Đường dẫn truy cập

Người sử dụng internet bối rối vì chính sách mới của TQ về mạng xã hội


Người sử dụng máy tính tại một quán cà phê Internet ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc. Con số đông đảo người sử dụng internet đã trở thành một thử thách đối với những cố gắng của nhà nước Trung Quốc nhằm kiểm soát thông tin
Người sử dụng máy tính tại một quán cà phê Internet ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc. Con số đông đảo người sử dụng internet đã trở thành một thử thách đối với những cố gắng của nhà nước Trung Quốc nhằm kiểm soát thông tin

Một chính sách mới của Trung Quốc yêu cầu người sử dụng các trang micro blog như kiểu Twitter, còn gọi là weibo, phải đăng ký tên thật, đã bắt đầu có hiệu lực hồi tuần trước. Tuy gặp phải sự phản đối rộng khắp trên mạng trước thời hạn chót là ngày 16/3, luật mới này dường như chỉ có tác động rất ít. Thông tín viên William Ide của VOA tường thuật từ Washington.

Nhiều người sử dụng Sina Weibo và Tenecent Weibo, các trang vi blog nổi tiếng của Trung Quốc, giống như Twitter, cho biết họ vẫn có thể đăng tải các thông tin ngắn lên mạng mà không cần phải đăng ký với tên thật và số thẻ chứng minh nhân dân.

Dù người sử dụng nói rằng việc đăng ký thành viên mới bị từ chối nếu họ không cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu, một số blogger vẫn tìm cách ‘lách’ yêu cầu này. Một người phản đối chính sách vừa kể, một blogger có nickname Jdxing, nói rằng hiện đã có một chương trình máy tính cung cấp số chứng minh giả để giúp người sử dụng mạng xã hội che dấu lý lịch.

Trung Quốc nói rằng chính sách sử dụng tên thật nhằm mục đích hạn chế các tin đồn trên mạng cũng như bảo vệ người sử dụng.

Chuyên gia truyền thông Mike Yao làm việc tại Đại học Thành phố Hong Kong.

Ông Yao nói: "Hiện có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp là chính sách này sẽ được thực thi như thế nào, và trước hết là tại sao lại thi hành luật này. Tôi nghĩ rằng việc này cũng có động cơ chính trị là hạn chế tự do ngôn luận liên quan tới các vấn đề chính trị."

Mạng xã hội micro blog theo kiểu Twitter đã thịnh hành ở Trung Quốc trong những năm gần đây, và báo chí nước này đưa tin có hơn 300 triệu người đăng ký sử dụng các mạng này.

Các trang web này là nơi người sử dụng thực sự có thể bình luận về một loạt các chủ đề ở Trung Quốc. Các đăng tải trên mạng đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tin nóng cũng như là nơi bày tỏ thái độ bất mãn với chính phủ, nhất là sau vụ tai nạn tàu cao tốc hồi năm ngoái, làm 40 người chết.

Cũng giống như Twitter hay các trang web tương tự khác trên thế giới, các trang web vừa kể ở Trung Quốc là nơi người sử dụng Internet có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề ở địa phương cũng như các vấn đề đời thường khác như cuộc sống, tình yêu và thời tiết.

Ông Walker nói: "Việc ẩn danh đã cho phép người ta bày tỏ quan điểm cởi mở hơn, ít ra là họ ít bị hạn chế hơn nhiều so với trên các phương tiện thông tin khác ở Trung Quốc. Và bây giờ luật áp dụng phải đăng ký bằng tên thật đã làm mất đi quyền tự do đó."

Ông Christopher Walker làm việc tại Freedom House – một tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ.

Ông Walker nói tiếp: "Chính sách đó có tác động lớn hơn trong việc trấn áp những người sử dụng có cảm giác lo sợ. Nhưng quan trọng hơn hết, nó sẽ ảnh hưởng tới những người coi vi blog là một giải pháp đặc biệt hiệu quả và có giá trị để để trao đổi về các vấn đề mang tính chính trị mà thường khó có thể bình luận cởi mở như vậy trên các phương tiện truyền thông khác."

Sinh viên Trung Quốc Michael Lee nói anh buồn và thất vọng về chính sách mới, dù anh vẫn có thể đăng tải thông tin lên trang Sina Weibo. Anh cho biết anh lo ngại chính sách yêu cầu sử dụng tên thật sẽ giới hạn hình thức thảo luận cởi mở trên mạng, cho phép chia sẻ quan điểm thật, mà nhiều người thích.

Dù biện pháp tăng cường kiểm soát truyền thông do chính phủ ở Bắc Kinh đề xuất, các nhà cung cấp dịch vụ cũng hợp tác với giới hữu trách để thi hành chính sách mới.

Hồi đầu tháng này, chính 4 công ty cung cấp dịch vụ vi blog chính của Trung Quốc là Sina, Sohu, NetEase và Tenecent, chứ không phải chính phủ, đã thông báo rằng ngày 16/3 là thời hạn chót để ghi danh bằng tên thật.

Giáo sư Mike Yao của Đại học Thành phố Hong Kong nói rằng xét về bản chất quan hệ giữa chính phủ và các công ty lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, động thái vừa kể không phải là điều đáng ngạc nhiên.

Giáo sư Yao cho biết: "Chính phủ Trung Quốc rất muốn kiểm soát ngôn luận và trao đổi trên mạng Internet. Cho nên tôi không nghĩ có một sự lựa chọn nào khác. Có thể một số công ty nhỏ ban đầu có thể lách luật, không thi hành chính sách đó, nhưng ngay sau khi có thu hút được nhiều người sử dụng, họ sẽ bị buộc phải thi hành những chính sách kiểu như thế."

Dù hiện chưa rõ là chính sách vừa kể sẽ được áp dụng nghiêm ngặt như thế nào, ông Christopher Walker của tổ chức Freedom House nói nó sẽ có ảnh hưởng.

Ông Walker nói: "Một trong các bài học chúng ta thấy trong chính sách kiểm duyệt của giới hữu trách Trung Quốc trong những năm gần đây là họ không tìm cách ngăn chặn hoàn toàn. Họ tìm cách kiểm soát, can thiệp và nếu cần thì ngăn chặn điều họ cho là cần thiết."

Đó là một lý do vì sao anh Michael Lee, một người sử dụng mạng Sina Weibo, đã quyết định chuyển sang sử dụng mạng xã hội của nước ngoài. Anh nói rằng các trang vi blog của Trung Quốc không những xóa các thông tin người sử dụng đăng tải mà chính phủ còn thường thường xuyên cử người giả làm người sử dụng để chỉ trích những người phản đối chính phủ. Anh Lee nói rằng theo quan điểm của anh, tự do ngôn luận là điều cần thiết hơn.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG