Đường dẫn truy cập

Chính quyền Trump không cấp visa định cư cho ai không mua bảo hiểm y tế


Các di dân tuần hành ở Sacramento, bang California trong sự kiện Ngày Hành động Di dân hồi tháng 5 năm 2019
Các di dân tuần hành ở Sacramento, bang California trong sự kiện Ngày Hành động Di dân hồi tháng 5 năm 2019

Người xin visa định cư vào Mỹ sẽ bị từ chối cho nhập cảnh trừ phi họ có thể chứng minh rằng họ có đủ khả năng chi trả các chi phí y tế, theo tuyên cáo Tổng thống Donald Trump ban hành hôm 4/10.

Quy tắc mới áp dụng cho những người xin thị thực (visa) nhập cư từ nước ngoài chứ không phải những người đã vào nước Mỹ rồi. Nó không ảnh hưởng đến thường trú nhân hợp pháp cũng như người xin tị nạn, người chạy nạn hay trẻ em.

Nhưng nó sẽ áp dụng đối vợ chồng và cha mẹ của công dân Mỹ. Điều này có thể ảnh hưởng đến các gia đình đang cố gắng đưa cha mẹ đến Mỹ.

Theo đó, người xin định cư Mỹ sẽ bị chặn vào Mỹ nếu họ không có bảo hiểm y tế trong vòng 30 ngày kể từ khi nhập cảnh hoặc không có đủ tiền bạc để trang trải cho bất kỳ chi phí y tế nào. Biện pháp này sẽ có hiệu lực vào ngày 3/11.

Chính quyền Trump đang cố gắng chuyển từ nhập cư dựa vào bảo lãnh sang nhập cư dựa trên sự xứng đáng, và tuyên bố của Tổng thống hôm 4/10 là một nỗ lực nữa nhằm hạn chế người nhập cư tiếp cận các chương trình phúc lợi xã hội của Mỹ.

Chính quyền Trump đầu năm nay đã thực hiện các thay đổi quy định sâu rộng, trong đó có việc không cấp thẻ xanh cho người nhập cư nhận lãnh các phúc lợi từ nhà nước.

Bảo hiểm y tế bắt buộc này có thể là do cá nhân mua hay do công ty mua cho và nó có thể là bảo hiểm ngắn hạn hay dài hạn.

Những ai có Medicaid (tức chương trình giúp đỡ tài chính chăm sóc sức khỏe cho người có thu nhập thấp) không được tính. Và người nhập cư sẽ không được cấp thị thực nếu sử dụng tiền trợ cấp của Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng, tức ACA hay Obamacare, khi mua bảo hiểm. Những khoản trợ cấp này là do chính phủ liên bang chi trả.

Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo rằng có quá nhiều người không phải là công dân đang lợi dụng các chương trình trợ giúp y tế hào phóng của nước Mỹ, và rằng những người nhập cư đang góp phần vào gánh nặng ‘chi phí y tế không được bồi hoàn’.

‘Chỉ mới là tuyên cáo’

Trao đổi với VOA, luật sư di trú Khanh Phạm hiện đang làm việc cho Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, một tổ chức NGO chuyên phục vụ cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhấn mạnh rằng đây chỉ mới là tuyên cáo của Tổng thống, chứ không phải là luật hay sắc lệnh hành pháp nên khả năng hiệu lực bị giới hạn.

“Đây chỉ là biên bản cho thấy Tổng thống muốn làm như vậy và chỉ thành luật khi Quốc hội chấp nhận,” ông giải thích. “Nhưng hiện tại Quốc hội chưa nói gì hết.”

Luật sư Khanh cho rằng ‘rất ít có khả năng Quốc hội sẽ chấp nhận’ cho nên ‘Không có gì chắc chắn là nó sẽ có hiệu lực vào ngày 3/11’.

Đối tượng bị ảnh hưởng của tuyên cáo này là những người xin định cư ở Mỹ (immigrant), chẳng hạn những người được bảo lãnh theo dạng gia đình, chứ không phải những người vào Mỹ theo thị thực không định cư (non-immigrant) như đi làm việc ngắn hạn, du học, du lịch, ông Khanh nói rõ.

Luật sư Khanh cũng cho biết thêm rằng nếu tuyên cáo này không trở thành luật mà chính quyền Trump vẫn thực hiện thì có thể ‘sẽ bị kiện’.

“Tôi có nghe nói có vài tổ hợp luật sư, như ACLU, đã muốn kiện rồi. Một khi kiện thì cho đến ngày 3/11 Bộ Ngoại giao Mỹ buộc phải cấp thị thực cho họ qua Mỹ, chứ không bắt buộc họ phải mua bảo hiểm y tế,” ông Khanh cho biết.

Tuy nhiên, luật sư Khanh nhấn mạnh rằng nếu nói những người đang xin thị thực nhập cư không có gì để lo ‘là quá sớm’ mà ‘phải xem bước kế tiếp Quốc hội sẽ làm gì’.

Ông Khanh diễn giải trong trường hợp điều này trở thành luật thì những người sắp xin định cư ở Mỹ hoặc là khi đặt chân qua Mỹ ‘đã được người đứng ra bảo lãnh ghi danh bảo hiểm’ hoặc là ‘phải chứng minh có đủ khả năng tài chính để mua bảo hiểm’.

“Còn nếu họ xin trợ cấp của ACA để mua bảo hiểm thì họ sẽ bị coi như gánh nặng xã hội,” ông nói.

Về bảo hiểm ngắn hạn, luật sư Khanh nói, tuyên cáo của Tổng thống Trump không nói rõ là ngắn hạn như thế nào nhưng một ví dụ, theo luật sư Khanh, có thể là chỉ mua gói ‘cấp cứu trong bệnh viện’.

“Nếu cái này mà trở thành luật thì bắt buộc phải có (bảo hiểm) để di cư qua Mỹ. Còn nếu không phải là luật thì không có vấn đề gì.”

Luật sư Khanh cho biết trước giờ các hồ sơ xin định cư mà ông thụ lý ‘không ai có bảo hiểm khi qua đến Mỹ’.

Cũng theo lời ông, những hồ sơ nào đang được duyệt vào lúc này và đã được chấp nhận thì không bị bắt buộc mua bảo hiểm. Chỉ có những hồ sơ nào được duyệt sau ngày 3/11 thì có thể mới bị ảnh hưởng.

Đối với những trường hợp di dân đã khẳng định là có khả năng mua bảo hiểm nhưng khi qua Mỹ không mua thì có thể bị coi là ‘khai gian với Sở Di trú’. Khi đó, chính phủ ‘có thể coi họ là gánh nặng cho xã hội’ và ‘việc trục xuất chỉ là một sớm một chiều’, luật sư Khanh nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG