Đường dẫn truy cập

Chính phủ Việt Nam phản hồi một thư chất vấn của LHQ sau gần hai năm tiếp nhận


Trang đầu bức thư của Phái đoàn Thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại Geneva trả lời Bộ phận Thủ tục Đặc biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc .
Trang đầu bức thư của Phái đoàn Thường trực nước CHXHCN Việt Nam tại Geneva trả lời Bộ phận Thủ tục Đặc biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc .

Gần hai năm sau kể từ khi nhóm chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc gửi văn thư chất vấn về 9 nhà hoạt động bị sách nhiễu, giam cầm, chính quyền Việt Nam mới có phản hồi, nhưng cho rằng những người này “vi phạm pháp luật”.

Vào ngày 24/3 vừa qua, Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva đã trả lời thư của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) được gởi đi vào tháng 11/2021 về những cáo buộc liên quan đến hàng loạt vụ bắt giữ, bị cáo buộc giam giữ tùy tiện, và truy tố trước pháp luật với 9 nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thủy, Đỗ Nam Trung, Đinh Văn Hải, Chung Hoàng Chương, Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, và Lê Chí Thành.

Việt Nam có 60 ngày để trả lời. Nếu đình trệ, thì lá thư và bất kỳ phản hồi nào nhận được từ Chính phủ Việt Nam sẽ được công khai thông qua trang web báo cáo thông tin liên lạc và chúng cũng sẽ được cung cấp trong báo cáo thường kỳ để trình lên Hội đồng Nhân quyền. Nhưng phải đến gần 2 năm sau, Việt Nam mới hồi đáp.

Trả lời OHCHR về việc bắt giữ 9 nhà hoạt động nhân quyền, phía Việt Nam cho rằng đều đã được Viện kiểm sát nhân dân các cấp “phê chuẩn”. Mọi quyết định tố tụng hình sự đều phải được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn thì mới có hiệu lực pháp luật và được thi hành và hoàn toàn phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Điều 9, Khoản 3 của ICCPR “Bất kỳ ai bị bắt hoặc bị giam giữ vì tội hình sự sẽ được nhanh chóng đưa ra trước một thẩm phán hoặc viên chức khác được ủy quyền theo luật để thực thi quyền tư pháp và có quyền được xét xử trong vòng một thời gian hợp lý hoặc để phát hành”. Việt Nam cho rằng tất cả đều vi phạm pháp luật Việt Nam, các hành vi vi phạm đã được chứng minh với đầy đủ chứng cứ tại một phiên tòa công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của Luật tố tụng hình sự.

Chính phủ Việt Nam phản hồi một thư chất vấn của LHQ sau gần hai năm tiếp nhận
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:43 0:00

Trong số những nhà hoạt động nhân quyền mà OHCHR đã liên tiếng có ông Chung Hoàng Chương. Ông bị Tòa án Nhân dân Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ kết án một năm rưỡi tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Ông Chương bị bắt vào ngày 12/1/2020, được cho là vì các bài đăng về việc công an bị cáo buộc sử dụng vũ lực quá mức ở xã Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 mà ông đã đăng trên mạng xã hội. Trước khi bị bắt, ông cũng đã đăng những ý kiến chỉ trích trên mạng xã hội về vai trò bị cáo buộc của Chính phủ trong thảm họa môi trường Formosa. Ông Chương được trả tự do vào ngày 11/6/ 2021 sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

Trao đổi với VOA hôm 30/3 vừa qua, ông Chương cho biết khi trở về ông đã thay đổi chỗ ở và có nhiều áp lực trong cuộc sống. Vợ của ông Chương buôn bán trái cây còn ông buôn bán sim điện thoại.

“Công việc của tôi lúc trước là buôn bán sim điện thoại thì thấy tình hình bây giờ chắc khó khăn, sức mua không còn như lúc xưa nữa,” Ông Chương nói. “Thành ra bây giờ chỉ ở nhà tiếp bà xã thôi. Còn nhà thì cho thuê để kiếm thêm chút thu nhập để lo cho mấy đứa con đi học.”

Trả lời OHCHR, bên phía Việt Nam cho rằng ông Chương đã đăng tổng cộng là 35 bài viết với những nội dung “sai lệch, xuyên tạc chính sách của đảng cộng sản Việt Nam và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Ngoài ra, chính quyền còn chỉ trích ông Chương đã “xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự, nhân phẩm của một số tổ chức, cá nhân, lực lượng công an, nhất là các công an đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Ông Chương cho biết rằng khi ông đăng những bài viết của mình lên Facebook, ông vẫn có nhận thức về những cái cần phải tránh để không vướng mắc đến những vấn đề liên quan đến pháp lý.

“Nhưng mà hiện tại tôi suy nghĩ là tại vì tôi nói lên sự thật, nói lên những điều mà chính quyền không có thích nghe, hoặc không muốn cho nhiều người biết,” Ông Chương nói. “Khi tôi nói lên và thêm những bài viết, tôi hay đả kích, châm biếm thì thành ra là có tội rồi.”

Ông Chương nói thêm khi ông nói lên tiếng nói là ông đặt vai trò mình lên người dân. Ông chỉ nói lên tiếng nói phản biện để xây dựng đóng góp. Ông không hề có âm mưu lật đổ chính quyền vì ông cho rằng vai trò của ông “nhỏ bé” nên ông không có nghĩ xa xôi như vậy. Ông chỉ biết cất lên tiếng nói của người dân còn chính quyền có lắng nghe hay tiếp thu thì là chuyện khác.

Ông giải thích những bài viết ông đăng xung quanh vấn đề ở Đồng Tâm là nguyên nhân chính để chính quyền bắt khẩn cấp ông.

“Khi làm việc với cơ quan điều tra thì tôi cũng có giải thích nhưng họ không có nghe,” Ông Chương nói. “Đến khi họ buộc tội thì chịu thôi.”

Phía Việt Nam có nói rằng, trong quá trình điều tra và làm việc, ông Chương đã từ chối mời luật sư bào chữa. Ông Chương giải thích với đài VOA rằng khi làm việc với cơ quan điều tra, ông có trình bày về những bài viết của mình và việc có luật sư cũng không có thay đổi được gì nhiều.

“Cho nên lúc đó tôi không có yêu cầu có luật sư,” Ông Chương nói. “Nhưng sau này tôi mới nhận ra là có luật sư vẫn tốt hơn. Trong thời gian điều tra không có giao tiếp với gia đình thì luật sư sẽ làm một cái cầu nối để thông tin qua lại giữa tôi với gia đình thì cả hai bên đều đỡ lo lắng hơn.”

Ông Lê Chí Thành, một trong những nhà hoạt động nhân quyền được nhắc tới trong bức thư, hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam. Trước khi bị bắt, ông Thành từng là cán bộ công an làm việc tại trại giam nhưng bị sa thải vì ông đã tố cáo những hành vi tham nhũng và sai trái của ban quan lý trại giam. Ông cũng có một kênh YouTube mà ở đó ông đăng các video liên quan đến vấn đề tham nhũng trong lực lượng an ninh công cộng, nhưng ông đã bị sa thải vào năm 2020 sau khi tố cáo cáo buộc tham nhũng và sai trái của ban quản lý nhà tù.

Vào ngày 20/3/2021, xe ô tô của ông Thành bị cảnh sát giao thông thành phố Thủ Đức chặn lại và khám xét. Ông bị cáo buộc “không có giấy đăng ký ô tô và lái xe sai làn đường”. Khi công an cưỡng chế tạm giữ xe, ông Thành đã ghi lại quá trình và đối chất về thẩm quyền của công an đối với hành động này. Được biết ông không dùng đến bất kỳ hình thức bạo lực nào, nhưng bên phía Việt Nam nói rằng trong quá trình giải quyết, ông Thành nhiều lần “có hành vi và lời nói cản trở lực lượng chức năng làm việc”, kích động nhiều đối tượng không liên quan tập trung cản trở lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông. Sau đó ông Thành bị Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức tuyên phạt 02 năm tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Trao đổi với đài VOA hôm 31/3, bà Lê Thị Phú, mẹ của ông Thành, cho biết ông Thành đi đúng làn đường của mình và không có hành vi chống người thi hành công vụ.

“Khi bắt xe thì con tôi ngồi cầm một cái điện thoại quay trực tiếp,” Bà Phú nói. “Họ đòi cẩu xe đi. Nếu có giấy tờ thì con tôi cho nhưng không có giấy tờ thì con tôi không cho cẩu xe đi.”

Vào ngày 22/06/2022, ông Thành tiếp tục bị Tòa án nhân dân huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, tuyên phạt 03 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền hợp pháp và lợi ích của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự với các cáo buộc của VKSND tỉnh Bình Thuận, từ tháng 7 đến tháng 10/2020, rằng ông Thành đã sử dụng tài khoản Facebook “Lê Chí Thành” để đăng tải các video, bài viết “có nội dung sai sự thật, xâm phạm lợi ích hợp pháp của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp” của Công an, chức danh Thứ trưởng Bộ Công an và cá nhân ông Lê Bá Thuỵ, Giám thị Trại tạm giam Thủ Đức.

“Con tôi tố cáo một Giám thị Trại giam Z30D Lê Bá Thuỵ về tội tham nhũng,” Bà Phú nói. “Thì theo lời kêu gọi của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có nói ai biết thì tố giác. Đáng lẽ ông phải bảo vệ quyền bí mật nhưng cuối cùng không bảo vệ quyền hợp pháp cho con tôi.”

OHCHR cáo buộc Việt Nam đã tra tấn và ngược đãi ông Thành trong khi bị tạm giam trước khi xét xử, để ông bị thương ở tay và chân. Nhưng Việt Nam đã phủ nhận việc đó trong bức thư trả lời. Họ nói rằng ông Thành đã “tự gây thương tích” và có thái độ thù địch, xúc phạm danh dự của cán bộ quản giáo trong thời gian bị tạm giữ.

Bà Phú khẳng định là ông Thành có bị đánh trong lúc bị tạm giam trong 7 ngày đến độ không đi lại được.

“Đánh mà không đi được, không lết được lúc ra toà,” Bà Phú nói. “Phải có hai người công an dìu đi.”

VOA đã liên lạc với Trại giam Z30D để xin ý kiến nhưng không có ai trả lời. Ngoài ra, VOA đã liên lạc đến bộ Ngoại giao Việt Nam để hỏi ý kiến nhưng cũng không có phản hồi.

Cũng trong bức thư, bên phía Việt Nam cho rằng họ khuyến khích công dân thực hiện “quyền tự do ngôn luận” để đóng góp ý kiến, phản biện về chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền này cần tuân thủ các quy định của pháp luật, trên tinh thần xây dựng, thiện chí, góp ý chỉ ra những thiếu sót, qua đó góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Các hành vi vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, lợi dụng danh nghĩa phản biện Chính phủ và bảo vệ quyền con người để tung tin thất thiệt, cố ý xuyên tạc, dùng ngôn từ kích động thù địch, kích động chia rẽ, chia rẽ các mối quan hệ chính trong xã hội nhằm lật đổ chính quyền đều bị nghiêm cấm.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG