Đường dẫn truy cập

Tín đồ Phật giáo, Hồi giáo Miến Điện có thể sống chung hay không?


Binh sĩ Miến Ðiện canh gác tại một trại tị nạn cho người Hồi giáo ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine ở miền tây Miến Ðiện.
Binh sĩ Miến Ðiện canh gác tại một trại tị nạn cho người Hồi giáo ở Sittwe, thủ phủ bang Rakhine ở miền tây Miến Ðiện.
Tình trạng giao tranh sắc tộc xảy ra ở bang Rakhine ở miền Tây Miến Điện năm nay đã khiến nhiều Phật tử và tín đồ Hồi giáo phải đặt câu hỏi là họ có thể chung sống với nhau như những người hàng xóm láng giềng nữa hay không. Tổng thống Obama đã thu hút sự chú ý đến vấn đề này trong chuyến thăm lịch sử tới Miến Điện. Thông tín viên đài VOA Daniel Schearf tường thuật từ Sittwe, thủ phủ của bang Rakhine.

Trong bài phát biểu tại Đại học Rangoon, Tổng thống Barack Obama đã cam kết hỗ trợ chính sách cởi mở chính trị của Miến Điện, nhưng ông cũng nhấn mạnh tới nguy cơ xuất phát từ tình trạng căng thẳng sắc tộc và tôn giáo.

Tổng thống Obama nói: "Không một tiến trình cải cách nào sẽ thành công nếu thiếu sự hòa giải dân tộc."

Tình trạng bạo lực giữa cộng đồng theo Phật giáo và Hồi giáo ở bang Rakhine ở miền tây Miến Điện đã làm ít nhất 170 người thiệt mạng và làm hơn 100.000 người rơi vào cảnh thất tán, khiến họ phải đổ xô tới các trại tạm cư đông đúc.

Đại đa số những người bị thất tán là người Rohingya, một nhóm người thiểu số Hồi giáo vô quốc tịch và được coi là một trong những nhóm người bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

Người quản lý trại tạm cư Thet Kae Pying, ông Shwe Hla, nói người Rohingya không muốn ở đây nhưng họ cũng không chắc là họ có thể lại trở thành hàng xóm láng giềng của những người theo đạo Phật ở tiểu bang Rakhine như trước hay không.

Nhiều khu dân cư bị thiêu rụi hoàn toàn trong các cuộc tấn công trả thù, trong đó có cả nhiều nơi thờ phượng.
Nhiều khu dân cư bị thiêu rụi hoàn toàn trong các cuộc tấn công trả thù, trong đó có cả nhiều nơi thờ phượng.
Ông Hla nói: "Nếu chính quyền tìm ra một giải pháp cho chúng tôi, tôi nghĩ rằng chúng tôi lại có thể lại chung sống với nhau. Nếu không, làm sao chúng tôi có thể cùng chung sống được nữa? Hiện giờ, chúng tôi không thể nói chuyện với nhau. Tôi không thể tiếp xúc với họ."

Nhiều khu dân cư đã bị thiêu rụi hoàn toàn trong các cuộc tấn công trả thù, trong đó có cả nhiều nơi thờ phượng. Hiện giờ những nơi này được quân đội và cảnh sát bảo vệ.

Hai bên đổ lỗi cho nhau về tình trạng bạo lực đã khiến các cộng đồng trở nên tức giận và phải sống trong các trại tạm cư khác nhau.

Giám đốc của trại tạm cư Bắc Ywagi, ông Oo Kyaw Thein, nói người Rakhine cũng muốn trở về nhà, nhưng nhiều người cảm thấy quá sợ hãi.

Nhiều cư dân Rakhine muốn trở về nhà, nhưng nhiều người cảm thấy quá sợ hãi.
Nhiều cư dân Rakhine muốn trở về nhà, nhưng nhiều người cảm thấy quá sợ hãi.
Ông Thein nói: "Người Rakhine chúng tôi đã bị họ bắt nạt nhiều lần. Chúng tôi chấm dứt quan hệ. Tốt hơn hết là hai cộng đồng sống cách xa nhau."

Phát ngôn viên của bang Rakhine Win Myaing nói rằng ông hy vọng hai cộng đồng sẽ không bị phân chia vĩnh viễn.

Ông Myaing nói: "Điều đó phụ thuộc vào các chính quyền địa phương. Chúng ta cần phải chờ xem. Như tôi đã nói trước đây, trong quá khứ từng xảy ra các vụ bạo động lẻ tẻ giữa hai cộng đồng, nhưng sau một hoặc hai tuần hoặc một tháng, họ lại có thể chung sống với nhau. Nhưng sự việc hiện nay rất khác so với những vụ trước đây. Thế nên, chúng ta cần phải chờ xem."

Chính quyền đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng lực lượng an ninh địa phương đứng về phía các tín đồ Phật giáo ở Rakhine trong cuộc giao tranh.

Hiện giờ, cảnh sát được huy động từ Rangoon đã nắm quyền kiểm soát an ninh tại Sittwe, trong khi hàng nghìn binh sĩ vẫn duy trì một nền hòa bình mong manh tại bang Rakhine.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG