Đường dẫn truy cập

Cao nguyên Lào: Cà phê chất lượng cao thay cho cây thuốc phiện


Hình tư liệu - Hai binh sĩ Thái Lan cắt bỏ cây thuốc phiện ở một cánh đồng tại Chiang Mai năm 1996.
Hình tư liệu - Hai binh sĩ Thái Lan cắt bỏ cây thuốc phiện ở một cánh đồng tại Chiang Mai năm 1996.

Khởi sự như một dự án nhằm cung cấp một sự thay thế cho các nông dân vùng cao của Lào vốn được khuyến khích bỏ kỹ thuật canh tác nương rẫy truyền thống khi không còn cây thuốc phiện, giờ đây, dự án này đang thu hút làn sóng du khách quốc tế ngày càng tăng tới thị trấn Luông Pra Băng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nổi tiếng trước nay nhờ các ngôi chùa Phật giáo, ngành du lịch tại địa điểm di sản thế giới này nay đang nở rộ, mở đường cho một doanh nghiệp làm nên thương hiệu của mình với loại cà phê trồng ở địa phương.

Nguồn cung ứng cà phê chất lượng cao sản xuất nội địa tại Luông Pra Băng không theo kịp nhu cầu, nhờ sự bùng nổ du lịch tại khu vực di sản thế giới.

Công ty cà phê Saffron tin rằng họ đã tìm ra giải pháp có lợi đôi đường cho các nông dân vùng cao vốn bây giờ không còn trồng cây thuốc phiện được nữa và bị cấm dùng các kỹ thuật canh tác mà chính phủ cho là có hại cho các khu vực cây rừng.

Ông Derek Smith thuộc công ty cà phê Saffron nói: “Một trong những mục tiêu lớn mà công ty cà phê Saffron đề ra là gánh vác công việc đã được thực hiện bởi các tổ chức NGO và các cơ quan chính phủ trước đây: làm thăng tiến cây cà phê tại khu vực phía Bắc nước Lào. Một trong những khó khăn của các chương trình này là không có thị trường cho cà phê. Đó cũng là điều mà công ty chúng tôi đang nhắm tới.”

Trong những năm đầu 2000, cây thuốc phiện ở Bắc Lào bắt đầu giảm mạnh khi chính phủ tăng cường các nỗ lực bài trừ, khiến nhiều hộ gia đình không có thu nhập thay thế.

Nhiều nông dân ở các vùng cao quay sang trồng lúa hoặc bắp vốn cũng áp dụng chu kỳ phát đốt tại các khu vực rừng, điều mà chính phủ cũng đã cấm.

Nhưng đối với các nhà nông trồng cây cà phê gần chục năm nay như anh Boua Thong, thị trường ổn định và giá thành cao là một sự thay thế đáng mừng.

Anh Thong cho biết: “Trồng cà phê dễ hơn trồng lúa vì khi cây cà phê cao lên, không cần nhổ cỏ hằng tháng như trồng lúa.”

Giờ đây, gia đình anh Thong là một trong hơn 780 hộ tại vùng núi tỉnh Luông Pra Băng đã bắt tay trồng hạt cà phê cho công ty Saffron.

Thoạt đầu, bà con nông dân lưỡng lự không muốn thử loại cây trồng chưa quen tay mà lại phải mất tới ba năm mới thu hoạch được vụ đầu.

Công ty Saffron cung cấp 300 ngàn cây giống cho nông dân trong khu vực, nhưng đa phần thí nghiệm thất bại vì thiếu kỹ thuật.

Anh Lat Inphommaly, nhân viên phụ trách phát triển cà phê cho công ty Saffron, cho biết: “Khi chúng tôi đưa cây giống cho dân làng, họ trồng bất cứ nơi nào họ muốn, không trồng đúng chỗ cho nên cây chết.”

Các nhân viên phụ trách khâu quảng bá phát triển cà phê trong công ty Saffron giờ đây làm việc chặt chẽ hơn với nông dân và tỉnh này trong vụ thu hoạch vừa qua đã sản xuất ra 12 tấn cà phê.

Trong lúc du khách đổ xô tới đây, nhu cầu từ các khách sạn và nhà hàng trên khắp nước đối với sản phẩm cây nhà lá vườn đã đem lại cho nông dân Lào một giải pháp thay thế.

Mảnh đất trước kia từng được biết đến như một thành viên sản xuất thuốc phiện của khu Tam giác vàng, giờ đây nhiều nông dân tại đây đang tìm kiếm danh tiếng cho cây cà phê chất lượng cao.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG