Đường dẫn truy cập

Đài Loan, Trung Quốc mở văn phòng du lịch tại thủ đô 2 nước


Đài Loan và Trung Quốc vừa mở văn phòng du lịch tại Bắc Kinh và Đài Bắc, đánh dấu sự hiện diện chính thức đầu tiên tại cả 2 bờ eo biển Đài Loan, kể từ năm 1949 khi hai phần đất này chia cắt vì cuộc nội chiến.

Nhân viên văn phòng du lịch của Đài Loan tại Bắc Kinh cũng như nhân viên văn phòng của Trung Quốc tại Đài Bắc đều là những giới chức chính phủ. Phần vụ chính của họ là đẩy mạnh trao đổi du lịch và văn hóa, nhưng sự hiện diện của những giới chức chính phủ tại các văn phòng này mới là điều mang nhiều ý nghĩa nhất.

Ông Yang Jui-tsung là giám đốc văn phòng Hiệp Hội Du Lịch Eo Biển Đài Loan tại Bắc Kinh và là giới chức cấp cao đầu tiên của Đài Loan tại Trung Quốc.

Ông Yang nói việc lập văn phòng tại cả 2 nơi, với sự điều hành của nhân viên chính phủ là một diễn tiến rất tích cực và là 1 biểu tượng của những nỗ lực của cả 2 bên để tiến tới hòa bình và hòa giải. Ông nói thêm, việc mở những văn phòng kể trên có vẻ còn dẫn tới tiến bộ về những lãnh vực khác nữa.

Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc hiện đang ở mức gần gũi nhất so với nhiều thập niên trước.

Kể từ khi Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nhậm chức vào năm 2008, ông đã thúc đẩy các quan hệ với Bắc Kinh và cố gắng đặt những tranh cãi chính trị qua một bên để tập trung nhiều hơn vào quan hệ kinh tế.

Trong ít năm gần đây, Đài Loan đã bắt đầu cho du khách Trung Quốc vào tham quan đảo quốc này trong cố gắng phát triển kinh tế và đã thiết đặt các tuyến giao thông trực tiếp và đều đặn. Các cuộc thương thảo ở cấp cao hơn cũng đã bắt đầu lại.

Ông Joseph Wu, từng là giám đốc của cơ quan hàng đầu về chính sách đối với Trung Quốc, tức là Hội Đồng Đại Lục Vụ, nhận định rằng việc mở văn phòng du lịch rất có ý nghĩa, và tích cực vì sự hiện diện chính thức mà nó mang lại cho cả 2 bên. Ông nói:

“Sự kiện này sẽ cho phép cả 2 bên, nhất là các giới chức, có thể gặp gỡ nhau và bàn thảo về những vấn đề thực tế, và chúng tôi hy vọng rằng dần dà với thời gian đôi bên sẽ xây dựng được lòng tin.”

Tuy nhiên, ông Wu cũng nêu lên rằng một số người dân Đài Loan, đặc biệt thuộc đảng đối lập Dân Chủ Tiến Bộ, lo ngại là việc Đài Loan cứ phát triển quan hệ với nước láng giềng to lớn của mình sẽ khiến cộng đồng quốc tế có cảm tưởng rằng Đài Loan đã chấp nhận là 1 phần của Trung Quốc.

Kể từ năm 1949, khi chế độ Cộng Sản của Mao Trạch Đông nắm quyền tại đại lục, Trung Quốc và Đài Loan đã có hai chính quyền riêng rẽ, biệt lập. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn luôn tuyên bố đảo quốc tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ.

Bà Liu Hsiao-hsu, một nữ doanh gia Đài Loan và là nghiên cứu sinh tại Đại Học Nhân Dân Trung Quốc, nói rằng mối bang giao đặc biệt của Đài Loan với Trung Quốc và chính sự đặc biệt của đảo quốc này là một trở ngại liên tục cho việc tiến tới mối quan hệ kinh tế gần gũi hơn. Bà nhận định:

“Theo tôi, hiện nay Đài Loan đang phải đối mặt với một trở ngại thực sự to lớn trong các mối xung đột chính trị giữa Đài Loan và Trung Quốc. Và, những vấn đề chính trị này ảnh hưởng quá nhiều lên nền kinh tế. Đương nhiên, chúng ta không không thể phủ nhận hoặc tránh né sự liên hệ giữa kinh tế và chính trị. Nhưng tôi nghĩ rằng Đài Loan không có những tài nguyên thiên nhiên. Đài Loan cần phải trông cậy vào ngoại thương.”

Bà Liu nói Đài Loan có một cách để giúp cải thiện tình hình là tiến tới 1 thỏa ước đang được đề xuất với Trung Quốc, gọi là hiệp định khung về hợp tác kinh tế, gọi tắt là ECFA.

Theo bà đây là điều rất quan trọng vì ECFA có mục tiêu là từ từ chuyển Đài Loan và Trung Quốc vào khu vực mậu dịch tự do. Bà nhận định tiếp:

“Tôi nghĩ ECFA là một cơ hội cho cả Trung Quốc và Đài Loan để tạm quên chuyện chính trị và tập trung vào kinh tế.”

Ông Joseph Wu nói rằng đảng đối lập chính của Đài Loan là Đảng Dân Chủ Tiến Bộ, DPP tin là thỏa ước mậu dịch sẽ khiến mức thất nghiệp tăng lên, và tác hại đến tính cạnh tranh của các công ty Đài Loan. Ông Wu nói:

“Các ngành công nghệ gọi là mặt trời lặn của Đài Loan, nghĩa là các công ty cỡ trung và cỡ nhỏ hoặc các nông gia có thể phải chịu thua lỗ, vì vốn đầu tư, nhân công cùng hàng hóa Trung Quốc sẽ đổ vào Đài Loan trong những năm tới và điều đó sẽ ảnh hưởng lớn lên nền kinh tế Đài Loan.”

Quốc Dân đảng đang cầm quyền tại Đài Loan nói rằng, Đài Loan cần có thỏa ước này, vì Đài Loan đang bị tụt hậu, trong lúc các nền kinh tế khác thuộc khu vực lại đang thúc đẩy để tiến tới những hiệp ước mậu dịch tự do.

Chính phủ Đài Loan cho biết, con số hiệp ước mậu dịch tự do tại châu Á đã tăng từ 3 vào năm 2000 lên đến 58 vào năm 2008. Chính phủ ghi nhận rằng tại châu Á, chỉ còn 2 nền kinh tế là Đài Loan và Bắc Triều Tiên là chưa đi tới những hiệp ước đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG