putin của Nga.

“Điều mà tôi sẽ làm, ngay tức khắc, là bắt đầu xây dựng lại Đệ Lục Hạm Đội. Tôi sẽ bắt đầu xây dựng lại hệ thống phòng thủ phi đạn ở Ba Lan. Tôi sẽ tiến hành những cuộc diễn tập quân sự thường xuyên và có tính chất kịch liệt tại các nước vùng Baltique. Có lẽ tôi sẽ phái thêm vài ngàn binh sĩ tới Đức,” bà Fiorina phát biểu như vậy và nói thêm rằng “Ông Vladimir Putin sẽ hiểu được thông điệp này.”

Trước đây, ông Trump có cho biết ông sẽ gặp ông Putin. Ông phát biểu như sau trong cuộc tranh luận hôm qua: “Tôi sẽ nói chuyện với ông ấy. Tôi sẽ có quan hệ vui vẻ với ông ấy. Tôi tin – và tôi có thể sai, và trong trường hợp đó tôi có thể theo đuổi một đường lối khác, nhưng tôi sẽ có quan hệ vui vẻ với nhiều nhà lãnh đạo thế giới mà nước này không có một mối quan hệ vui vẻ.”
Tối hôm qua, các ứng viên tổng thống cũng tranh nhau để làm người có thái độ cứng rắn nhất đối với Trung Quốc, không khác gì những cuộc tranh luận trong những cuộc bầu cử trước đây ở Mỹ.

Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Carly Fiorina và Scott Walker trong cuộc tranh luận tại California, 16/9/2015.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa Carly Fiorina và Scott Walker trong cuộc tranh luận tại California, 16/9/2015.

Thống đốc tiểu bang Wisconsin, ông Scott Walker, đã đả kích Tổng thống Obama vì nhà lãnh đạo Mỹ đang chuẩn bị tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tòa Bạch Ốc vào tuần sau. Ông Walker nói “Tại sao chúng ta dành một cuộc thăm viếng chính thức cấp quốc gia cho một nước đã dính líu vào một vụ tấn công mạng qui mô lớn chống lại nước Mỹ? Đó không phải là một cuộc thăm viếng thông thường mà là một cuộc nghênh tiếp với 21 phát súng đại bác chào mừng tại Vườn Nam của Tòa Bạch Ốc. Đây là một việc hết sức vô lý.”

Ông Jeb Bush thì cho biết ông không tán thành việc huỷ bỏ buổi dạ tiệc thết đãi ông Tập Cận Bình, mà thay vào đó, ông sẽ “dùng những chiến thắng tấn công liên quan tới vấn đề an ninh mạng để đánh đi một tín hiệu răn đe cho Trung Quốc.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG