Đường dẫn truy cập

Đảng cầm quyền TQ định hướng tương lai quốc gia


Chỉ có ông Hồ Cẩm Đào (trái) và ông Tập Cận Bình là hai nhân vật dân sự trong Quân ủy Trung ương
Chỉ có ông Hồ Cẩm Đào (trái) và ông Tập Cận Bình là hai nhân vật dân sự trong Quân ủy Trung ương

Đảng cộng sản Trung Quốc đã đề ra kế hoạch phát triển mới cho 5 năm, và đưa Phó chủ tịch Tập Cận bình vào chức vụ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào. Thông tín viên Stephanie Ho từ Bắc Kinh tường trình rằng cuộc họp thường niên của đảng diễn ra giữa lúc có những lời đòi hỏi cải tổ chính trị để phù hợp với tiến bộ kinh tế.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của phiên họp kéo dài 4 ngày là việc loan báo đã được dư luận rộng rãi dự đoán trước về việc thăng chức cho Phó chủ tịch Tập Cận Bình vào chức vụ Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Theo ông Willy Lam, một chuyên gia về trung Quốc tại Tổ chức Jamestown ở Washington thì đây là một dấu hiệu rõ rệt rằng ông Tập Cận Bình sẽ thay thế cho ông Hồ Cẩm Đào, sẽ rời chức vụ vào năm 2012. Ông nói:

“Điều này rất quan trọng vì theo truyền thống của đảng cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo tương lai phải là người có kinh nghiệm, vì thế đây sẽ là thời cơ rất tốt trong sự nghiệp chính trị của ông Tập Cận Bình.”

Ông Hồ Cẩm Đào là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Chỉ có ông và ông Tập Cận Bình là hai nhân vật dân sự trong ủy ban.

Phiên họp đảng cũng đặt kế hoạch 5 năm cho Trung Quốc, từ 2011 đến 2015.

Ông Lam cho rằng một trong những ưu tiên của chính phủ sẽ là theo đuổi việc thực hiện lời hứa thu hẹp khoảng cách giữa giầu nghèo ngày càng lớn trong xã hội. Ông nói:

“Theo tôi thì giới lãnh đạo hàng đầu đặt vấn đề này làm ưu tiên cao vì, lấy ví dụ, một loạt những bất ổn lao động tại một số các công ty đa quốc có trụ sở ở Trung Quốc, cũng như các cơ xưởng sản xuất ở nội địa nước này. Theo tôi, giới lãnh đạo rất nóng lòng hóa giải tình trạng bất ổn xã hội và làm nguôi ngoai những công nhân và các nông gia đang hết sức bất mãn và phẫn nộ, những người mang cảm nghĩ là họ đã bị bỏ rơi, mặc dù có những khu vực khác của nền kinh tế dường như được hưởng lợi rất nhiều từ tình trạng phát triển mạnh chưa từng có trước đây trên khắp nước.”

Việc trao giải Nobel hòa bình năm nay cho ông Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến bị Trung Quốc cầm tù, cũng làm nổi bật những lời kêu gọi mới đây đòi cải tổ chính trị ở nước này. Những lời kêu gọi như thế còn được ngay chính nhân vật tầm cỡ như Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra.

Trong một diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc vào tháng Chín, ông Ôn Gia Bảo đã cổ vũ cho cải tổ chính trị Trung Quốc, mặc dù một số những lời nhận định của ông đã không được truyền thông Trung Quốc tường trình.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng cải cách chính trị là cần thiết và nói thêm nếu không có cải cách chính trị, Trung Quốc không thể thực hiện mục tiêu tối hậu của cải cách kinh tế và sẽ mất hết những thành quả đạt được trong việc canh tân đất nước.

Nhà phân tích Willy Lam nói ông nghĩ cấp lãnh đạo trong đảng cho rằng cải cách chính trị rất nhạy cảm và không muốn đặt vấn đề này vào lịch trình của hội nghị năm nay.

Dù các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản không thảo luận về cải cách chính trị, một bài báo đăng trên Nhật báo Thanh Niên Bắc Kinh hôm thứ Hai vừa qua khuyến nghị mọi người không nên xem vấn đề này là một vấn đề nhạy cảm. Bài báo ca ngợi những tiến bộ về chính trị hiện nay của Trung Quốc và trích lời Thủ tướng Ôn Gia Bảo về sự cần thiết cải tổ để đạt được mục tiêu hiện đại hóa kinh tế.

Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman có cùng chung ý nghĩ này trong một cuộc họp bàn của thành phố được trực tiếp truyền hình. Đại sứ Huntsman nói ông tin Trung Quốc sẽ phải nới rộng về chính trị nếu muốn giữ tính cạnh tranh về kinh tế:

“Quí vị chỉ có thể giữ được vị trí lãnh đạo về kinh tế căn cứ trên lao động rẻ trong một thời gian dài dù 10 năm, 20 năm hay 30 năm và rồi quí vị phải làm chuyện gì khác vượt lên cao hơn nữa và điều đó là canh tân. Và để có thể canh tân, quí vị phải có một mức độ tự do nào đó. Quí vị phải có thể dựa vào dòng chảy tự do của những dịch vụ tốt, tiếp cận được với tiền vốn, có tự do thảo luận tại trường đại học và một mạng Internet trên căn bản đưa mọi người đến với nhau và không có sự kiểm soát của bên ngoài.”

Đại sứ Huntsman ca ngợi giải Nobel Hòa được trao cho ông Lưu Hiểu Ba trong tháng này, gọi đó là “một cữ chỉ rất quan trọng đối với tự do và dân chủ”. Ông nói giải thưởng này đánh dấu sự mở đầu của “một sự đối thoại rất quan trọng”.

Tuy nhiên, Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triêu Húc hôm thứ Ba tránh né câu hỏi là có việc bàn tán về ông Lưu Hiểu Ba trong nội bộ chính phủ Trung Quốc hay không.

Ông Mã Triêu Húc nói quyết tâm của Trung Quốc đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa với những đặc tính của Trung Quốc. Quyết tâm này sẽ không lay chuyển và không thể bị thay đổi bởi người nào hay lực lượng nào.

Bắc Kinh đã ồn ào và nhiều lần chỉ trích quyết định của Ủy ban Nobel, nói là ủy ban không biết tôn trọng hệ thống pháp lý của Trung Quốc vì ông Lưu Hiểu Ba bị kết tội lật đổ chính quyền. Tuy nhiên chính phủ chưa bao giờ đưa ra những chi tiết về tội trạng của ông Lưu.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG