Đường dẫn truy cập

TQ lại được đặt dưới sự dò xét sau vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân nói Trung Quốc vẫn thường xử lý các vấn đề quan trọng theo đúng các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp trong nước cũng như quốc tế
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân nói Trung Quốc vẫn thường xử lý các vấn đề quan trọng theo đúng các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp trong nước cũng như quốc tế

Trung Quốc vừa cùng các nước khác lên án Bắc Triều Tiên về một vụ phóng phi đạn thất bại trong tháng này. Đây là một sự công khai khiển trách nước đồng minh cô lập hiếm thấy, khiến nhiều nước dò xét kỹ xem liệu các chính sách của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng có đang thay đổi hay không.

Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tuyên bố Trung Quốc đã cung cấp một số hỗ trợ cho chương trình phi đạn của Bắc Triều Tiên, và có thể đã vi phạm các lệnh chế tài mà Liên Hiệp Quốc áp đặt đối với nước này.

Bắc Kinh bác bỏ những lời cáo buộc vừa kể, nhưng ông Panetta nói Trung Quốc phải có nhiều biện pháp hơn để đưa Bắc Triều Tiên đến bàn thương nghị.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi đã xác định rất rõ với Trung Quốc rằng họ có trách nhiệm bảo đảm rằng nếu muốn cải thiện tình trạng của dân chúng, nếu muốn trở thành một thành viên trong gia đình quốc tế, nếu thực sự họ muốn giải quyết các vấn đề khủng khiếp mà Bắc Triều Tiên đang phải đối đầu, thì họ có cách để làm như thế. Và Trung Quốc cần phải hối thúc Bắc Triều Tiên tham gia vào các cuộc thương lượng ngoại giao. Chúng tôi đã nghĩ rằng chúng tôi đang đạt được một vài tiến bộ, thế mà bỗng dưng lại rơi trở lại vào tình trạng khiêu khích.”

Lâu nay Bắc Kinh vẫn là nước ủng hộ Bình Nhưỡng nhiều nhất, cung cấp hỗ trợ kinh tế chủ chốt và hành động như một người bảo trợ quốc tế vào những lúc căng thẳng leo thang giữa Bình Nhưỡng và các nước khác.

Ông Mike Chinoy là một giáo sư kỳ cựu tại Học viện Trung Quốc-Hoa Kỳ của trường đại học Nam California, và đã đến thăm Bắc Triều Tiên 15 lần. Ông nói có các dấu hiệu cho thấy bất kể quan hệ chặt chẽ giữa hai bên, Trung Quốc có thể đang đánh giá lại mối quan hệ này.

Giáo sư Chinoy nói: “Tôi nghĩ Bắc Kinh đã bị bất ngờ trước quyết định của Bắc Triều Tiên thực hiện vụ phóng vệ tinh và trước luận điệu thường cứng rắn và hơi có vẻ xấc xược của Bắc Triều Tiên. Đó là một vấn đề đối với phía Trung Quốc, bởi vì họ thực sự không thích những gì Bắc Triều Tiên đang làm.”

Tại Nam Triều Tiên trong tuần này, các cơ quan truyền thông đã tập trung vào chính sách của Trung Quốc cho hồi hương những người Bắc Triều Tiên đào tỵ. Bắc Kinh lâu nay vẫn gửi trả những người đào tỵ về miền Bắc, bất kể sự phản đối của Nam Triều Tiên, và giới hoạt động nhân quyền cho rằng tập tục này gây nguy cơ cho tính mạng con người.

Được hỏi về một sự thay đổi có thể có về chính sách trong tuần này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vị Dân đã từ chối không xác nhận, mà cũng không bác bỏ các bản tin đó.

Người phát ngôn Trung Quốc nói ông không hay biết về các chi tiết cụ thể, nhưng Trung Quốc vẫn thường xử lý các vấn đề quan trọng theo đúng các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp trong nước cũng như quốc tế.

Trong mấy tuần vừa qua, Trung Quốc đã cho phép 5 người tỵ nạn, đã ở lại 3 năm tại các phái bộ ngoại giao của Nam Triều Tiên tại Bắc Kinh, được tìm nơi tỵ nạn an toàn ở Seoul.

Ông Mike Chinoy nói những loại hành động như thế có thể là dấu hiệu bang giao xấu đi giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, nhưng không nhất thiết là một sự thay đổi chính sách có tính cách dài hạn. Ông nói:

“Điều chúng ta thấy có phần chắc hơn là Trung Quốc thỉnh thoảng có những cử chỉ tỏ dấu bất bình với Bắc Triều Tiên hơn là Bắc Kinh bỗng dưng nói rằng cánh cửa đang mở rộng, mọi người hãy đến đây, chúng tôi sẽ không gửi trả quý vị về nước.”

Có những dấu hiệu cho thấy sự hỗ trợ kinh tế lâu nay của Trung Quốc đã không bớt đi kể từ sau cái chết của lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il. Các số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy kim ngạch mậu dịch giữa hai nước tăng vọt 18% trong tháng giêng, và lượng xuất khẩu của Trung Quốc qua Bắc Triều Tiên tăng 24% trong tháng đó so với cùng kỳ năm trước.

Ông Bradley Babson, chủ tịch Diễn đàn Kinh tế DPRK tại Học viện Hoa Kỳ- Triều Tiên của trường đại học Johns Hopkins, nói:

"Trung Quốc đang đoan chắc là Bắc Triều Tiên có những nguồn lực mà họ cần đến để thực hiện thời kỳ chuyển tiếp vào đầu năm 2012 một cách tốt đẹp về kinh tế.”

Trung Quốc và Nga cũng đã xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng như đường sá và xa lộ để dễ dàng chuyên chở hàng hóa ra vào nước.

Ông Bradley Babson nói đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục hưởng lợi từ công cuộc giao thương gia tăng với các lân quốc trong tương lai:

“Sự kiện họ đang quảng bá những điều này là một dấu hiệu của sự trông đợi sẽ có thêm rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc đổ vào Bắc Triều Tiên trong một hay hai năm sắp tới.”

Một chỉ dấu chính cho tương lai của mối bang giao giữa hai bên có thể xuất hiện trong những tháng tới đây, nếu Bắc Triều Tiên thực hiện các kế hoạch xúc tiến một cuộc thử nghiệm hạt nhân nữa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG