Đường dẫn truy cập

“Cánh tay nối dài” của Trung Quốc gây quan ngại ở Mỹ


Cờ của Trung Quốc vả Mỹ bay trên Đại lộ Pennsylvania gần tòa nhà quốc hội tại Washington trong chuyến thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trung Quốc được cho là đang dùng mọi nỗ lực để gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ.
Cờ của Trung Quốc vả Mỹ bay trên Đại lộ Pennsylvania gần tòa nhà quốc hội tại Washington trong chuyến thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Trung Quốc được cho là đang dùng mọi nỗ lực để gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ.

Việc Bắc Kinh đổ tiền của ra để xây dựng một mạng lưới có ảnh hưởng trong lòng xã hội và hệ thống chính trị Mỹ nhằm làm lợi cho Trung Quốc đã đặt ra một mối nguy cơ về an ninh đối với Hoa Kỳ, còn lớn hơn cả sự can dự của Nga, một nghị sĩ Mỹ cảnh báo.

Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh các nước phương Tây như Úc, New Zealand và cả Canada, mới đây đã bị rúng động vì các tin bị phanh phui về các nỗ lực của Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng lên các chính trị gia, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp tại các nước này. Các chính khách và các nhà chiến lược Hoa Kỳ đã bắt đầu nhận thức được vấn đề và đang tìm cách giải quyết.

Hôm 13/12, Ủy ban Điều hành của Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) đã tổ chức một buổi điều trần có chủ đề ‘Cánh tay nối dài của Trung Quốc’ để xem xét tình trạng Bắc Kinh đang xây dựng ảnh hưởng chính trị, kiểm soát các cuộc thảo luận về các chủ đề nhạy cảm, can thiệp vào các tổ chức quốc tế, đe dọa các nhà hoạt động nhân quyền, kiểm duyệt sách vở của các nhà xuất bản nước ngoài, và tác động vào các trường đại học và các viện nghiên cứu.

“Chúng ta nói rất nhiều về việc Nga tác động vào cuộc bầu cử ở nước chúng ta, nhưng nỗ lực của Trung Quốc để ảnh hưởng tới chính sách và các quyền tự do cơ bản của chúng ta còn ở quy mô rộng lớn hơn nhiều, so với những gì chúng ta nghĩ,” Thượng nghị sỹ Marco Rubio, đồng chủ tịch của CECC, phát biểu trong phiên điều trần.

Ông nói: “Đó là một nỗ lực toàn diện không chỉ nhằm mục đích thuyết phục để mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với Trung Quốc, mà còn để gây hại cho người Mỹ ngay trong lòng nước Mỹ.”

Theo tờ Washington Post thì chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Hoa Kỳ có ‘quy mô và phạm vi rất lớn’. Mục đích bao trùm của chiến dịch đó là bảo vệ chế độ chuyên chế của Bắc Kinh trước những lời chỉ trích, và xuất khẩu mô hình của Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới.

Chiến lược của Bắc Kinh ở Hoa Kỳ trước hết, là chặn đứng những chỉ trích về Trung Quốc và sau đó là lôi kéo những người có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ a dua theo luận điệu của Trung Quốc.

Một trong những dẫn chứng mà Thượng nghị sĩ Marco Rubio đưa ra là các Viện Khổng Tử mà chính phủ Trung Quốc mở tại các trường đại học ở Hoa Kỳ vẫn hoạt động theo những hợp đồng mờ ám và thường bị chỉ trích là can thiệp vào các hoạt động giảng dạy có liên quan đến Trung Quốc.

Các hoạt động tài trợ của Bắc Kinh cho các nghiên cứu của các viện chiến lược và các quan hệ đối tác trí thức cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, ông Rubio nói trong một phiên điều trần.

Một bài viết mới đây trên tạp chí Foreign Policy mô tả chi tiết làm sao mà ông Đổng Kiến Hoa, từng là Trưởng đặc khu Hong Kong, đã bỏ tiền ra để tài trợ các công trình nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp (SAIS) của Đại học John Hopkins, Viện Brookings và các cơ quan khác thông qua Quỹ Trao đổi Trung-Mỹ (CUSEF). Ông Đổng hiện là Phó Chủ tịch của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc, cơ quan có liên quan đến nhiệm vụ thúc đẩy tuyên truyền về Đảng Cộng sản Trung Quốc ở nước ngoài.

Những cơ quan nhận tiền tài trợ của Trung Quốc thường xuyên nhấn mạnh rằng tính độc lập về mặt học thuật của họ vẫn được đảm bảo. Nhưng trong bối cảnh các cơ quan này đang rất cần tiền, họ lâm vào thế phải tự kiểm duyệt các sản phẩm của mình để tiếp tục được Trung Quốc tài trợ. Các nhà nghiên cứu hiểu rằng họ không nên ‘chõ mũi’ vào chuyện của Trung Quốc nếu muốn được tài trợ, còn các nhà xuất bản thì đồng ý xóa những bài báo chỉ trích khỏi các ấn phẩm của họ để được tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Glenn Tiffert, nhà nghiên cứu khách mời tại Viện Hoover, nhận định:

“Bằng cách gây ảnh hưởng với các nhân vật có ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc đang dùng chính người Mỹ để truyền bá thông điệp của Bắc Kinh đến với dân Mỹ. Cách làm này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc các quan chức Trung Quốc đích thân vận động.”

Tờ Washington Post dẫn lời nhà nghiên cứu Tiffert nói:

“Cần phải có nhận thức ở Washington về mức độ các cơ quan nghiên cứu và học thuật của Mỹ đang dựa vào tiền của Trung Quốc,” ông Tiffert nói. “Mọi người đang bắt đầu đặt câu hỏi là người chi tiền có thể chi phối mọi chuyện như thế nào.”

Trước mối nguy đó, hình như Hoa Kỳ không có những biện pháp thích nghi để chống trả một cách hữu hiệu. Bắc Kinh cảm thấy tự tin hơn rất nhiều trước sự thoái lui của chính quyền Tổng thống Donald Trump, không còn mạnh mẽ bảo vệ các giá trị truyền thống của Mỹ như dân chủ và nhân quyền.

Trung Quốc dưới quyền Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng thúc đẩy thế giới đi theo mô hình chuyên chế của họ và áp dụng cách làm của họ vào các định chế quản trị thế giới.

Bằng cách gây ảnh hưởng với các nhân vật có ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc đang dùng chính người Mỹ để truyền bá thông điệp của Bắc Kinh đến với dân Mỹ. Cách làm này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc các quan chức Trung Quốc đích thân vận động. Write Your Quote Here ...

Nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tại Hoa Kỳ càng được nêu bật khi câu chuyện tương tự xảy ra ở Úc. Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới đây ban hành lệnh cấm nước ngoài tài trợ chính trị viện lý do là ‘những phúc trình đáng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc’.

Một thượng nghị sỹ của nước này là ông Sam Dastyari, thuộc Đảng Lao Động, bị cáo buộc là đã ‘ủng hộ hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, đi ngược với với lập trường của Đảng của ông để đổi lại sự tài trợ của nhà tài phiệt Trung Quốc Hoàng Hướng Mặc’.

Ông Dastyari còn bị cáo buộc là đã khuyên ông Hoàng phải làm sao để tránh sự theo dõi của phía Úc vào lúc cơ quan tình báo Úc đang tiến hành theo dõi ông Hoàng. Ông nghị sĩ này còn tìm cách gây sức ép lên một lãnh đạo Đảng Lao động để ông này không gặp một nhà hoạt động dân chủ Hong Kong hồi năm 2015, mặc dù kế hoạch này bất thành.

Mới đây, Quỹ Quốc gia Hỗ trợ Dân chủ (National Endowment for Democracy) của Hoa Kỳ công bố một phúc trình về các chế độ chuyên chế. Phúc trình này nhận định rằng một mặt, Trung Quốc đang ngày càng đặt thêm rào cản trước ảnh hưởng chính trị và văn hóa từ bên ngoài, trong khi mặt khác, lại lợi dụng sự cởi mở của hệ thống dân chủ của các nước để làm lợi cho mình.

“Chính quyền Trung Quốc đã bỏ ra hàng triệu đô la để chi phối các giá trị, các phát ngôn và thái độ chính trị ở các nước khác,” ông Shanthi Kalathil, chuyên gia của NED nói.

Báo The Washington Post nhận định, dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, không có dấu hiệu gì cho thấy Washington có chiến lược gì để đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tờ báo nói, chuyến công du châu Á mới đây của ông Trump được đánh dấu bởi sự mơ hồ về chính sách và sự kiện ông Trump không đạt được nhượng bộ nào đáng kể từ phía Bắc Kinh, mặc dù ông được Bắc Kinh đón tiếp trọng thị.

“Vấn đề của nước Úc là việc Trung Quốc sẵn sàng dùng các biện pháp cưỡng chế để đạt được giấc mơ của họ là sự phục hưng của đất nước Trung Hoa,” ông Alan Dupont, người sáng lập công ty tư vấn Cognoscenti Group, viết trên báo The Australian. “Trong khi với việc nước Mỹ của Tổng thống Trump đã tuyên bố rút khỏi vai trò lãnh đạo thế giới và việc nước Mỹ không có một chính sách châu Á rõ ràng thì Trung Quốc ngày càng gặp ít trở ngại trong việc thúc đẩy ảnh hưởng và tham vọng của mình.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG