Đường dẫn truy cập

Chiến cuộc ở bang Kachin gây quan ngại về tiến trình hòa bình Miến Ðiện


Một binh sĩ Kachin ở tuyến đầu, đối mặt với quân đội chính phủ Miến Điện
Một binh sĩ Kachin ở tuyến đầu, đối mặt với quân đội chính phủ Miến Điện
Tin tức về giao tranh ác liệt giữa quân đội Miến Ðiện và phe nổi loạn ở Kachin đã gây quan ngại cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, về tiến trình hòa bình mong manh và hòa giải dân tộc. Ðại sứ Hoa Kỳ ở Miến Ðiện lần đầu tiên đã đi thăm bang Kachin miền bắc để đánh giá tình hình.

Các cơ quan truyền thông Miến Ðiện ở nước ngoài loan tin rằng quân đội, hồi tuần trước, đã dùng trọng pháo và chiến đấu cơ trực thăng do Nga chế tạo để oanh kích các vị trí của phe nổi loạn Kachin gần biên giới giáp với Trung Quốc.

Tập đoàn Tin tức Kachin trích thuật lời một phát ngôn viên của Tổ chức Ðộc lập Kachin, ông La Nan nói rằng quân đội chính phủ đã tấn công trong phạm vi cách các căn cứ của họ vài kilomet.

Ông La Nan cũng nói hàng chục binh sĩ Miến Ðiện đã bị hạ sát trong các cuộc giao tranh mấy tuần lễ vừa qua cùng với một số phiến quân thuộc cánh hữu của Ðạo quân Ðộc lập Kachin KIO.

Khó kiểm chứng được tin tức vì khu vực này hẻo lánh và giới hữu trách Miến Ðiện ít khi bình luận về số thương vong hay chi tiết của các cuộc giao tranh.

Nhưng nhà lập pháp Miến Ðiện Dwe Bu của bang Kachin cho hay các giới chức phủ nhận việc quân đội tấn công và hạ giảm tầm quan trọng của cuộc giao tranh.

Bà Dwe Bu nói đại diện quân đội tại quốc hội nhất mực nói rằng họ không tấn công KIA. Bà nói Tổng thống phủ tuyên bố cuộc giao tranh hiện thời không nghiêm trọng. Tuy nhiên, bà cho biết thường dân ở bang Kachin nói các vụ giao tranh mạnh đang diễn ra và nếu quân đội Miến Ðiện không tấn công KIA thì sẽ không có cuộc giao tranh nào.

Ông Min Zaw Oo là giám đốc thương lượng ngưng bắn và thực thi tại Trung tâm Hòa bình Myanmar ở Rangoon. Ông nói quân đội nhận là chỉ tự vệ khi phiến quân tấn công quân đội, còn được gọi là Tatmadaw. Ông nói:

“Có thể họ tìm cách chiếm lại một số phần đất - những gì họ đã mất hồi năm ngoái vào tay Tatmadaw. Trong khi đó, Tatmadaw cũng đang gia tăng con số các tiểu đoàn để bảo vệ các tuyến đường tiếp tế và hậu cần trong khu vực.”

Một nhóm KIA đã tấn công một trạm cảnh sát ở bang Kachin miền bắc hôm thứ ba và ít nhất 1 người đã thiệt mạng.

Giao tranh giữa quân đội và KIA đã bùng nổ hồi tháng 6 năm ngoái, phá vỡ một cuộc ngưng bắn đã có từ 17 năm. Các chuyên gia phân tích nói các áp lực của chính phủ Miến Ðiện đòi phiến quân tham gia một lực lượng an ninh biên giới là nguyên do một phần.

Hàng chục ngàn thường dân đã bị thất tán trong cuộc giao tranh.

Bang Kachin cũng dồi dào các tài nguyên thiên nhiên như gỗ, ngọc thạch và thủy điện, và dân biểu Dwe Bu nói cả hai bên muốn kiểm soát các tài nguyên đó.

Bà nói có nhiều lý do cho cuộc giao tranh nhưng các tài nguyên thiên nhiên dồi dào là một trong các lý do chính. Vì vậy, theo bà, một sự phân chia công bằng các nguồn lợi về tài nguyên thiên nhiên rất quan trọng đối với thường dân. Bà nói họ cần phải nêu ra vấn đề này ra như một vấn đề quan trọng cần phải thảo luận.

Giới hữu trách Miến Ðiện và KIO đã mở nhiều vòng hòa đàm nhưng không đạt được mấy tiến bộ. KIO muốn thảo luận vấn đề nhậy cảm là tự trị trong khi chính phủ noí họ muốn tập trung vào một cuộc ngưng bắn.

Trung tâm Hòa bình Myanmar đã khuyến khích cả hai bên thương nghị việc rút quân nhưng KIO nói họ không tin nhà chức trách và không muốn gửi một tư lệnh có quyền thực hiện quyết định.

Bất kể chiến cuộc tiếp diễn, giám đốc Min Zae Oo nói quân đội có phần chắc sẽ không mở một cuộc tấn công toàn diện như một số người lo ngại. Ông nói cuộc giao tranh mới đây trùng hợp với “mùa mở” là lúc mỗi bên thử thách bên kia bằng các cuộc hành quân:

“Ðể có được một cuộc ngưng bắn như thế cả hai bên phải chấp nhận rủi ro và gặp nhau và ít nhất đồng ý về việc rút quân và tái bố trí quân đội trong tương lai gần. Nếu không, cuộc xung đột này có thể leo thang, nhất là trong thời gian được gọi là “mùa mở” này.

Kể từ khi độc lập vào năm 1948, Miến Ðiện đã chật vật tìm cách ngăn chặn phiến quân dọc theo đường biên giới. Các chính phủ quân nhân liên tiếp để viện lẽ những cuộc nổi dậy để biện minh cho việc ở lại nắm quyền và đàn áp các phong trào dân chủ. Các tổ chức nhân quyền nói quân đội là thủ phạm gây ra những vụ xách nhiễu, trong đó có cưỡng bức lao động, cưỡng hiếp và giết người.

Kể từ khi lên nắm quyền, chính phủ dân sự của Tổng thống Thein Sein đã tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế và dành ưu tiên hàng đầu cho vấn đề hoà giải dân tộc.

Chính phủ đã ký nhiều hiệp ước ngưng bắn với các tổ chức nổi dậy và ra lệnh chấm dứt các chiến dịch tấn công.

Nhưng cuộc giao tranh tiếp diễn ở Kachin đã gây quan ngại rằng tổng thống chưa nắm được quyền kiểm soát quân đội.

Trong tháng này, Liên Hiệp Quốc đã hối thúc giới hữu trách Miến Ðiện cho phép giao các vật phẩm cứu trợ đến các trại tỵ nạn do KIA kiểm soát. Chính phủ đã cho phép ra vào có giới hạn trước đây, nhưng từ nhiều tháng nay đã chận việc giao thực phẩm và thuốc men cấp thiết vì nói rằng tình hình không an ninh.

Giới chỉ trích nói quân đội muốn làm áp lực phe nổi dậy bằng cách cắt đứt tiếp liệu.

Ðại sứ Hoa Kỳ tại Miến Ðiện, ông Derek Mitchell đã thực hiện chuyến thăm trong hai ngày tại bang Kachin trong tuần này - lần đầu tiên kể từ khi ông nhận chức đại sứ hồi tháng 7.

Ông Mitchell đã đi thăm các trại tỵ nạn, gặp các nhà lãnh đạo địa phương và thảo luận việc xin cứu trợ nhân đạo ở nơi nào là cần thiết, kể cả những vùng đất do KIA kiểm soát

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG