Đường dẫn truy cập

Chính quyền Obama xem xét việc ngưng do thám đồng minh


Chính quyền Tổng thống Obama đang gặp rắc rối lớn trong mấy tuần qua cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài vì những cáo giác nói rằng Mỹ đã lén theo dõi liên lạc cá nhân của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới.
Chính quyền Tổng thống Obama đang gặp rắc rối lớn trong mấy tuần qua cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài vì những cáo giác nói rằng Mỹ đã lén theo dõi liên lạc cá nhân của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới.
Các giới chức Hoa Kỳ nói rằng chính quyền Tổng thống Obama đang cân nhắc liệu có nên ra lệnh cho Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NSA, chấm dứt việc theo dõi lãnh đạo của các nước đồng minh của Hoa Kỳ hay không.

Chính quyền Tổng thống Obama đang gặp rắc rối lớn trong mấy tuần qua cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài vì những cáo giác nói rằng Mỹ đã lén theo dõi liên lạc cá nhân của 35 nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có điện thoại cầm tay của Thủ tướng Ðức Angela Merkel.

Trong một cuộc phỏng vấn trên hệ thống truyền hình Fusion hôm thứ Hai, Tổng thống Obama không cho biết vấn đề là trước đây ông có biết NSA đã thực hiện những chương trình nghe lén xem lén bằng phương tiện điện tử ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và những nước khác trên thế giới hay không.

"Ðiều mà tôi xác nhận là chúng tôi đang xem xét lại toàn bộ cách thức hoạt động tình báo của chúng tôi bên ngoài nước Mỹ. Có những luật lệ rất nghiêm ngặt về các hoạt động ở trong nước và đó là những lo ngại ban đầu do những tiết lộ của Snowden gây ra. Còn ở nước ngoài thì các quy định bớt nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động của toán tình báo của chúng ta. Nhưng điều tôi đã nói, và tôi đã nói trước khi có vụ tiết lộ của Snowden – là điều quan trọng đối với chúng ta là phải đảm bảo trong lúc kỹ thuật phát triển và mở rộng và khả năng thu thập tình báo của chúng ta gia tăng, thì chúng ta phải bảo đảm là chúng ta làm những điều đúng đắn, những điều phản ảnh giá trị của chúng ta."

Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của NSA, hồi đầu năm nay đã tiết lộ nhiều tài liệu cho thấy tình báo của Mỹ theo dõi rộng khắp các hoạt động trên mạng Internet và liên lạc điện thoại của công dân Mỹ và các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Một phái đoàn đông người gồm các nhà lập pháp của Liên hiệp Âu châu đang có mặt tại Washington để thực hiện hàng loạt các cuộc họp với các nhà lập pháp và các giới chức tình báo Hoa Kỳ về những cáo buộc này.

Ông Claude Morais, đồng chủ tịch của Ðoàn đại biểu Liên hiệp Âu châu, phát biểu như sau.

"Tôi cho rằng vụ việc này chắc chắn đã gây tổn hại cho sự tin tưởng lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu. Chẳng hạn như đối với Ðức, một đồng minh hết sức thân thiết, thì rõ ràng chuyện này là một cú đấm vào lòng tin của họ. Theo tôi thì đây không phải là một đòn chí mạng, bởi vì chúng tôi đang nói tới đồng minh mạnh nhất của chúng tôi trong cuộc chiến đấu liên quan những vấn đề quan trọng, chẳng hạn như khủng bố, do đó qúy vị có thể nhận thấy rằng đây không phải là đòn chí mạng. Ðó chỉ là một cú đấm vào lòng tin. Và đây là một hồi chuông cảnh báo thực sự để Liên hiệp châu Âu tìm cách khôi phục lại lòng tin này, phải hiểu được tại sao hoạt động tình báo của NSA là cần thiết, tại sao những hoạt động đó đi quá mức như vậy."

Nhật báo The Wall Street Journal ở Mỹ hôm thứ Hai loan tin rằng trong gần 5 năm làm tổng thống, ông Obama không biết các cơ quan tình báo của ông theo dõi điện thoại của Thủ tướng Merkel và các nhà lãnh đạo thế giới khác.

Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, ra một tuyên bố hôm thứ Hai, yêu cầu thức hiện một cuộc kiểm điểm toàn bộ các chương trình tình báo của Hoa Kỳ để trả lời cho những cáo buộc này. Bà Feinstein nói thêm rằng ủy ban của bà không được NSA “thông báo đầy đủ.”

Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper dự trù sẽ đối diện với những câu hỏi về vấn đề này khi ông ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện hôm nay.

VOA Express

XS
SM
MD
LG